Ngôn ngữ thứ hai trong trường học
Ngôn ngữ thứ hai của một người là ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ của người nói, nhưng được học sau này và được sử dụng thường xuyên không phải với tư cách là ngoại ngữ.
Mới đây, trong Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Bộ Chính trị đề nghị các cấp nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Theo Bách khoa toàn thư mở (Tiếng Việt), ngôn ngữ thứ hai của một người là ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ của người nói, nhưng được học sau này và được sử dụng thường xuyên không phải với tư cách là ngoại ngữ.
|
Định hướng trên đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận. Nhiều ý kiến chia sẻ rằng hoàn toàn ủng hộ, vì đây là một định hướng phù hợp xu hướng thời đại hội nhập mạnh mẽ hiện nay.
Tôi đồng ý tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Dẫu biết rằng nó là một chặng đường rất dài và không thể làm trong ngày một ngày hai- một người nêu ý kiến.
Một người viết: Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới và tiếng Anh là ngôn ngữ giao dịch quốc tế nên việc đề cao và đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là hết sức cần thiết để tạo nên thế hệ công dân thông thạo tiếng Anh.
Hiện nay, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, kỹ năng tiếng Anh của người Việt Nam đã và được cải thiện rất rõ rệt. Ngày 8/8/2024, Vietnamnet.vn dẫn nguồn từ Tổ chức học thuật EF Education First cho hay, năng lực tiếng Anh của Việt Nam xếp thứ 7 trong số 23 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Châu Á.
Xin được nói thêm, EF Education First là một công ty giáo dục toàn cầu cung cấp các dịch vụ nhằm cải thiện kỹ năng ngôn ngữ, trao đổi văn hóa và phát triển giáo dục. Được thành lập vào năm 1965 tại Thụy Điển, EF đã phát triển thành một tổ chức đa quốc gia có mặt tại hơn 100 quốc gia.
Năm 2023, Việt Nam xếp hạng 58 trong số 113 quốc gia và vùng lãnh thổ với điểm EF EPI là 505/800, được xếp hạng “trung bình”. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 66/112 và năm 2022 xếp thứ 60/111. Như vậy là sau 2 năm, mức độ thông thạo tiếng Anh của người Việt đã tăng 8 bậc.
Trước đó, Việt Nam chỉ mất 5 năm (2011- 2015) để cải thiện thứ bậc về kỹ năng tiếng Anh từ mức “rất thấp” tới “thấp”, và tới “trung bình”.
|
Ở Kon Tum, cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành Giáo dục rất quan tâm đến triển khai dạy, học tiếng Anh. Đặc biệt, ngày 12/3/2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 535/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân” giai đoạn 2019-2025.
Mục tiêu đề ra là nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc; triển khai dạy học tiếng Anh hệ 10 năm từ lớp 3 ở các trường tiểu học, lớp 6 ở các trường THCS và lớp 10 ở các trường THPT.
Với sự quan tâm ấy, dạy và học tiếng Anh phát triển nhanh chóng. Nhiều trường học, từ bậc mầm non trở lên, kể cả ở vùng khó khăn, đã triển khai dạy tiếng Anh cho học sinh.
Cùng với việc phát triển về quy mô thì chất lượng trong việc dạy và học cũng tăng, kỹ năng giao tiếp của học sinh có cải thiện rõ rệt qua kết quả của các cuộc thi, hội thi bằng tiếng Anh.
Bên cạnh đó, học tiếng Anh cũng không còn là “phong trào”, là “chạy theo trào lưu” nữa, mà đã trở thành nhu cầu tự thân của mỗi gia đình có con em ở độ tuổi đi học. Vì vậy, nhiều trung tâm dạy tiếng Anh của các tổ chức giáo dục có tiếng được thành lập.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điểm yếu của nguồn nhân lực Việt Nam trong nền kinh tế hội nhập, với sự tác động lớn từ công nghệ, vẫn là ngoại ngữ, bao gồm tiếng Anh, và kỹ năng.
Dù có thứ hạng cao ở Châu Á, nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 33 quốc gia và vùng lãnh thổ có mức độ thông thạo tiếng Anh ở mức “trung bình” trên thế giới.
Vì vậy, đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp người học có thể dùng tiếng Anh để tự học các chương trình giáo dục tiên tiến của thế giới, bên cạnh chương trình chính thức trong nước; dễ dàng kết nối với trình độ khoa học chung của thế giới.
Tất nhiên, có rất nhiều “rào cản” trên hành trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Mặc dù được quan tâm, chú trọng của các cấp, các ngành và chính người dân, nhưng trong quá trình triển khai, việc dạy, học tiếng Anh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS.
Nổi lên là hạn chế về nguồn lực, cả nhân lực (bao gồm đội ngũ giáo viên) và vật lực (kinh phí, trang thiết bị, sách giáo khoa); hạn chế tiếp cận do vùng miền; ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học còn nhiều bất cập.
Hơn nữa, tâm lý “sợ” tiếng Anh là một yếu tố rất quan trọng. Trên thực tế, nhiều học sinh, sinh viên sợ học tiếng Anh, dẫn đến sự tránh né và không hiếm trường hợp trở nên ác cảm với ngoại ngữ.
Các chuyên gia cho rằng, có nhiều việc phải làm để thực hiện được mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Trước hết phải đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, từ đó đưa tiếng Anh thành một ngôn ngữ giao tiếp trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Việc dạy và học ngoại ngữ cần phải được triển khai thiết thực, mang tính ứng dụng cao. Đổi mới phương pháp dạy theo hướng ứng dụng công nghệ, đảm bảo dạy chuẩn và học thực chất, tránh tình trạng dạy qua loa, học đối phó, học vì bằng cấp, chứng chỉ.
Và tôi tin rằng, Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị sẽ tạo nên quyết tâm chính trị mạnh mẽ để khắc phục các khó khăn này.
Thành Hưng