Băn khoăn cứu trợ tự phát
Là người từng trải qua những khó khăn, thậm chí nguy hiểm, khi tham gia hoạt động cứu trợ bà con vùng lũ một cách tự phát, tôi thật sự băn khoăn khi thấy có nhiều đoàn hoặc cá nhân đang thực hiện tương tự, và lo lắng khi họ có thể gặp nguy hiểm.
Bão số 3 ập tới, công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão được triển khai rất đồng bộ, quyết liệt, bài bản dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp.
Nhưng bão số 3 và hoàn lưu bão vẫn gây thảm họa về sạt lở, lũ ống, lũ quét kinh hoàng, để lại hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản; tác hại to lớn đến sản xuất, kinh doanh, sinh kế và đặc biệt là tâm lý của người dân.
Trong bão lũ, các lực lượng quân đội, công an, chính quyền địa phương dồn toàn lực giúp đỡ, sơ tán, cứu hộ, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Khi lũ rút, lại ngày đêm vượt qua gian nan, vất vả giúp chính quyền và nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
|
Cùng với đó, người dân cả nước cũng hướng về đồng bào trong cơn hoạn nạn bằng những hành động thiết thực. Những chuyến xe đong đầy nghĩa tình chở hàng cứu trợ đã và đang vượt hàng trăm, hàng nghìn cây số hướng về các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai.
Đặc biệt, những ngày sau bão lũ, nhiều hội, nhóm, cá nhân tình nguyện viên ở khắp cả nước cũng lên đường, trực tiếp đến vùng lũ để cứu trợ, giúp đỡ.
Tuy nhiên, những hoạt động cứu trợ tự phát ấy cũng dấy lên băn khoăn, lo lắng về tính hợp lý trong trao hàng cứu trợ, cũng như về độ an toàn cho chính những người trực tiếp tham gia.
Trước hết, về quyên góp, ủng hộ đồng bào vùng lũ. Không thể thống kê hết những nhóm, cá nhân thiện nguyện đã kịp thời đến động viên chia sẻ, trao tặng những món đồ nhu yếu phẩm cần thiết giúp bà con sớm vượt qua khó khăn trước mắt.
Hình ảnh này cho thấy, tinh thần “tương thân tương ái” đang trở thành hành động tự giác, tự nguyện của đông đảo người dân.
Nhưng cũng chính vì nhiều, rất nhiều hội, nhóm, cá nhân đứng ra vận động lương thực, thực phẩm rồi thành lập các đoàn, các nhóm tự phát, ồ ạt kéo về các địa phương vùng bão, lũ để trao quà cứu trợ, đã dẫn đến tình cảnh “nơi thừa nơi thiếu”.
Mấy ngày nay, báo chí và mạng xã hội cũng phản ánh nhiều về tình trạng nơi cần cứu trợ thì không có ai đến, nơi ồ ạt người đến thì hàng hóa lại thừa. Ở nhiều vùng lũ thuộc Lào Cai, Yên Bái..., do không thể tiếp cận nên hàng hóa cứu trợ phải trao ở vùng ngoài nên ùn ứ, nhưng vùng lũ lại thiếu.
Chưa kể đến chuyện trao tặng hàng hóa không phù hợp. Ví như bà con nơi này đang rất cần nhu yếu phẩm thiết yếu (như đồ ăn, nước uống) nhưng được tặng quần áo, giày dép. Ở nơi cần đồ dùng học sinh, sách vở, chăn màn, thuốc men lại được tặng nước uống, mì gói.
Tiếp đến là nguy cơ mất an toàn cho chính những người đi cứu trợ tự nguyện. Và thực tế, ngày 10/9 đã xảy ra sự việc thương tâm ở tỉnh Yên Bái: Một đoàn cứu trợ bị lật thuyền khi tiếp tế hàng hóa cho người dân ở khu vực ngập lụt trên đường Lê Hồng Phong, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái; hậu quả là một người thiệt mạng và một người bị thương.
Đây là câu chuyện thực sự đau lòng, cũng là lời cảnh báo!
|
Qua theo dõi báo chí, có thể thấy, khi đi cứu trợ ở vùng lũ, hầu hết cá nhân hay nhóm thiện nguyện đều không được trang bị thiết bị bảo hộ, như áo phao, thiết bị định vị và phương tiện giao thông chuyên dụng. Chưa nói đến các kỹ năng sơ cứu, xử lý tình huống khẩn cấp trong môi trường bão lũ.
Trong khi đó, bão lũ, sạt lở luôn tiềm ẩn nguy cơ cao. Chỉ một quyết định sai lầm là có thể đối diện nguy hiểm chết người.
Bản thân từng trải qua những khó khăn, thậm chí nguy hiểm, khi tham gia hoạt động cứu trợ bà con vùng lũ một cách tự phát nên tôi hiểu rõ những nguy hiểm mà người cứu trợ có thể gặp phải.
Đó là vào đầu tháng 10/2009, khi cơn bão số 9 vừa tan, nhóm bạn của tôi kết nối được với một doanh nghiệp hỗ trợ tấm tôn lợp mái nhà cho hộ đồng bào DTTS ở huyện Tu Mơ Rông- địa phương bị tàn phá nghiêm trọng nhất về người và của. Thế là cả nhóm hăng hái lên đường.
Khi ấy, hoàn lưu bão trút những trận mưa dữ dội, nước sông suối dâng nhanh gây sạt lở, hạ tầng giao thông gián đoạn. Vì tự phát, lại không nắm rõ tình hình nên chúng tôi bị lạc đường, và kẹt ở một ngôi làng nhỏ, không thể di chuyển, xung quanh đất lở, nước suối dâng cao.
Điều nguy hiểm nhất là trong nhóm không ai được đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản, cũng như có kinh nghiệm trong xử lý tình huống.
May mắn là chúng tôi sau đó liên lạc được với một cán bộ xã, và được anh cử người dẫn đường ra khỏi vùng nguy hiểm.
Bài học rút ra sau đó là, trước khi đi cứu trợ cần phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết; tìm hiểu kỹ thông tin nơi đến cứu trợ; kết nối với địa phương để nắm về tình hình thiên tai, các nguy hiểm có thể gặp và để được hỗ trợ khi cần.
Các chuyên gia cho rằng, cứu trợ cứu nạn vùng bão lũ là phải hoạt động trong một môi trường đặc biệt. Nếu không hiểu biết về cuộc sống nơi đó sẽ không phát huy được tác dụng cứu trợ; không cẩn thận, đi cứu hộ cứu nạn lại trở thành nạn nhân.
Vì vậy, tuyệt đối không tự phát tổ chức đội hình cứu trợ trong vùng bão lũ, mà nên đặt hoạt động này dưới sự điều phối, hướng dẫn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Lực lượng trực tiếp đi cứu trợ cần có sức khỏe tốt, bơi tốt, có khả năng lái xe, lái thuyền xuồng hoặc ca nô, có chuyên môn y tế thì càng tốt. Nên kết nối với người thông thạo địa hình để tăng tính an toàn.
Hoạt động cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai là việc rất nên làm. Nhưng ngoài tấm lòng cũng cần có kinh nghiệm, kỹ năng; có cách làm phù hợp, chuyên nghiệp và an toàn.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cũng cần vào cuộc, tổ chức điều phối kịp thời và hiệu quả.
Hồng Lam