Trọn đời gắn bó với nghề dệt
Bước qua tuổi 66, dù đôi mắt hơi yếu, nhưng đôi tay bà Y Nghiêm (dân tộc Gié- Triêng, thôn Nông Kon, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) vẫn thoăn thoắt, nhanh nhẹn mỗi khi ngồi vào khung cửi. Với bà, việc dệt thổ cẩm không chỉ để giữ gìn nghề truyền thống mà còn là cách để bầu bạn và sẻ chia mọi vui buồn trong cuộc sống.
Chiều muộn, trước hiên nhà, bà Y Nghiêm vẫn thoăn thoắt đôi tay, miệt mài bên khung cửi. Đã mấy chục năm trôi qua, bà Y Nghiêm vẫn vẹn nguyên tình yêu với thổ cẩm. Trò chuyện với chúng tôi, bà Y Nghiêm nói: Mỗi ngày tôi đều dành một khoảng thời gian để dệt. Dệt thổ cẩm để tay chân không thô cứng, để lưu giữ lại hoa văn tinh tế qua từng sợi chỉ và cũng để bầu bạn, cảm nhận niềm vui từ cuộc sống.
Bà Y Nghiêm bảo rằng, ngày trước, không riêng gì gia đình bà, cộng đồng người Gié- Triêng ngày ấy, nhà nào cũng có phụ nữ biết dệt. Dệt với họ như công việc thường ngày, là niềm vui, là một phần của cuộc sống. Có những ngày, khi sợi bông không còn đủ dệt, những người bà, người mẹ lại dẫn theo những đứa con, cháu gái vào rừng tìm rễ cây, vỏ cây để về kéo sợi, nhuộm màu. Theo mẹ vượt nhiều triền núi tìm nguyên liệu về kéo sợi hay những lần được mẹ chỉ dạy cách dệt, cô bé Y Nghiêm yêu nghề dệt, rồi sớm gắn bó với nghề từ năm 12 tuổi.
|
“Mẹ đã dạy cho tôi những điều cơ bản nhất như cách se chỉ, nhuộm màu, dệt những vật dụng nhỏ như túi, khăn, khố rồi đến những sản phẩm phức tạp hơn như chăn, váy, áo. Hồi mới tập dệt, có nhiều sản phẩm tôi làm bị sai và phải làm đi làm lại rất nhiều lần. Cũng may là tôi không bỏ cuộc, chăm chỉ học hỏi nên mới thành thục như ngày hôm nay. Bây giờ, nghề dệt như ngấm vào máu tôi rồi, nếu một ngày không dệt tay tôi rất khó chịu, trong lòng thì rất bứt rứt” - bà Y Nghiêm nói.
Bà Y Nghiêm cho hay, để có được một sản phẩm thổ cẩm chất lượng phải trải qua nhiều công đoạn. Trong đó, khó nhất là công đoạn bắt chỉ dệt hoa văn. Muốn dệt được các hoa văn, người dệt phải hình dung rõ từng loại hoa văn sau đó mới thể hiện nó qua việc bắt chỉ. Đánh giá một sản phẩm thổ cẩm có giá trị, ngoài sợi chỉ mịn màng, còn phải ngắm các hoa văn có sắc nét, cân đối, hài hòa trên nền vải hay không. Chỉ có những người gắn bó lâu năm với nghề, yêu nghề mới có thể dệt được sản phẩm có hoa văn mang nhiều ý nghĩa, giá trị văn hóa, tín ngưỡng và tâm linh.
Chia sẻ thêm, bà Y Nghiêm cho hay, một công đoạn quan trọng không kém khác đòi hỏi người làm phải thật cẩn thận, tỉ mỉ đó là mắc cửi, lên khung, sỏ khổ. Làm tốt công đoạn này thì sản phẩm mới đều màu, mịn màng, đúng như ý đồ của người dệt.
Trung bình 6-10 ngày, bà Y Nghiêm mới hoàn thiện một bộ đồ thổ cẩm. Mỗi sản phẩm được bán với giá 1 triệu đồng. Nhờ tay nghề cao nên các sản phẩm thổ cẩm của bà Y Nghiêm được mọi người yêu thích và đặt mua thường xuyên. Theo mọi người trong thôn đánh giá, các sản phẩm thổ cẩm của bà Y Nghiêm có chất lượng tốt, các họa tiết hoa văn được chăm chút tỉ mỉ và rất đẹp mắt.
|
Ngồi bên hiên chăm chú xem mẹ dệt vải, chị Y Tô chia sẻ: “Mặc dù tôi dệt không giỏi nhưng những kỹ thuật cơ bản tôi đều đã nắm được và đang tiếp tục rèn luyện. Mẹ tôi luôn nhắc nhở tôi phải làm thật tỉ mỉ, cẩn thận chứ không được làm cho có, làm qua loa. Có thể mất 1-2 tháng mới dệt xong một sản phẩm, nhưng phải làm với tinh thần kiên nhẫn và tỉ mỉ, sản phẩm làm ra dù chưa được đẹp nhưng sẽ giúp tay nghề tiến bộ hơn”.
Không chỉ truyền dạy nghề cho người thân trong gia đình, bà Y Nghiêm còn dành nhiều thời gian để vận động lớp trẻ trong thôn học dệt và sẵn sàng truyền nghề cho những ai muốn học.
Theo UBND xã Đăk Dục, ở thôn Nông Kon, bà Y Nghiêm là người nỗ lực giữ gìn nghề dệt, thường xuyên truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đồng bào DTTS ở địa phương về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống để họ tích cực hơn trong việc tham gia bảo tồn, lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc. Cùng với đó, địa phương sẽ mở các lớp dạy nghề truyền thống để trao truyền kỹ năng cho lớp trẻ.
Thu Hiền