Người cao tuổi “không già”
Với phương châm sống vui, sống khỏe, sống có ích, người cao tuổi ngày càng phát huy được giá trị bản thân, không chỉ giúp đỡ, nêu gương sáng cho con cháu mà còn đóng góp tích cực cho cộng đồng xã hội.
Sáng 1/10, ngày đầu tiên của Tháng hành động vì người cao tuổi năm 2024, chú em tôi gửi lên nhóm zalo gia đình đoạn clip ngắn quay người cao tuổi trong xóm đang vui vẻ tham gia dọn dẹp vệ sinh ngõ xóm. Kèm theo là lời chú thích mang chút hóm hỉnh: “Đây là những cụ già không già”.
Theo thói quen, tôi thả icon “ngạc nhiên”. Nhưng ngay sau đó, tôi cảm thấy mình có lỗi vì hành động này. Bởi đây là điều rất đáng quý, và cũng là cuộc sống mà bất cứ người cao tuổi cũng đáng được hưởng sau bao năm vất vả.
Tất nhiên, tôi cũng biết, không phải ai cũng đồng tình với quan điểm này. Suy cho cùng đây cũng không phải là điều lạ, khi tư tưởng “trẻ cậy cha, già cậy con” vẫn còn.
Tôi cho rằng điều này không xấu. “Trẻ cậy cha, già cậy con” ý nói rằng, lúc con cái còn nhỏ thì nhờ cha mẹ; lúc cha mẹ già yếu thì trông cậy con là chỗ dựa.
|
“Già cậy con” cũng không phải chỉ là trông chờ con cháu “cơm bưng nước rót”, thuốc thang lúc đau ốm, trái gió trở trời, mà còn là trông cậy, kỳ vọng, mong con vươn lên, có kinh tế ổn định, hoặc “cậy” chúng đem lại niềm vui những năm tháng tuổi già.
Tuy nhiên, quan niệm này đang dần thay đổi. Người cao tuổi không còn bị “mặc định” phải sống phục thuộc vào con cái; chỉ nên ở trong nhà, hay hỗ trợ con cháu.
Với phương châm sống vui, sống khỏe, sống có ích, người cao tuổi ngày càng phát huy được giá trị bản thân, không chỉ giúp đỡ, nêu gương sáng cho con cháu mà còn đóng góp tích cực cho cộng đồng xã hội.
Bằng tri thức, kinh nghiệm, vốn sống tích lũy qua thời gian, bằng sự mẫu mực của mình, người cao tuổi vẫn luôn có vai trò rất quan trọng trong gia đình và đời sống xã hội.
Trong mỗi gia đình, người cao tuổi nêu gương, hướng dẫn, động viên con cháu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bản thân làm gương chiến thắng tuổi tác, bệnh tật, trực tiếp lao động sản xuất, trở thành những gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi.
Với xã hội, người cao tuổi tham gia tích cực ở tất cả các lĩnh vực, từ giảm nghèo, xóa bỏ hủ tục, xây dựng nông thôn mới đến giữ gìn an ninh trật tự và các hoạt động ở địa phương. Là trụ cột tinh thần của cộng đồng, là nền tảng giữ gìn bản sắc văn hóa và xây dựng đời sống mới.
|
Tôi nhớ đến một người cao tuổi mà tôi quen. Do ông mới chuyển từ ngoài Bắc vào chưa lâu nên tôi không biết nhiều về ông, chỉ nghe kể lại, ông là một sĩ quan quân đội cấp cao. Trong đời quân ngũ, ông cầm quân xông pha trận mạc, bị thương 2 lần; từng đánh vào tận Sài Gòn năm 1975.
Ông nghỉ hưu đã lâu nhưng vẫn ở ngoài quê, giờ tuổi cao, cô con gái lo ông ở một mình, già cả không ai chăm sóc, nên năn nỉ mãi, cuối cùng ông mới đồng ý theo con.
Cũng xin nói thêm rằng, cô con gái của ông ở cùng xóm với tôi, nhưng nhà ở cuối con hẻm, sau nhà là mênh mông đất trống.
Cho đến một ngày, đi làm về muộn, tôi bất ngờ khi thấy ông cùng mấy cậu thanh niên đang xoay trần hì hục san san, lấp lấp. Thì ra, ông thấy con đường đất bị mưa xói lở, đầy những rãnh, những ổ gà lớn nhỏ, nên ông dậy sớm, tranh thủ xúc đất đá lấp ổ gà.
Mấy cậu thanh niên thấy vậy cũng hò nhau xúm vào làm, tiện thể phát quang cỏ dại hai bên đường, khơi thông rãnh nước. Chỉ non ngày là con đường đất đã sạch sẽ, tinh tươm hẳn ra.
Trong xóm, nhà ai có việc gì khó khăn, ốm đau, ông đều thăm hỏi và hết lòng giúp đỡ. Đầu năm học, ông còn trích lương hưu của mình mua sách vở, bút mực, quần áo tặng cho những cháu học sinh vượt khó học giỏi.
Ông thường nói “Già rồi, xương cốt đâu còn được như lớp trẻ. Nhưng bây giờ lớp trẻ bận đi làm và còn nhiều gánh nặng, người già có thời gian, làm thay được phần nào cho con cháu thì làm. Cũng là vừa có thêm niềm vui, vừa rèn luyện sức khỏe và trí óc”.
Làm bạn với các cụ cao niên trong xóm, tôi nhận thấy rất rõ một điều, các cụ không quanh quẩn trong bốn bức tường, hay chỉ tụ tập ở vài ba nhà hàng xóm, hoặc ngày 2 buổi xách làn ra cái chợ nhỏ cách nhà trăm bước chân, mà duy trì lối sống lành mạnh, vui vẻ; tích cực tập luyện thể dục thể thao; tham gia các hoạt động xã hội.
Khi người cao tuổi sống tích cực, họ sẽ nhận được rất nhiều lợi ích cho đời sống tinh thần cũng như sức khỏe. Đơn giản là sẽ thấy cuộc sống có ý nghĩa và có ích hơn. Và từ đó giảm bớt cảm giác chán nản, mệt mỏi thường thấy, đặc biệt là dễ thông cảm, sẻ chia, hạn chế suy nghĩ tiêu cực.
Nhận thức được tầm quan trọng và giá trị của những người cao tuổi, Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng luôn quan tâm và ban hành, thực thi hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn để phát huy vai trò "cây cao bóng cả" của người cao tuổi.
Từ đó chăm lo, nâng cao chất lượng sống của người cao tuổi; tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia các hoạt động xã hội, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của người cao tuổi trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Tất nhiên, vẫn cần tiếp tục triển khai tốt hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về người cao tuổi. Có các hành động cụ thể nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người cao tuổi.
Từ đó tạo động lực để người cao tuổi duy trì sống khỏe, sống vui, sống có ích. Cũng là giúp xã hội giảm được gánh nặng an sinh.
Để ngày càng có nhiều người cao tuổi mà “không già”!
Hồng Lam