Đăk Glei: Quan tâm chăm lo đời sống người khuyết tật
Thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền huyện Đăk Glei luôn tích cực hỗ trợ, quan tâm động viên, tạo điều kiện để người khuyết tật (NKT) vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Chúng tôi đến thăm chị Lương Thị Lụa (45 tuổi) ở thôn Đông Thượng, xã Đăk Pék (huyện Đăk Glei)- đây là một trong những tấm gương về tinh thần lạc quan, vượt lên hoàn cảnh để vui sống của NKT ở huyện Đăk Glei.
Trong căn nhà cấp 4 khang trang, chị Lụa vui vẻ tâm sự với chúng tôi về bản thân. Mẹ chị sinh ra chị vốn là đứa trẻ lành lặn. Nhưng khi được 6 tháng tuổi, trải qua cơn đau mắt hột gây nên biến chứng làm chị bị mù cả hai mắt. Bản thân kém may mắn, bị tật nguyền, nhưng được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương và người thân, chị Lụa mạnh mẽ vượt lên số phận, vui sống và nuôi dạy con cái nên người.
Hiện chị Lụa sống với hai con gái, cả hai đều chăm ngoan, học giỏi, trong đó con lớn đã trưởng thành, có việc làm ổn định, con thứ hai đang học lớp 12.
|
Trong nhiều dịp sinh hoạt chính trị, văn hóa, xã hội do địa phương tổ chức, chị Lụa luôn chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm tích cực. Từ đó, góp phần lan tỏa tinh thần, lạc quan cho người khuyết tật trên địa bàn.
“Đã quen với bóng tối nên hiện tôi có thể tự sinh hoạt, đi đứng như bình thường. Lớn lên trong vòng tay yêu thương và sự hỗ trợ của gia đình, chính quyền địa phương nên tôi luôn cảm thấy may mắn, tự nhủ phải cố gắng vui sống có ích để không phụ lòng của mọi người, nuôi dạy con cái nên người, vận động mọi người chấp hành tốt pháp luật, sống chan hòa, gần gũi- chị Lương Thị Lụa tâm tình.
Theo số liệu thống kê, huyện Đăk Glei hiện có 563 đối tượng NKT (293 nam, 270 nữ), trong đó trẻ em và người cao tuổi có 127 đối tượng. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều NKT trên địa bàn đã nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trở thành những tấm gương sống đầy nghị lực và có ích cho xã hội.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng Phòng LĐ,TB&XH huyện Đăk Glei cho biết: Phòng đã chủ động xây dựng các văn bản tham mưu Huyện ủy, UBND huyện trong công tác chỉ đạo, triển khai công tác trợ giúp, các chính sách, pháp luật đối với NKT đảm bảo theo quy định. Qua đó, chính quyền và ngành chức năng trên địa bàn tạo điều kiện để NKT tiếp cận các dịch vụ, chương trình hỗ trợ phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ sinh kế hiệu quả. Đồng thời, kịp thời thăm hỏi, động viên, giúp đỡ NKT gặp khó khăn trong cuộc sống; phòng, chống bạo lực, phân biệt đối xử, tạo điều kiện để NKT tham gia các hoạt động văn hóa xã hội phù hợp.
|
Đến nay, huyện Đăk Glei có 100% người khuyết tật được cấp miễn phí BHYT, 100% trạm y tế có cán bộ phụ trách phục hồi chức năng, được đào tạo, tập huấn bài bản; duy trì 260 lượt NKT/năm được hướng dẫn phục hồi chức năng tại nhà, dựa vào cộng đồng; 100% công trình, cơ sở vật chất trên địa bàn huyện đảm bảo các điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Đăk Glei đã có Khoa Y học cổ truyền và phục hồi chức năng; nơi đây ưu tiên khám và điều trị cho NKT theo quy định.
Hàng năm, UBND huyện Đăk Glei chỉ đạo các ngành, địa phương, các đoàn thể chính trị- xã hội triển khai hoạt động thăm hỏi, động viên NKT, nhất là NKT đặc biệt khó khăn, nhằm giúp họ có thêm ý chí vươn lên trong cuộc sống.
Huyện Đăk Glei cũng thường xuyên kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm trên địa bàn hỗ trợ kinh phí để góp phần chăm lo cho NKT.
Nhân dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm, huyện Đăk Glei tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng NKT trên địa bàn; trích kinh phí Quỹ BTTE huyện hỗ trợ các đối tượng được phục hồi chức năng, khám chữa bệnh, phẫu thuật chỉnh hình; kết nối các nguồn lực, nhất là từ nguồn quỹ của Hội Bảo trợ người khuyết tật Việt Nam trao học bổng, tặng quà năm học mới cho các em NKT.
Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, thời gian tới, Phòng LĐ,TB&XH tiếp tục phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao đối với công tác NKT. Trong đó, tiếp tục bám sát các quy định, hướng dẫn theo chủ trương của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết số 68/2021/NQ-HĐND của HĐND về “Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội, đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP được hưởng chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum” để thực hiện tốt chính sách chăm lo đời sống NKT.
Huy động sự tham gia của toàn xã hội trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho NKT; tiếp nhận và cấp phát các dụng cụ hỗ trợ cho NKT như xe lăn, xe lắc, khung tập đi, gậy, máy trợ thính, chân giả, tay giả và các thiết bị cần thiết khác.
Tiếp tục quan tâm triển khai đào tạo việc làm, giáo dục nghề nghiệp cho NKT tại các Trường Cao đẳng Kon Tum, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên huyện; tư vấn, kết nối việc làm hiệu quả cho NKT tại các vị trí việc làm phù hợp của các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng tại nhiều lĩnh vực khác nhau.
Hoàng Thanh