Phát triển văn hóa đọc trong trường học
Những năm gần đây, việc xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường đã được ngành GD&ĐT tỉnh chú trọng. Nhiều trường học trên địa bàn đã áp dụng những mô hình hay, cách làm sáng tạo giúp các em học sinh xây dựng thói quen đọc sách.
Tháng 10 vừa qua, tôi có dịp được tham gia Ngày hội Đọc sách do Trường Tiểu học THSP Ngụy Như Kon Tum (thành phố Kon Tum) tổ chức. Trong khuôn viên nhà trường, các em học sinh ngồi thành từng tốp, trật tự đọc sách dưới tán cây, hay trên các hàng ghế đá. Đồng hành cùng học trò, các thầy cô như những “thủ thư” luôn ân cần hướng dẫn, giúp các em lựa chọn những cuốn sách ưa thích.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Ngày hội Đọc sách là một trong những chương trình thường niên được nhà trường tổ chức nhằm xây dựng văn hóa đọc. Ngoài ra nhà trường thường xuyên duy trì hoạt động của “thư viện mini”, gồm các kệ sách lưu động đặt khắp nơi trong khuôn viên. Trong đó, mỗi “thư viện mini” có khoảng 300 – 400 đầu sách. Định kỳ hàng tháng, nhà trường sẽ luân chuyển các đầu sách giữa các “thư viện mini” để học sinh có thể tiếp cận được thêm nhiều đầu sách mới. Ngoài các “thư viện mini”, thư viện chính của nhà trường có trên 10.000 đầu sách để phục vụ học sinh và thầy cô đến đọc, tham khảo.
|
Cô Lê Thị Hồng Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học THSP Ngụy Như Kon Tum cho biết: “Tại bất kỳ đâu trong khuôn viên nhà trường, các em đều có thể trải nghiệm việc đọc sách. Chúng tôi hiểu rằng, việc xây dựng văn hóa đọc có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển về vốn sống cho các em. Chính vì vậy, trong các buổi sinh hoạt, nhà trường thường phổ biến đến giáo viên chủ nhiệm các lớp, tuyên truyền về lợi ích của việc đọc sách cho các em. Nhờ đó trong những năm qua, việc đọc sách đã trở thành thói quen đối với học sinh nhà trường”.
Để tìm hiểu thêm về việc xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường trên địa bàn tỉnh, chúng tôi về xã Ngọc Tụ - một địa phương còn nhiều khó khăn của huyện Đăk Tô thăm Trường THCS xã Ngọc Tụ.
Thầy Hồ Quốc Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS xã Ngọc Tụ cho biết: Để phát triển phong trào đọc sách trong nhà trường, chúng tôi đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư cho thư viện. Qua việc tự đầu tư và vận động các nguồn lực xã hội, thư viện nhà trường đã có trên 1.000 đầu sách, giúp các em học sinh có nhiều lựa chọn hơn trong việc tiếp cận những đầu sách phù hợp. Vào mỗi giờ ra chơi hoặc ngoài giờ học chính, các thầy cô tổ chức cho học sinh đọc sách tại thư viện nhà trường; giới thiệu, hướng các em quan tâm vào những cuốn sách cung cấp kiến thức về lịch sử, địa lý, con người, đất nước Việt Nam…
Giữa năm 2019, Trường THCS xã Ngọc Tụ triển khai xây dựng mô hình Thư viện xanh với 4 điểm đọc sách dưới những tán cây trong khuôn viên nhà trường. Bên cạnh đó, nhà trường còn bố trí thêm 2 hàng ghế dài có bàn và 3 bộ ghế đá xung quanh các điểm để phục vụ các em đọc sách. Nhờ vậy, không cần phải đến thư viện, các em có thể đọc sách bất cứ khi nào rảnh rỗi, rất tiện lợi.
Tháng 9/2020, Trường THCS xã Ngọc Tụ triển khai xây dựng mô hình “Tủ sách măng non” có tạo hình giống với nhà rông truyền thống, đặt tại sân trường. Theo thầy Hồ Quốc Tuấn, mô hình này được xây dựng dựa trên ý tưởng về việc gìn giữ và kế thừa văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ. Bên cạnh đó, việc tạo hình này cũng góp phần tạo sự gần gũi, thân thuộc với các em học sinh.
Hiện tại, Trường THCS xã Ngọc Tụ đang duy trì cả 3 mô hình đọc sách cho các em học sinh, gồm: Thư viện chính, Thư viện xanh và “Tủ sách măng non”.
Ông Đoàn Thành Nhân - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 1477/KH-UBND ngày 08/6/2017 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tỉnh Kon Tum và Kế hoạch số 161/KH-BGDĐT ngày 26/3/2018 của Bộ GD&ĐT về triển khai thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, lồng ghép Đề án này với các kế hoạch, chương trình mục tiêu hàng năm, nhằm tác động hiệu quả đến các cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân trên địa bàn.
Tính đến tháng 9/2020 toàn tỉnh đã có 115 thư viện trường học được Sở GD&ĐT công nhận thư viện đạt chuẩn. Các đơn vị này đều đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên, học sinh kỹ năng sử dụng sách trong thư viện, kỹ năng đọc sách... Qua đó, đã tạo cho học sinh thói quen đọc sách, yêu quý sách, biết vận dụng những tri thức đọc được vào trong cuộc sống.
“Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội để đổi mới công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng; định hướng các đơn vị kiện toàn mạng lưới thư viện trường học và biểu dương những điển hình tiên tiến của tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong phát triển văn hóa đọc tại địa phương... Qua đó, thúc đẩy văn hóa đọc trong trường học” – ông Đoàn Thành Nhân cho hay.
Tất Thành