Bún gạo đỏ Măng Bút
Với sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện Kon PLông và Vùng dự án Plan tại Kon Tum, tổ hợp tác sản xuất, chế biến sản phẩm từ gạo đỏ Măng Bút được ra mắt và bước đầu sản xuất ra sản phẩm bún gạo đỏ Măng Bút.
Mang sản phẩm bún gạo đỏ Măng Bút xuống gian hàng trưng bày tại Diễn đàn tư vấn, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tập thể diễn ra tại thành phố Kon Tum, các chị em trong Tổ hợp tác sản xuất, chế biến sản phẩm từ gạo đỏ Măng Bút (Tổ hợp tác) huyện Kon Plông không giấu được niềm vui mừng, phấn khởi.
Nâng niu sản phẩm trên tay, chị Y Siêu – Trưởng nhóm Tổ hợp tác phấn khởi nói rằng, hiện tại, một ký bún được đóng gói bao bì, nhãn mác bán với giá 60.000 đồng, nếu nhập sỉ có giá 45.000 đồng/kg. Sản phẩm được làm 100% từ gạo đỏ do bà con ở xã vun trồng, hoàn toàn không có chất bảo quản hoặc pha trộn, rất tốt cho sức khỏe nên bước đầu được người tiêu dùng tin chọn.
Lúa gạo đỏ được xem là giống lúa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn xã Măng Bút. Đặc biệt, ở xã có tổ liên kết sản xuất lúa gạo đỏ được ra mắt từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, vì chưa quen với thương mại, chưa biết cách chế biến nên sản phẩm lúa gạo đỏ chỉ bó hẹp trong căn bếp của mỗi gia đình, chưa trở thành loại hàng hóa có giá trị.
|
“Trước thực trạng đó, để nâng cao giá trị của gạo đỏ Măng Bút, đặc biệt, giúp chị em phụ nữ khởi nghiệp, nâng thu nhập cho chị em phụ nữ, chúng tôi đã phối hợp với Hội LHPN huyện Kon Plông tổ chức thành lập tổ hợp tác sản xuất, chế biến sản phẩm từ gạo đỏ Măng Bút” – chị Phan Thị Kim Anh, cán bộ vùng dự án Plan tại Kon Tum cho biết.
Sau khi chọn lựa được 10 hộ gia đình trẻ, có ý chí cầu tiến, Hội LHPN huyện Kon Plông cùng cán bộ vùng dự án Plan tại Kon Tum thành lập Tổ hợp tác.
Theo đó, sau khi Tổ hợp tác chọn được địa điểm làm xưởng sản xuất, chế biến, Hội LHPN huyện và Vùng dự án Plan tại Kon Tum đã hỗ trợ hệ thống máy móc để làm bún, hỗ trợ 1 máy hút chân không định hình, bao bì, tem nhãn và hỗ trợ 1 tạ gạo đỏ để các thành viên sản xuất. Các thành viên trong Tổ hợp tác cũng đối ứng thêm kinh phí để cùng thực hiện.
“Mới đầu mọi người chưa nắm chắc phải làm bao nhiêu ký gạo/mẻ nên việc làm ra sản phẩm không như ý, lúc nhiều, lúc ít. Hơn thế, việc cắt bún cũng vụng về, cộng ngắn, cộng dài. Mọi người động viên nhau không được nản, rút kinh nghiệm dần dần qua mỗi mẻ bún”- chị Y Siêu nhớ lại.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, dần dần, mọi việc cũng trơn tru hơn. Bây giờ, các thành viên trong tổ hợp tác phân chia công việc rõ ràng, một tuần Tổ hợp tác làm 3 mẻ bún,1 mẻ phân công 3 người làm. Mỗi buổi làm đều được chấm công rõ ràng, cụ thể.
|
Chị Y Xiên, thôn Măng Bút, xã Măng Bút, thành viên Tổ hợp tác cho biết, công tác vận hành máy móc đa số do các anh đảm nhiệm, các chị chủ yếu ngâm gạo, rửa bún, phơi bún. Trong thời gian đến, các chị sẽ cố gắng mạnh dạn hơn trong việc vận hành máy móc để chủ động hơn trong sản xuất.
“Trước đây, chưa bao giờ mình nghĩ rằng mình có thể tự tay làm ra sản phẩm bún như thế này. Mình tự nhận thấy bản thân thay đổi rất nhiều từ khi tham gia vào tổ hợp tác. Mình mạnh dạn hơn, tự tin hơn. Trong thời gian đến, mình và mọi người tiếp tục duy trì việc làm bún và học hỏi cách bán hàng để tổ hợp tác hoạt động hiệu quả”- chị Y Xiên nói.
Hiện tại, qua việc giới thiệu của các cấp hội phụ nữ, sản phẩm bún gạo lứt đã đến được với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, sản phẩm cũng được một số hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh tìm mua.
Chị Y Siêu cho biết, hiện tại, tất cả các nguồn thu từ việc bán bún đang được Tổ hợp tác tổng hợp để tiếp tục làm vốn sản xuất trong thời gian đến. Khi nguồn vốn đảm bảo cho việc sản xuất bún, lợi nhuận sẽ được chia ra cho mỗi thành viên theo số lượng công đã được chấm.
Làm ra sản phẩm bún gạo lứt là thành công bước đầu của Tổ hợp tác. Tuy nhiên, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn. Chị Ngô Thị Na- Chủ tịch Hội LHPN huyện Kon Plông nói rằng, trong thời gian đến, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục phối hợp Vùng dự án Plan tại Kon Tum tổ chức tập huấn giúp chị em trong Tổ hợp tác nâng cao kiến thức về bán hàng, quản lý ngân sách để hoạt động hiệu quả nhất.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành, cùng Tổ hợp tác gỡ khó, gỡ vướng trong quá trình hoạt động. Hi vọng với sự nỗ lực của mỗi thành viên, sản phẩm bún gạo đỏ Măng Bút sẽ được người tiêu dùng ưa chuộng, tạo được sinh kế bền vững cho các thành viên”- chị Na hi vọng.
Hoài Tiến