Làm gì với... thuốc lá?
Tôi không mấy bất ngờ khi đọc thông tin từ Hội thảo Thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại của thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 23/11/2022 rằng, tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới.
Hoàng rất bối rối khi bắt gặp cậu con trai học lớp 7 lén tập hút thuốc lá trong nhà tắm. Hẳn là đang tập nên cậu bé bị ho vì sặc khói, nhờ vậy gia đình mới phát hiện.
Em hỏi kỹ rồi, trong nhóm bạn của nó có mấy bạn hút thuốc, các bạn rủ rê nhiều lần, thậm chí còn bị khích bác nữa. “Mày như con gái ấy, chúng nó nói con như vậy”, thằng bé kể với em- Hoàng buồn bã nói.
“Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe lắm”- thằng bé yếu ớt chống lại những lời dụ dỗ của chúng bạn bằng những kiến thức được người lớn trong nhà dạy dỗ.
Nhưng cuối cùng một bạn đưa ra dẫn chứng “bố cậu cũng hút thuốc đấy thôi, mà có làm sao đâu” làm cậu bé “đầu hàng”.
|
May mà thằng bé mới tập tành hút vài lần đã bị phát hiện. Thế là chuỗi ngày tiếp theo, thằng bé sống trong cảnh “cha mắng mẹ răn”. Nhưng có một điều đáng lo ngại là thằng bé có thể mua thuốc lá ở bất cứ đâu, từ mua cả gói, cả cây đến 1 điếu.
Càng lo ngại hơn khi chính Hoàng vẫn chưa bỏ thuốc. “Phải từ từ anh ạ, em đã cố gắng không hút thuốc lá khi ở nhà hay trước mặt con nữa”- cậu ta nói.
Đó là một bước tiến đáng ghi nhận, nhưng thế là chưa đủ, cần phải “đoạn tuyệt” với thuốc lá.
Sau hơn 20 năm hút thuốc, tôi quyết định bỏ thuốc vì nhiều lý do, và tôi nhận thấy đây là một quyết định đúng.
Về lý thuyết, tôi biết, thuốc lá gây ra khoảng 25 căn bệnh khác nhau cho người hút, trong dó có nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khoẻ sinh sản.
Thuốc lá còn là một trong các nguyên nhân chính gây ra các bệnh không truyền nhiễm. Cụ thể, tính chung trên thế giới thuốc lá gây ra 90% các trường hợp ung thư phổi, 75% các trường hợp phổi tắc nghẽn mạn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ.
|
Không chỉ người hút mà những người hít phải (hay còn gọi là phơi nhiễm) khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra (còn gọi là hút thuốc lá thụ động) cũng có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em.
Dưới góc độ thực tế, suốt những năm hút thuốc, tôi nhận thấy rất rõ tác hại của thuốc lá đối với cơ thể mình.
Tôi thấy mình không khỏe, miệng luôn đắng ngắt mỗi sáng thức dậy, ăn không thấy ngon hay ho khan, thường viêm mũi. Đặc biệt là hơi thở luôn ám mùi thuốc.
Nhưng xung quanh tôi vẫn có nhiều người hút thuốc lá. Ít nhất trong nhóm bạn thân của tôi có tới 5/7 người hút thuốc lá thường xuyên, vài ba người tự nhận rằng mình nghiện thuốc lá.
Điều đáng nói là, hầu hết trong số những người hút thuốc lá đều biết tác hại của nó, nhưng rất nhiều người mơ hồ khi nói về điều đó, và không đủ dũng khí để “nói không với thuốc lá”.
Vì vậy, tôi không mấy bất ngờ khi khi đọc thông tin từ Hội thảo Thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại của thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 23/11/2022 rằng tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới và ước tính người dân bỏ ra 49.000 tỷ đồng/năm để mua thuốc lá.
Điều đáng nói, Việt Nam áp dụng luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá từ tháng 5/2013, trong đó cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và khuôn viên cơ sở y tế, giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí cho trẻ em, cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy nổ, nơi làm việc, trường đại học, cao đẳng, học viện và các phương tiện giao thông công cộng.
|
Ở Kon Tum, chính quyền tỉnh và các ngành chức năng cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng như xây dựng môi trường không khói thuốc.
Tuy nhiên, theo thông tin đưa ra tại hội thảo kể trên, hiện nay nước ta có trên 15,4 triệu người hút thuốc, mỗi năm có khoảng 40 - 70 ca tử vong sớm vì các bệnh do hút thuốc.
Ở Kon Tum, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp người hút thuốc lá ở bất cứ đâu, từ quán cà phê, quán ăn, chợ, siêu thị đến bến xe, công sở, thậm chí bệnh viện.
Giá thuốc lá rẻ, lại được bày bán khắp nơi làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên cũng như người có thu nhập trung bình đang là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm, bất chấp những nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, hút thuốc lá thường là hành vi dễ thấy ở giới trẻ bởi suy nghĩ lệch lạc rằng hút thuốc lá là thể hiện sự sành điệu, cá tính, tạo sức hút. Hoặc thuốc lá là “phương tiện” giao tiếp. Trên thực tế, việc mời nhau một điếu thuốc trước khi bắt đầu câu chuyện rất thường thấy ở nhiều người.
Mặt khác, hành vi hút thuốc lá xảy ra nhanh khiến các lực lượng chức năng khó khăn trong việc xác định vi phạm để xử lý.
Phòng chống tác hại của thuốc lá là một chương trình lâu dài, cần có những chính sách mạnh mẽ về tăng thuế, xây dựng môi trường không khói thuốc, truyền thông hiệu quả.
Vì vậy, cần hoàn thiện hơn nữa chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá, trong đó có việc tăng thuế; quy định rõ ràng về quảng cáo và tiếp thị, khuyến mại, tài trợ liên quan đến thuốc lá.
Tăng cường hơn nữa sự phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát thực hiện Luật phòng chống tác hại của thuốc lá. Nhất là hoạt động kiểm tra, xử phạt vi phạm theo Nghị định 117/2022/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Theo dõi chặt chẽ việc thực thi xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc theo quy định của pháp luật.
Về phía chúng ta, để xây dựng môi trường sống không thuốc lá, thông điệp thực sự rất đơn giản: Hãy đảm bảo rằng bạn, người thân và bạn bè đều nói không với thuốc lá. Muốn vậy, hãy đảm bảo mọi người đều được truyền thông đầy đủ và thường xuyên.
Sẽ không có được một môi trường không thuốc lá, nếu thiếu sự hợp tác và ý thức về tác hại của nó ở mỗi người dân.
Hồng Lam