Xã Đăk Dục: Phát huy bản sắc văn hóa xây dựng nông thôn mới
Cái cốt lõi làm nên bản sắc văn hóa dân tộc được xã Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi) quan tâm và tạo điều kiện cho người dân phát triển là nghề dệt thổ cẩm, nhạc cụ và lễ hội truyền thống.
Không nằm trong diện xã điểm, nguồn vốn đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới có hạn, xã Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi) phát huy bản sắc văn hóa của người Triêng để tạo ra nguồn động lực giúp dân vươn lên xây dựng nông thôn mới.
|
Khi nghe hỏi về điểm nổi bật trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương, ông Trần Văn Khoa - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Dục nhắc ngay đến việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc xây dựng nông thôn mới. Theo ông, người tâm huyết và dành nhiều thời gian trong việc khơi dậy, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Triêng ở địa phương là bà Y Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã.
Cái cốt lõi làm nên bản sắc văn hóa dân tộc được xã quan tâm và tạo điều kiện cho người dân phát triển là nghề dệt thổ cẩm, nhạc cụ và lễ hội truyền thống. Bàn về thổ cẩm, bà Y Hồng tâm sự: Thấy một số chị say mê nghề dệt thổ cẩm và sợ nghề dệt thất truyền, tranh thủ sự quan tâm của Sở VHTT&DL, Phòng VH-TT huyện, xã mời bà Y Ngân, Y Loan (làng Đăk Răng), Y Dăng (làng Đăk Ba)... đam mê và giỏi nghề dệt thổ cẩm truyền nghề lại cho các chị em.
|
Khi các chị đồng ý, chính Y Hồng cùng già làng, thôn trưởng các thôn vận động chị em học nghề dệt thổ cẩm. “Tưởng các chị, các em thờ ơ, nhưng hóa ra ai cũng rất thích. Học được rồi, tự tay dệt những tấm váy, tấm quấn, khố… mặc trong các lễ hội, ai cũng hãnh diện” - Y Hồng chia sẻ.
Đem những tấm thổ cẩm với những hoa văn tinh tế ra cho khách xem, Y Loan khoe: Mình học được nghề dệt thổ cẩm từ hồi còn nhỏ do mẹ mình dạy cho. Năm 2013-2014, được cấp trên quan tâm và chị Y Hồng khuyến khích, mình cùng với các chị mở 2 lớp thổ cẩm cho 30 chị em trong các làng. Nghề dệt thổ cẩm không khó, nhưng đòi hỏi chị em chịu khó và tỉ mỉ. Bây giờ, nhiều chị em trong làng đã biết dệt và yêu quý nghề dệt thổ cẩm.
Các chị cho biết, nghề dệt thổ cẩm giúp chị em kiếm thêm thu nhập trong lúc nông nhàn. Để dệt nên những tấm váy - áo mất 4 ngày. Giá mỗi tấm váy - áo tùy thuộc vào từng loại chỉ. Bình quân mỗi tấm váy-áo bằng loại chỉ tốt giá 1 triệu đồng, váy 500 nghìn đồng; còn loại váy-áo bằng chỉ thường khoảng 700 nghìn đồng.
|
Theo Y Hồng, không chỉ phát triển nghề dệt thổ cẩm, thông qua các nghệ nhân, xã Đăk Dục còn khôi phục nghề chế tác nhạc cụ và mở lớp dạy nhạc các loại nhạc cụ như: đinh tút, khèn, sáo, cồng chiêng... cho người dân. Các nghệ nhân như cụ Brôl Vẻ (làng Đăk Răng), Bloong Vươn (Dục Nhầy I) giỏi chế tác nhạc cụ và sử dụng các loại nhạc cụ được xã mời dạy truyền nghề cho thanh thiếu niên và học sinh ở địa phương.
Từ việc khôi phục nghề chế tác và truyền dạy các loại nhạc cụ, hiện nay ở xã Đăk Dục có khoảng 100 người đánh được cồng chiêng và chơi các loại nhạc cụ. “Riêng đoàn nghệ nhân làng Đăk Răng từng tham gia các lễ hội truyền thống lớn như ở Măng Đen (Kon Tum), Đồng Mô (Hà Nội)…” - Y Hồng tự hào.
Thông qua việc khôi phục và phát huy nghề truyền thống và được sự quan tâm của UBND huyện Ngọc Hồi, hiện nay xã Đăk Dục đã hình thành làng du lịch cộng đồng và nhà trưng bày di sản văn hóa của người Triêng tại làng Đăk Răng. Làng du lịch cộng đồng và nhà trưng bày di sản văn hóa ở làng Đăk Răng đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Trần Văn Khoa, tính đến thời điểm này, xã Đăk Dục đã đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới. Các tiêu chí đã đạt được gồm: thủy lợi, điện, bưu điện, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, hệ thống chính trị và an ninh trật tự. Việc phát huy nghề truyền thống và bản sắc văn hóa tuy không giúp người dân làm giàu, nhưng đây là nền tảng, là động lực quan trọng để giúp người dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới.
Văn Nhiên