Mối nguy từ thịt bẩn
Lâu nay, nhiều người vẫn hay nhắc đến cụm từ “thịt bẩn”. Nếu như trước đây, có nhắc đến thịt bẩn thì nhiều người nghĩ chắc ai đó lỡ đánh rơi miếng thịt nên dính bẩn; còn nay, thịt bẩn lại được hiểu bẩn từ trong mà sạch bên ngoài. Vì lợi trước mắt của một nhóm người, thịt bẩn nói riêng, thực phẩm bẩn nói chung lại mang đến hại lâu dài cho rất nhiều người, nên rất cần được kiểm soát chặt chẽ.
Thực tế hiện nay, cách hiểu thịt sạch, thịt bẩn không dừng lại ở việc thịt có tẩm ướp các chất bảo quản để giữ thịt tươi ngon, hô biến từ thịt ôi thiu, thịt được giết mổ từ mấy ngày trước sang thịt tươi mới mà còn thêm cả cách nuôi, nuôi theo kiểu truyền thống hay sử dụng các chất kích thích tăng trọng, kích thích sinh sản.
Nói chuyện này lại nhớ đến chị hàng xóm chuyên bán thịt heo ở góc đường. Sáng nào, chị cũng quảng cáo “em cứ yên tâm mua thịt heo nhà chị đi, không phải thịt bẩn đâu, chuẩn thịt heo sạch đấy”.
Hỏi thế nào là thịt heo sạch, thế nào là thịt heo bẩn, chị được lời như cởi tấm lòng, chị toàn đi bắt heo nuôi nhỏ lẻ, kiểu tận dụng từ thức ăn dư thừa trong nhà, chứ không phải chăn nuôi theo đàn. Thường kiểu nuôi heo số lượng nhiều, người nuôi đều sử dụng thuốc tăng trọng, không chỉ rút ngắn thời gian chăn nuôi, tăng sản lượng mà vật nuôi trông sẽ bắt mắt hơn, lông mượt, heo khi được mổ sẽ có màu thịt đỏ, nhiều nạc, thớ thịt dày. Với kiểu nuôi này nếu không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, kĩ thuật nuôi, dừng sử dụng các sản phẩm thuốc kích thích theo thời gian quy định, nguồn thuốc này thẩm thấu, còn tồn dư trong thịt heo và vô tình tiếp tục thẩm thấu vào người sử dụng.
|
Lân la nghe chị kể, tôi nhẩm tính, nếu nuôi bình thường bằng cách cho ăn gạo, cám phải mất cả năm trời heo mới đạt được trọng lượng trên 1 tạ; chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp cũng phải mất 4 - 5 tháng mới đạt trọng lượng 70 - 80 kg. Tuy nhiên, nếu sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trọng thì sẽ rút ngắn được gần một nửa thời gian chăn nuôi. Và tất nhiên, khi giảm được thời gian chăn nuôi sẽ giảm được chi phí đầu tư từ thức ăn cho đến công chăm sóc cũng như độ rủi ro thì “lợi trước mắt” sẽ cao gấp đôi.
Cũng tương tự như gia súc, gia cầm cũng được dùng thuốc kích thích tăng trọng, kích thích sinh sản, bổ sung vitamin các loại, gà nhanh lớn, đẻ trứng quanh năm, có khi ngày 2 trứng và trứng lại có có tới 2 lòng đỏ nên người nuôi lẫn người bán vì vô tình hoặc cố ý mà hám lời, bất chấp mọi nguy hại.
Trở lại câu chuyện chị hàng xóm chuyên bán thịt heo nhỏ lẻ ngay góc đường, cho dù chị khẳng định hàng thịt heo của chị là sạch, lắm hôm vừa bán chị vừa tranh thủ mở điện thoại cho khách xem đàn heo vốn ăn thức nọ, nuôi kiểu kia, tuy nhiên cũng không ít người tay vẫn lựa mua và miệng vẫn nói kiểu, thịt sạch hay thịt bẩn, an toàn hay không an toàn cũng từ chị nói chứ chúng tôi có đi theo mà kiểm nghiệm được đâu. Mà đó là chưa kể chị bày bán hàng thịt ngay bên lề đường, bao nhiêu khói bụi bay vào, tưởng sạch mà cũng chưa hẳn là sạch đâu đấy.
Tuy nhiên, nói là nói vậy, người mua vẫn cứ chọn mua. Vì ai nấy đều hiểu rằng, bụi bẩn từ bên đường có bám vào, rửa chút nước là phần nào loại bỏ được; còn những tồn dư hóa chất thẩm thấu trong miếng thịt kia thì chẳng biết cách nào để làm sạch. Thôi thì, cứ tin theo lời chị bán thịt về nguồn gốc, cách thức nuôi mà tạm yên tâm với những bữa cơm của gia đình.
Đâu chỉ dừng lại chuyện thịt bẩn do tồn dư những chất gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, trên thực tế còn có một lượng thịt bẩn (theo đúng định nghĩa của Wikipedia: Thịt bẩn hay còn gọi là thịt thối, thịt ôi, thịt hư hỏng, thịu ôi thiu, thịt bốc mùi là các loại thịt đã bị biến chất, hư hỏng, ôi thiu, không còn nguyên giá trị thực phẩm) không rõ nguồn gốc, giấy kiểm dịch theo các chuyến xe vận chuyển lưu thông từ các vùng miền đến mà lực lượng chức năng liên tục bắt giữ trong những năm qua.
Nhiều người cho rằng số vụ bắt giữ thịt bẩn chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Và tất nhiên, sự băn khoăn này không phải là không có lý. Nếu số thịt bẩn này được vận chuyển trót lọt, dưới bàn tay “tài hoa” của người nấu cộng với sự hỗ trợ “phù phép” của các phụ gia, bao nhiêu món ngon, bắt mắt được đưa lên bàn ăn và đi kèm với đó là những tiếng hít hà khen ngợi, chẳng một ai mảy may nghi ngại về nguồn gốc, về bẩn hay sạch.
Dù là cách thức nuôi, hay là quá trình bảo quản, người bán vì lợi nhuận nên cố tình, còn người tiêu dùng vì vô tình, không biết, hay vì không có sự lựa chọn nào khác đành nhắm mắt làm ngơ và tất yếu là rước bệnh vào từ miệng. Theo các chuyên gia y tế, thực phẩm bẩn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm, rồi theo kiểu mỗi ngày mỗi ít, dư lượng các chất kích thích, chất bảo quản, các độc tố tích tụ, về sau gây ra các căn bệnh như ung thư, tim mạch, dậy thì sớm ở trẻ nhỏ.
Bằng mắt thường, người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là thịt sạch và đâu là thịt bẩn. Trong khi đó, thịt lại là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày nên dù có băn khoăn, dù có lo ngại cũng vẫn cứ phải mua. Vậy nên, cũng như rau an toàn, người tiêu dùng cần lắm những điểm bán thịt an toàn, thịt sạch theo đúng nghĩa.
Nguyên Phúc