Về Nông Kon nghe kể chuyện dệt thổ cẩm
“Thổ cẩm của người Gié - Triêng có nét đặc trưng riêng đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Mỗi đường nét, hoa văn, màu sắc khắc họa hồn cốt trong đời sống thường nhật, trong lao động sản xuất và chứa đựng những phong cảnh bản làng, núi rừng, những hình tượng mang tính tín ngưỡng, luật tục của dân làng”- nghệ nhân Y Hà tự hào nói về nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình.
Trong tiết trời se se lạnh, chúng tôi đến thôn Nông Kon (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) tìm hiểu về ngành dệt thổ cẩm của người Gié - Triêng. Trong ngôi nhà gỗ cũ kỹ, tường vách đã sạm đen vì ám màu khói bếp, vọng ra tiếng nói cười xôn xao của những phụ nữ đang dệt thổ cẩm. Với đôi tay khéo léo, họ làm ra những tấm thổ cẩm tinh tế, đậm chất đặc trưng của người Gié - Triêng.
Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Y Hà (70 tuổi) – một nghệ nhân dệt “lão làng” ở Nông Kon chia sẻ: từ thời xa xưa, đồng bào dân tộc Gié Triêng đã biết tạo cho mình những bộ trang phục để giữ ấm và bảo vệ cơ thể. Ban đầu trang phục của đồng bào Gié - Triêng lấy chất liệu chủ yếu từ vỏ cây để sơ chế thành những sợi dây nhỏ, rồi dệt thành những tấm vải. Qua quá trình phát triển của xã hội, sự giao thoa văn hóa, sự trao đổi hàng hóa lẫn nhau, người Gié - Triêng đã biết sử dụng những sợi bông trắng, thường nhuộm thành các màu: đỏ, đen và vàng, sau đó, đem dệt thành những tấm vải thổ cẩm mềm mại, bền, đẹp và tạo thành những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ, tinh tế.
“Công việc dệt vải thổ cẩm trong cộng đồng do phụ nữ đảm nhiệm. Bé gái ở độ tuổi 12-13 đã được các bà, các mẹ dạy cho những công đoạn của nghề dệt vải và thực hành liên tục để tự làm ra những đồ vải của riêng mình, phục vụ việc mặc của bản thân và sau này có tể tự dệt những tấm vải để mang về nhà chồng. Chất lượng những sản phẩm họ làm ra là một trong những tiêu chí để những người già, ông mai, bà mối trong làng "chấm" họ làm con dâu”- bà Y Hà cho biết thêm.
|
Cũng giống như nhiều DTTS tại chỗ khác, quy trình dệt vải của người Gié - Triêng bao gồm các công đoạn: trồng bông, khai thác bông, sơ chế bông thành sợi chỉ, nhuộm sợi chỉ và dệt thành vải thổ cẩm. Sản phẩm của nghề dệt thủ công truyền thống được dùng làm trang phục mặc hằng ngày và trong các lễ hội; là tấm đắp để giữ ấm cơ thể trong những mùa giá rét; là tấm địu ru ngủ con thơ trên lưng người mẹ; là những món đồ dùng làm của hồi môn khi thiếu nữ đi lấy chồng.
Trong dệt vải thổ cẩm truyền thống, người Gié - Triêng thường dùng chủ yếu 4 màu: màu đỏ (xŏ), màu đen chàm (nhôông), màu vàng (grieng, bah), màu trắng (vọoc, book). Trong các màu được sử dụng, màu trắng là màu mộc vốn có của các sợi chỉ bông, các màu còn lại đều được chiết suất từ các loại cây, củ có sẵn trong tự nhiên hoặc tự trồng. Thông thường, trên các sản phẩm dệt, người Gié - Triêng thường bố trí các băng chỉ màu tương ứng với từng loại sản phẩm dệt khác nhau.
Hoa văn trang trí trên thổ cẩm được người dệt thực hiện theo một kỹ năng có sẵn và theo truyền thống, họ không sáng tác các mẫu hoa văn mới. Hoa văn thường gặp trên các sản phẩm dệt của người Gié - Triêng bao gồm: hình chữ X, hình chân rết, hình hạt bí, hạt bầu, hình thoi, hình tam giác đối xứng, hình sóng nước.
“Kỹ thuật tạo tác hoa văn cho trang phục là một kỹ thuật khó trong toàn bộ quá trình dệt vải, đòi hỏi người thợ dệt phải có kinh nghiệm, sự tỉ mẩn và đôi bàn tay khéo léo”- nghệ nhân Y Hà bộc bạch.
