Đăk Glei: Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Hàng năm, Phòng LĐ,TB&XH huyện Đăk Glei phối hợp với các ban, ngành, các đơn vị và các địa phương của huyện Đăk Glei khảo sát, tìm hiểu về nhu cầu học nghề của người lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp, gắn với phục vụ sản xuất nông nghiệp và tình hình phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.
Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Đăk Glei đã hoàn thành đào tạo 5 lớp dạy nghề với 156 học viên (đạt 74,2% so với chỉ tiêu của Huyện ủy Đăk Glei giao), tập trung vào các nghề trồng và chăm sóc cà phê; dạy nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, nề hoàn thiện trồng và chăm sóc cây mắc ca.
Nhằm đảm bảo kế hoạch đề ra, ngành chức năng huyện Đăk Glei đang tiếp tục triển khai nhiều lớp dạy nghề khác trồng và chăm sóc cà phê tại xã Ngọc Linh, lớp hướng dẫn chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò tại xã Mường Hoong, nề hoàn thiện tại xã Đăk Long.
Bên cạnh việc dạy nghề, huyện Đăk Glei quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng trên địa bàn phối hợp với chính quyền và các đoàn thể chính trị- xã hội của huyện Đăk Glei tăng cường hỗ trợ các chính sách về tín dụng, vốn vay ưu đãi cho người dân đảm bảo đúng đối tượng, nhu cầu, nguyện vọng phù hợp. Qua đó, giúp người dân khu vực nông thôn có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình và tạo ra việc làm cho lao động nông thôn.
Hiện tại, tổng dư nợ từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đăk Glei đã giải ngân cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho các hộ sau khi học nghề trên 13,5 tỷ đồng với 221 hộ.
|
Được quan tâm đào tạo nghề đã giúp người lao động trên địa bàn huyện Đăk Glei, nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS khu vực nông thôn từng bước tiếp cận kiến thức khoa học- kỹ thuật và áp dụng hiệu quả vào phát triển sản xuất, từng bước gia tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Do thói quen canh tác truyền thống kém hiệu quả nên nhiều năm về trước, dù nuôi, trồng nhiều loại cây nhưng thu nhập của gia đình chị Y Nhéo (45 tuổi, dân tộc Gié- Triêng; ở thôn Đăk Bla, xã Đăk Choong) không cao. Được địa phương tạo điều kiên tham gia nhiều lớp tập huấn đào tạo nghề về trồng trọt, chăn nuôi và được vay vốn ưu đãi của Nhà nước, chị Y Nhéo đã phát triển chăn nuôi bò, trồng cà phê, bời lời hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định, thoát cận nghèo vào năm 2022.
Trong tháng 6/2024, chị Y Nhéo cùng nhiều bà con trong thôn Đăk Bla tham gia học lớp trồng và chăm sóc mắc ca để trồng xen trong vườn cà phê, trước đó được hỗ trợ cây giống và phân bón để trồng thử nghiệm. Trải qua lớp đào tạo, chị Y Nhéo và người dân nơi đây rất phấn khởi, khi nhận thấy đây là loại cây dễ trồng, ít tốn công và có tiềm năng rất lớn về kinh tế.
Chị Y Nhéo chia sẻ: “Vào năm 2023, tôi được hỗ trợ 25 cây mắc ca giống để trồng xen trong vườn cà phê, được hướng dẫn, hỗ trợ về phân bón, kỹ thuật để chăm sóc hiệu quả. Tuy nhiên, sau 1 năm trồng thử nghiệm, bên cạnh những cây phát triển, nhiều cây có dấu hiệu phát triển chậm, còi cọc. Vừa qua, tại lớp đào tạo nghề, tôi tiếp tục được cán bộ hướng dẫn và thực nghiệm tại vườn nhà, chỉ ra những nguyên nhân khiến cây chậm phát triển, cách chăm sóc, bón phân phù hợp nên tôi học hỏi thêm được nhiều. Tôi dự tính sẽ vay vốn ưu đãi và tìm nguồn giống mắc ca đảm bảo để mua về trồng, tận dụng hiệu quả đất trống tại vườn cà phê để phát triển sản xuất”.
|
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng- Trưởng Phòng LĐ,TB&XH huyện Đăk Glei, thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn huyện (từ năm 2024-2025), huyện Đăk Glei phấn đấu đào tạo nghề cho 840 lao động; trong đó có 525 lao động được đào tạo nghề từ nguồn kinh phí thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và 315 lao động được đào tạo nghề từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Đến nay, công tác đào tạo nghề đảm bảo theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra, tập trung vào đa dạng ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp phù hợp với nhu cầu thực tế trên địa bàn.
Trong thời gian tới, UBND huyện Đăk Glei tiếp tục chỉ đạo các địa phương, phòng ban chuyên môn trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về ý nghĩa, mục đích công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, tiếp tục rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề sát với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội; liên kết với các doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề uy tín, đảm bảo chất lượng; phát huy sự chủ động khi tham gia học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp của các học viên.
Huyện Đăk Glei cũng chú trọng gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động, đặc biệt là cho nông dân, thanh niên nông thôn, và con em gia đình chính sách. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn thu hút, đào tạo và sử dụng lao động tại chỗ; tạo điều kiện vay vốn, hỗ trợ các đối tượng DTTS, người nghèo, cận nghèo và người có thu nhập thấp tham gia các chương trình, dự án từ các chương trình MTQG đang triển khai trên địa bàn huyện.
Hoàng Thanh