Thay đổi “nếp nghĩ cách làm” để cải cách TTHC
Cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm và khó, muốn đạt kết quả cao như yêu cầu đặt ra đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ phải thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, sửa đổi thói quen.
Trong thời gian qua, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) luôn được tỉnh, các sở ngành, địa phương xác định là đột phá chiến lược trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nhiệm vụ chính trị.
Tỉnh thường xuyên chỉ đạo, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá về các kết quả đạt được trong CCHC nói chung, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nói riêng.
Tỉnh đã hoàn thiện việc xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết TTHC, tiến tới bảo đảm 100% TTHC đủ điều kiện thuộc thẩm quyền giải quyết có thông tin, dữ liệu tại Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.
|
Tiếp tục thực hiện tích hợp, công khai và đồng bộ thông tin tiếp nhận các dịch vụ công trực tuyến trên nhiều hệ thống. Số liệu từ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho thấy, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.711 TTHC công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, đạt 100% (1.377 TTHC cấp tỉnh, 207 TTHC cấp huyện, 102 TTHC cấp xã và 25 TTHC chung 3 cấp).
Đặc biệt, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, dịch vụ công được tăng cường, đi cùng đổi mới phương thức, lề lối làm việc. Tỉnh đã chỉ đạo triển khai tốt hoạt động kiểm tra, giám sát góp phần chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Kiên quyết xử lý theo đúng quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tự ý đặt ra TTHC không đúng quy định hoặc để chậm, muộn nhiều lần.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai cải cách thủ tục hành chính còn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ theo kế hoạch năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó nổi lên một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như quy trình xử lý hồ sơ chưa được thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử; việc số hóa vẫn còn chậm và chưa phát huy hiệu quả; tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết hiện thấp, mới đạt 26,77%.
Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các sở, ngành, địa phương còn hạn chế; chưa bảo đảm việc đồng bộ đầy đủ 100% trạng thái hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh cũng như Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt chỉ đạo đối với công tác này; việc phối hợp giữa các bộ, cơ quan chưa hiệu quả dẫn tới kéo dài thời gian xử lý công việc.
Minh chứng là đến tháng 10/2023, có 6/10 huyện, thành phố chưa đạt tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn theo chỉ tiêu được giao tối thiểu 95% và theo Bộ tiêu chí chấm điểm cải cách hành chính của Bộ Nội vụ.
Quan trọng hơn, kết quả kiểm tra cho thấy, đang có những “thói quen” xấu tồn tại trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm chậm tiến trình và giảm hiệu quả của cải cách thủ tục hành chính.
Đó là, ở một số cơ quan công quyền, tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng, nhất là tình trạng tham nhũng vặt, vòi vĩnh, gây khó dễ cho người dân và các doanh nghiệp để trục lợi với những biểu hiện tinh vi vẫn còn diễn ra và khó kiểm soát, gây bất bình trong dư luận.
Đó là thói quen tùy tiện, mạnh ai nấy làm, tâm lý cào bằng, trọng tình, trọng tuổi, trọng kinh nghiệm vẫn còn chi phối trong việc thực thi công vụ.
Đó còn là việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm. Tình trạng sao nhãng việc công, đủng đỉnh trong công việc, giờ giấc tự do còn tồn tại ở nhiều cán bộ, công chức, viên chức.
|
Cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm và khó khăn. Muốn đạt kết quả cao đòi hỏi phải đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, đồng thời kiểm soát chặt chẽ quá trình ban hành TTHC mới, bảo đảm các TTHC dễ hiểu, dễ thực hiện và công bố đầy đủ, công khai, kịp thời theo quy định.
Các ngành, địa phương phải tuân thủ nghiêm quy định không được ban hành TTHC, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc trường hợp cần thiết phải quy định TTHC trong nghị quyết của HĐND tỉnh.
Xóa bỏ cơ chế xin-cho thông qua việc rà soát, sắp xếp lại quy trình, thủ tục hành chính mang tính đồng bộ; đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính, loại bỏ những giấy phép con không còn phù hợp, xử lý nghiêm minh đối với một số cán bộ thoái hóa biến chất, gây sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, vấn đề nhận thức, ứng xử và thái độ của cán bộ, công chức, viên chức tại nơi làm việc có tác động rất lớn đến hiệu quả cải cách TTHC. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ phải thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, sửa đổi các thói quen xấu.
Theo đó, tác phong và lề lối làm việc cần phải thay đổi theo hướng dám hành động, dám chịu trách nhiệm, dám nhận khuyết điểm trước dân.
Cần nêu cao tinh thần làm việc “nói thì đi đôi với làm”; rèn luyện đạo đức, tác phong, lối sống cũng như trách nhiệm với công vụ; không bớt xén giờ làm việc; làm việc phải có hiệu quả, tạo ra nền hành chính phục vụ người dân chứ không “hành dân”.
Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần tự soi xét, nhìn nhận, đánh giá, kiểm điểm lại chính bản thân mình; từ đó phát huy cái tốt, khắc phục cái xấu, duy trì tính liêm chính, hết lòng phục vụ nhân dân.
Hồng Lam