Thịt lợn “vỉa hè” và câu chuyện phòng dịch
Dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện ở thành phố Kon Tum, chính quyền và ngành chức năng đang triển khai các biện pháp ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan. Nhưng tình trạng “bán dạo” thịt lợn trên đường phố lại làm những ai quan tâm đến công tác phòng dịch lo lắng.
Mới mờ sáng, vợ chồng anh P. tất bật chuẩn bị mở cửa hàng thịt lợn như thường lệ. Trong khi chị vợ cầm chổi khua mấy nhát ở khu vực bán hàng, anh P sắp xếp đồ nghề.
Vợ chồng anh bán thịt lợn ở đây được hơn một năm. Gọi là cửa hàng cho oai, chứ thực ra chỉ là cái bàn gỗ tạp ọp ẹp kê dưới gốc cây trên vỉa hè đường U re (thành phố Kon Tum). Thịt lợn được làm sẵn ở nhà, bày trên bàn, xung quanh là cân, dao, thớt gỗ.
Sau khi dọn hàng xong, chị vợ tất tả lên xe về nhà, còn anh P ở lại bán hàng. Tranh thủ khi chưa có khách, anh chạy sang quán cà phê cóc bên cạnh mua ly cà phê đen ngồi nhâm nhi, thỉnh thoảng cầm cây quạt tự chế (buộc bằng nilon) khẽ phe phẩy đuổi ruồi, nhặng.
|
Cách đó khoảng 500m, tại góc ngã tư Trường Chinh- Ure (thành phố Kon Tum), một người đàn ông lui cui trải mấy tấm bìa cạc tông ra vỉa hè, rồi xếp lên đó đủ dao, thớt, cân.
Trên chiếc xe máy dựng bên cạnh là một con lợn đã được làm sạch đặt ngang yên xe, mõm thõng xuống chạm đất.
Cứ như vậy, một điểm bán thịt lợn “vỉa hè” hình thành. Loáng cái đã có dăm bà nội trợ xung quanh đó vây quanh. Cứ nhìn cách cầm dao pha thịt lọc xương của người bán thịt là biết không phải “dân chuyên nghiệp”.
Để có cớ hỏi chuyện, tôi ghé vào mua ít xương sườn lợn. Vừa “tay dao tay thớt”, anh vừa cho biết, chuyên trồng rau và nuôi lợn bán cho thương lái. Gần đây, giá lợn hơi giảm mạnh, đàn lợn hơn chục con đã đến kỳ xuất bán mà thương lái ép giá, chưa chịu bắt, bí quá, đành học theo người khác tự mổ thịt đem ra phố bày bán.
Khi được hỏi có kiểm dịch của cơ quan thú y không thì anh ngượng nghịu lắc đầu. “Lợn nhà nuôi, thịt xong là chở thẳng ra đây bán, không nghĩ đến chuyện kiểm dịch, mà cũng không thấy ai yêu cầu kiểm dịch”- anh thú thật.
Không chỉ trên đường U rê, tình trạng buôn bán thịt lợn bên lề đường còn khá phổ biến trên nhiều tuyến đường thuộc các xã, phường trên địa bàn thành phố. Có tuyến đường, có đến 2-3 người bán thịt lợn gần nhau.
Hầu hết các hộ dân buôn bán thịt lợn bên đường đều bày trên những tấm bìa cứng hay bao tải xộc xệch và được trải tạm ngay trên nền đường, vỉa hè. Và lẽ tất nhiên, người bán nào cũng cam kết thịt lợn sạch.
Một chị bán thịt lợn ở vỉa hè đường Nguyễn Viết Xuân cho biết, chị bán thịt lợn ở bên đường lâu rồi. Do giá bán thấp hơn các quầy trong chợ nên cũng có đông khách.
Quan trọng nhất là tiện lợi cho khách hàng, bởi họ không cần phải vào chợ, gửi xe, mà tiện đường đi làm về, ghé vào mua- chị nói.
Tuy nhiên, nhiều bà nội trợ lo ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của thịt lợn “vỉa hè”. Một thực tế rõ ràng là mặt hàng thực phẩm tươi sống này bày bán trên lề đường trông rất nhếch nhác, dính bụi bẩn.
Hơn nữa, không có gì để đảm bảo rằng sẽ không có tình trạng lấy thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí có thể là lợn bệnh, lợn chết, không đảm bảo an toàn thực phẩm về bán.
Tình trạng “bán dạo” thịt lợn trên đường phố còn làm những ai quan tâm đến công tác phòng dịch lo lắng.
|
Là một hộ gia đình nuôi lợn quy mô nhỏ, bạn tôi đang lo lắng trước thông tin dịch bệnh tả lợn Châu Phi tái xuất hiện. Năm 2021, anh đã phải tiêu hủy cả đàn lợn đang độ lớn đẹp như tranh vì dịch bệnh quái ác này. Sau đó, còn khá tốn kém cho công tác khử trùng, vệ sinh chuồng trại và khu vực xung quanh nhằm tiêu diệt mầm bệnh.
“Thịt lợn được bày bán đầy ngoài vỉa hè, không có cơ quan nào quản lý, không có kiểm dịch, nếu như có hộ nào đó làm ăn không đàng hoàng, đem lợn bệnh chết ra bán thì sẽ rất nguy hiểm, và người thiệt hại sẽ là chúng tôi”- anh phàn nàn.
Nghe anh nói, tôi lại nhớ năm 2019, ổ dịch tả lợn châu Phi được phát hiện đầu tiên là tại khu chăn nuôi của Chi nhánh Công ty 716 (Binh đoàn 15), thuộc địa bàn thôn 1, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai. Mà nguyên nhân bùng phát dịch được xác định do đơn vị này mua thực phẩm ngoài thị trường về chế biến ăn uống khiến vi rút dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập.
Mới đây, vào cuối tháng 11, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại thôn Kon Hra Chót, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum. Dù mới là ổ dịch đầu tiên, nhưng đây là tiếng chuông cảnh báo cần quyết liệt hơn, chủ động hơn trong phòng dịch.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn sự lây lan của dịch tả lợn Châu Phi, bảo vệ ngành chăn nuôi, góp phần bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là dịp Tết Nguyên đán, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị có liên quan cần tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyển lưu thông thực phẩm từ lò mổ đến các điểm tiêu thụ.
Đẩy mạnh kiểm tra, xử lý các trường hợp mua bán thịt lợn trên đường phố gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh. Khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng thịt lợn ở những điểm bán uy tín, có dấu kiểm dịch để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Về lâu dài, các địa phương cần có giải pháp đưa các trường hợp buôn bán thịt lợn tại vỉa hè vào hoạt động kinh doanh cố định ở các chợ.
HỒNG LAM