Hoa văn và màu sắc đã tạo nên một sắc thái riêng biệt trên trang phục của người Gié - Triêng. Những màu đỏ, đen, vàng, trắng, trong những gam chỉ màu đó là những hoa văn được lồng, đan xen nhau. Hoa văn trên trang phục cũng mang trong mình những ý nghĩa riêng biệt về cuộc sống về tâm linh và về thế giới quan của con người. Màu đỏ vừa là tượng trưng cho sức mạnh, cho sự giàu có của con người vừa tượng trưng cho lửa, cho sự sống; màu trắng tượng trưng cho nước, cho sự tinh khiết thuần túy, màu vàng tượng trưng cho bông lúa, cho sự no đủ của con người, màu đen tượng trưng cho đất, đất tạo ra sự sống, là con đường hàng ngày người dân đi rẫy, đi thăm họ hàng.
Màu sắc trên trang phục thổ cẩm cũng thể hiện sự phân tầng rõ nét trong xã hội người Gié - Triêng, người nghèo chỉ choàng tấm choàng màu đen nguyên bản, không dệt đan xen hoa văn, người bình thường sẽ choàng những tấm choàng có dệt hoa văn thông thường, còn những người giàu sẽ choàng những tấm choàng có màu đỏ được dệt nhiều hơn, sặc sỡ hơn.
|
Thổ cẩm của người Gié - Triêng cũng mang giá trị to lớn về mặt vật chất. Những tấm dồ, được dệt đẹp nhất, sang trọng nhất và quý nhất để nhà gái tặng cho nhà trai trong ngày cưới, tặng cho cha mẹ thân sinh, ông bà của nhà trai như là của hồi môn của cô gái khi mang theo sang nhà chồng.
Ngoài ra, tấm thổ cẩm truyền thống mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. người Gié - Triêng khi mất đi sẽ được chia một tấm dồ, cà-tu để mang theo sang thế giới bên kia để mặc giữ ấm và mặc đẹp để được tiếp tục ca hát, nhảy múa.
Trong mỗi lễ hội cộng đồng, trang phục là phần hồn của lễ hội tạo ra nét độc đáo về văn hóa của người Gié - Triêng. Đây là dịp để văn hóa của họ được thể hiện một cách toàn diện nhất, các trang phục như tấm dồ, tấm choàng, váy, khố với nhiều màu sắc nổi bật được mặc trong lễ đâm trâu mừng nhà rông mới, lễ ăn than, lễ ăn cơm mới, đám cưới, đám tang.
Nghệ nhân Y Hà kể, ở làng Nông Kon, mỗi khi sắp đến tết cổ truyền, trong làng ai cũng phải dệt vải để dệt những tấm choàng mới cho các thành viên trong gia đình cùng choàng trong năm mới, việc mặc những tấm choàng mới sẽ giúp các gia đình đón một năm mới với nhiều điều mới mẻ, nhiều sức khỏe, không ốm đau bệnh tật, những điều xui xẻo trong năm cũ sẽ trôi qua hết.
Có vẻ những câu chuyện về thổ cẩm của người Gié - Triêng đã rút ngắn thời gian lại, mặt trời cũng đã khuất bóng sau rặng núi phía Tây miền biên viễn, chúng tôi tạm biệt những nghệ nhân trong tiếng nói cười và niềm vui trọn vẹn khi được nghe, được xem những câu chuyện về thổ cẩm của những con người tài hoa nơi đây.
Vâng, những câu chuyện trên, chỉ là một phần nhỏ trong muôn vàn những câu chuyện ẩn đằng sau mỗi tấm thổ cẩm của người Gié - Triêng. Có thể nói rằng mỗi tấm vải thổ cẩm được sinh ra không chỉ là sản phẩm vật chất, mà còn mang giá trị tinh thần, thể hiện bản sắc riêng gắn với cách nghĩ, nếp sống của cả một cộng đồng dân tộc.
Theo lãnh đạo UBND xã Đăk Dục, để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống, xã sẽ tiếp tục phát huy vai trò của những nghệ nhân trong công tác truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ; đẩy mạnh công tác sưu tầm, lồng ghép trưng bày, giới thiệu sản phẩm dệt thủ công qua các lễ hội, các địa điểm du lịch và qua các nền tảng số để nhiều người biết về nét đặc trưng của thổ cẩm Gié - Triêng và góp phần tiêu thụ sản phẩm dệt cho các nghệ nhân.
Hiện nay, nhiều phụ nữ trẻ người Gié - Triêng đã tự ý thức tham gia vào việc gìn giữ, bảo tồn phát huy nghề dệt thủ công tại gia đình mình. Vì vậy, nghề dệt thủ công truyền thống phát triển hơn; sản phẩm thổ cẩm được sử dụng rộng rãi hơn trong cuộc sống thường ngày, góp phần duy trì và phát triển nghề dệt thủ công truyền thống./.
Nguyễn Ban