“Đặc quyền” của từ thiện?
Từ thiện vốn là một hành động đẹp, một việc làm tử tế, thể hiện truyền thống nhân ái “lá lành đùm lá rách”. Tuy nhiên, đừng vì làm từ thiện mà đòi hưởng “đặc quyền”.
Những ngày qua, mạng xã hội xuất hiện bài viết về việc một nhóm từ thiện 12 người tại tỉnh Yên Bái tố bị nhà hàng “chặt chém”.
Theo đó, nhóm 12 khách đã gọi 4,5kg cá lăng sông (900.000 đồng/kg), 2 đĩa thịt rang (180.000 đồng/đĩa), 9 lon bia (25.000 đồng/lon), 6 lon nước ngọt (15.000 đồng/lon) và 2 tô cơm (20.000 đồng/tô), tổng hóa đơn hết gần 4,8 triệu đồng.
Cho rằng mức giá này “không thể chấp nhận được”, thành viên trong đoàn đăng tải bài viết tố nhà hàng lên mạng xã hội.
Tiếp nhận thông tin, chính quyền địa phương đã làm việc với chủ nhà hàng. Chủ nhà hàng xác nhận việc 12 khách dùng bữa tại nhà hàng trưa 18/9, nhưng khẳng định đã giới thiệu, đưa thực đơn bảng giá để khách tham khảo trước khi gọi món, thậm chí giảm giá 30% đối với món cá cho đoàn.
|
Từ sự việc trên, đa số ý kiến bày tỏ sự bất bình với cách ứng xử của đoàn từ thiện và cho rằng những người này đang lạm dụng danh nghĩa từ thiện để đưa ra những đòi hỏi phi lý, không thể đáp ứng.
“Thuận mua vừa bán, đã xem bảng giá, ăn xong rồi về nhà tiếc tiền nên lại lên mạng bêu xấu nhà hàng sao? Tâm như vậy mà cũng đòi đi từ thiện à?”- một chủ tài khoản bình luận gay gắt.
Một chuyện gần đây nhất. Chiều 20/9, đoàn xe tải ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng trở về sau chuyến đi cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do bão, lũ ở các tỉnh, thành miền Bắc.
Khi về đến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoàn xe xin được miễn phí nhưng không được đồng ý. Sự việc được những người đi trong đoàn quay clip lại và đăng lên mạng xã hội.
Và ngay lập tức, sự việc trên gây ra những luồng quan điểm trái chiều trong dư luận. Trong đó, một bộ phận cho rằng cách ứng xử của nhân viên cao tốc là quá gò bó, cứng nhắc và "thiếu nhân văn".
Ở luồng quan điểm ngược lại, nhiều người cho rằng xe cứu trợ không phải xe ưu tiên, và việc nhân viên cao tốc thu phí đối với họ là phù hợp quy định của pháp luật.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Trung tâm Khai thác vận hành đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho biết, đoàn cứu trợ gồm 4 xe, trong đó 2 xe tại làn 8 không chở hàng hóa, trạm giải quyết cho xe qua.
Còn 2 xe khác trong đoàn chở hàng hóa, lực lượng chức năng lập biên bản. Hai xe này đã đồng ý trả phí bình thường, sau đó di chuyển qua trạm.
Cũng theo vị lãnh đạo này, xe kinh doanh vận chuyển hàng hóa, nhà xe vẫn phải trả phí bình thường.
Như vậy là đã rõ. Những chiếc xe chở hàng cứu trợ, nhưng khi trở về, trên xe có chở theo hàng hóa khác để kiếm lợi nhưng vẫn đòi hỏi được hưởng “đặc quyền” là không đúng.
|
Hoạt động từ thiện giúp đỡ nhau vượt qua dịch bệnh, thiên tai không chỉ là truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc mà còn mang giá trị hỗ trợ kịp thời, cấp bách. Tuy nhiên, xung quanh hoạt động từ thiện cũng có những câu chuyện đáng suy ngẫm.
Theo các chuyên gia, vì nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo người dân, lại luôn được chính quyền vui lòng đón tiếp, hỗ trợ, tạo điều kiện, thêm một phần ích kỷ cá nhân, có một số người, một số đoàn tự cho mình cái quyền của người đi cho, đi ban phát, nên đòi hỏi nhiều.
Khi bắt đầu hoạt động từ thiện có thể tâm họ trong sáng, mục đích họ tốt nhưng quá trình thực hiện lại không chuẩn mực.
Ngoài đa số nhóm thiện nguyện có tâm, có kinh nghiệm, thì có một số đoàn từ thiện chỉ mang đến giao cho chính quyền địa phương, chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội.
Bản thân tôi cũng đã vài lần rơi vào trường hợp “dở khóc dở cười” với đoàn từ thiện. Lần đầu, một bạn trẻ, thành viên nhóm thiện nguyện, nhờ tôi kết nối với một xã vùng sâu để tặng quần áo ấm.
Tất cả hàng hóa và người đi trên hai xe bán tải. Xuất phát muộn, lái xe lại không quen đường nên chạy chậm, rình rang mãi gần trưa mới tới. Lúc này, bà con chờ đến mệt mỏi nên về bớt, lãnh đạo xã bận việc phải đi.
Thấy vậy, mấy em trong đoàn có vẻ khó chịu. Việc trao quà diễn ra chóng vánh, chủ yếu là các thành viên chụp ảnh “tự sướng” đăng mạng xã hội, rồi về. Sau này tôi được biết, hàng được trao toàn là quần áo cũ, trong đó có nhiều loại mà bà con không thể mặc được.
Lần khác, tôi được bạn thân rủ tham gia một đoàn từ thiện từ Thành phố Hồ Chí Minh lên huyện biên giới tặng quà cho người nghèo. Trong danh mục quà tặng, ngoài quần áo và các nhu yếu phẩm như mắm, muối, đường, bột ngọt, dầu ăn, còn có 400-500 suất bún riêu được nấu tại chỗ.
Khâu tặng quà diễn ra suôn sẻ, nhưng đến phần “ăn bún riêu” lại phát sinh vấn đề: Hầu hết trẻ em chỉ đụng đũa rồi để lại.
Chị trưởng nhóm từ thiện tỏ rõ vẻ không hài lòng. Cằn nhằn chán, chị bỏ ra xe ngồi, rồi kêu mọi người dọn dẹp để về.
“Mất công chúng ta lặn lội lên đây nấu mà bị chê như thế, thật lãng phí”- chị nói trước khi xe nổ máy.
Sự việc diễn ra quá bất ngờ khiến cho người “trung gian” đứng “chết lặng”, ngẩn ngơ nhìn mọi người lên xe ra về.
Chờ mọi người ra về hết, tôi mới lân la hỏi chuyện mấy em học sinh, và rất nhanh chóng hiểu được rằng, các em nhỏ không ăn bát bún riêu ấy vì béo ngậy và rất ngọt, nên không hợp khẩu vị, chứ không phải chê.
Từ thực tế và những câu chuyện ghi nhận được, có thể thấy rằng, xung quanh hoạt động từ thiện cũng có những “góc khuất“ đáng suy ngẫm.
Bởi vậy, làm từ thiện hãy xuất phát từ “tâm” và “thiện”, đừng khoác áo “từ thiện” để tự cho mình những “đặc quyền”.
Sông Côn