Đăk Tờ Kan nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội
Thời gian qua, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông triển khai hiệu quả nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; hướng đến giải quyết các vấn đề bức xúc tại cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần quan trọng vào xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Xã Đăk Tờ Kan có trên 4.000 nhân khẩu, 98% là người dân tộc Xơ Đăng. Bí thư Đảng ủy xã A Nhóc cho biết, thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội xã Đăk Tờ Kan có nhiều tiến bộ, hiệu quả, thực chất hơn so với trước. Thông qua công tác giám sát, phản biện xã hội đã phát hiện một số vấn đề bất cập về chế độ, chính sách được kịp thời kiến nghị tới các cơ quan có trách nhiệm để giải quyết, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024, Mặt trận xã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức được 24 cuộc giám sát, phản biện xã hội với trên 2.000 lượt người dân tham gia. Trong đó, tập trung giám sát các lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm như các điểm nóng khai thác lâm sản trái phép; việc bình xét và thực hiện chế độ, chính sách đối với hộ nghèo; các chương trình 30a; 135…; tham gia giám sát các chương trình hỗ trợ mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững.
|
Theo ông A Thun - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đăk Tờ Kan, thực hiện Quy chế dân chủ ở khu dân cư, Mặt trận xã và các tổ chức thành viên thường xuyên phối hợp với chính quyền, chủ động triển khai, thực hiện pháp lệnh quy chế dân chủ ở khu dân cư gắn với 5 nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”; phối hợp tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở khu dân cư, góp phần phát huy và nâng cao vai trò của nhân dân, của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở tại các làng: Kon Hnong, Đăk Prông, Đăk Nông, Đăk Hnang, Đăk Trang…
Nổi bật là phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia các vấn đề ở địa phương theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định về công khai các thông tin, các chủ trương vay vốn, bình xét ở khu dân cư; xây dựng các công trình phúc lợi công cộng và các quỹ đóng góp của cộng đồng dân cư. Qua hoạt động giám sát, phản biện xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, hết lòng với công việc như A Ru - Bí thư Chi bộ thôn Tê Xô Ngoài; A Tuấn - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Đăk Prông…
Đặc biệt, công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền được coi trọng. Mặt trận xã phối hợp với tổ đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, huyện và xã tổ chức cho đại biểu ứng cử trên địa bàn xã tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội và HĐND các cấp. Năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024 đã tổ chức cho đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở 1 điểm, có trên 170 lượt cử tri tham gia, với trên 18 ý kiến; đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri 8 điểm, có 850 lượt cử tri tham gia, với 50 ý kiến; đại biểu HĐND huyện tiếp xúc cử tri tại 10 điểm, có trên 1.000 cử tri tham gia, với 68 lượt ý kiến; đại biểu HĐND xã tiếp xúc cử tri tại 9 điểm, có 3.700 cử tri tham gia, với 250 lượt ý kiến. Mặt trận xã đã kịp thời tổng hợp và chuyển đến Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND cùng cấp, các cơ quan chức năng và báo cáo Mặt trận huyện theo đúng quy định.
Theo đồng chí Trần Thanh Hoàng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, qua giám sát, phản biện xã hội đã mang lại kết quả hữu ích, thực chất giúp Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội xã Đăk Tờ Kan tham mưu cấp ủy đảng, đề xuất với chính quyền về dư luận xã hội, nguy cơ phát sinh mâu thuẫn trong quá trình thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương. Nhiều kiến nghị sau giám sát, phản biện có chất lượng tốt, được các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp thu, phản hồi, xử lý, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước.
Đồng thời, qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã giúp các cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi có hiệu quả hơn các chủ trương, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo đồng thuận xã hội, thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hoàng Văn Hải