Thương hiệu du lịch
Thương hiệu du lịch không chỉ đơn thuần là biểu tượng hay khẩu hiệu, mà là giá trị của du lịch, kết hợp trong đó những đặc trưng văn hóa, lịch sử, và trải nghiệm độc đáo, tạo nên một “hình ảnh” đặc biệt mỗi khi du khách nghĩ đến một doanh nghiệp du lịch hay một vùng đất.
Định vị thương hiệu là giải pháp quan trọng để gia tăng năng lực cạnh tranh du lịch, kiến tạo những điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm cụ thể và triển khai kế hoạch xúc tiến, quảng bá hiệu quả, không rơi vào tình trạng lãng phí.
Do đó, các tỉnh, thành phố đều đã và đang tập trung đầu tư cho việc định vị thương hiệu du lịch, coi đó là nền tảng để triển khai những chiến dịch kích cầu thu hút du khách.
Ở tỉnh ta, vấn đề này đang được chú trọng hơn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều hình thức, sản phẩm đa dạng, phong phú; tăng cường quảng bá, xây dựng Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen thành điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu trong khu vực, trong nước và quốc tế.
Mới đây, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo xúc tiến đăng ký bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận "Du lịch Kon Tum". Trong đó xác định đây là một trong những bước đi cụ thể để xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch của địa phương.
|
Thương hiệu du lịch, xét cho cùng, không chỉ đơn thuần là biểu tượng hay khẩu hiệu, mà là giá trị của du lịch, kết hợp trong đó những đặc trưng văn hóa, lịch sử, và trải nghiệm độc đáo, tạo nên một “hình ảnh” đặc biệt mỗi khi du khách nghĩ đến một vùng đất.
Chẳng hạn, khi nói đến Thủ đô Hà Nội, du khách nghĩ ngay đến thương hiệu “Hà Nội - Điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử”. Hay nói đến thành phố Huế, du khách nghĩ ngay đến “văn hóa Huế”, với di sản văn hóa Cố đô, văn hóa ẩm thực đa dạng, độc đáo.
Có thể nói, thương hiệu du lịch có vai trò đặc biệt quan trọng, cả với du khách, doanh nghiệp và địa phương. Đối với du khách, thương hiệu du lịch giúp họ tìm điểm đến phù hợp với nhu cầu và sở thích, trong điều kiện có quá nhiều lựa chọn.
Đối với doanh nghiệp du lịch, thương hiệu du lịch giúp thu hút khách hàng tiềm năng. Thương hiệu du lịch mạnh giúp doanh nghiệp thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng hơn; tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường du lịch; nâng cao giá trị và lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Đối với địa phương, thương hiệu du lịch góp phần quảng bá hình ảnh địa phương đến với du khách trong và ngoài nước; tăng thu hút đầu tư vào ngành du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương; thúc đẩy phát triển các ngành nghề khác như dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải, giải trí.
Du lịch tỉnh ta những năm gần đây ghi nhận bước phát triển, đặc biệt là sự phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Năm 2023, tổng lượng khách đến tỉnh đạt 1,334 triệu lượt người (trong đó khách quốc tế đạt 3.816 lượt người); tổng doanh thu đạt khoảng 537 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách đến tỉnh đạt trên 1,5 triệu lượt người, tổng doanh thu đạt gần 427 tỉ đồng.
Tuy nhiên, điểm yếu so với nhiều địa phương khác nằm trong việc xây dựng và định vị thương hiệu.
|
Đơn cử như quản lý, sử dụng Biểu tượng (Logo) và Khẩu hiệu (Slogan) du lịch Kon Tum. Sau thời gian phát động cuộc thi thiết kế biểu tượng và khẩu hiệu du lịch, ngày 27/9/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 887/QĐ-UBND phê duyệt Biểu tượng (Logo) và Khẩu hiệu (Slogan) Du lịch Kon Tum.
Nhưng trên thực tế, cả Biểu tượng (logo) và Khẩu hiệu (slogan) đều chưa được phổ biến rộng rãi, chưa được nhiều người biết tới. Rất hiếm thấy Biểu tượng và Khẩu hiệu du lịch xuất hiện trên đường phố hay các địa điểm du lịch. Ngay cả một số doanh nghiệp làm du lịch cũng không thấy sử dụng.
Năm ngoái, tôi giúp một người bạn làm dịch vụ lữ hành đón một đoàn khách du lịch từ Hà Nội vào. Nhiều người cho biết, đây là lần đầu tiên đến với Kon Tum nên rất háo hức muốn trải nghiệm và khám phá. “Chúng tôi đã qua Đăk Lăk, qua Gia Lai, nay đến Kon Tum. Thương hiệu du lịch của Kon Tum là gì ấy gì”- có người hỏi.
Tôi hơi lúng túng, cố suy nghĩ tìm một điều nổi bật về Kon Tum để chia sẻ nhưng không dễ. Cuối cùng đành giới thiệu về các điểm đến, các giá trị văn hóa truyền thống và sản vật địa phương đặc sắc.
Anh bạn tôi còn rơi vào cảnh khó xử hơn, khi một du khách hỏi vì sao doanh nghiệp không sử dụng Biểu tượng và Khẩu hiệu du lịch của tỉnh. Tôi chưa sẻ với anh sự lúng túng ấy, vì đây không phải là trường hợp đơn lẻ.
Điều đáng nói nữa là tình trạng các doanh nghiệp du lịch xây dựng hình ảnh điểm đến và xúc tiến thị trường theo kiểu mạnh ai nấy làm, chồng chéo, thiếu sự đồng nhất trong xây dựng và phát triển thương hiệu chung.
Từ thực tế trên, rõ ràng là ngành du lịch tỉnh cần làm mới thương hiệu của mình để phù hợp với yêu cầu hiện nay, trên tinh thần đặt du khách làm trung tâm và đáp ứng nhu cầu của họ.
Tất nhiên, xây dựng thương hiệu du lịch không chỉ đơn thuần là một chiến dịch xúc tiến du lịch, chiến dịch thương hiệu sản phẩm hay tạo ra một logo và khẩu hiệu.
Nếu được thực hiện đúng, thương hiệu du lịch sẽ truyền cảm hứng cho niềm tự hào về quê hương, nêu bật điểm mạnh, điểm độc đáo của tỉnh, thể hiện được sự đa dạng văn hóa; tạo sức hút mạnh mẽ đối với doanh nghiệp du lịch cũng như du khách trong và ngoài nước.
Thương hiệu du lịch cũng cần được nhìn nhận không chỉ là công cụ để thúc đẩy du lịch phát triển mà còn là thành phần then chốt để nâng cao vị thế của tỉnh.
Bởi vậy, đầu tư xứng đáng vào thương hiệu du lịch là cần thiết, đòi hỏi sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, chứ không riêng gì ngành Văn hóa, thu hút được sự hỗ trợ từ các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp và chính người dân.
Mục tiêu cuối cùng là để khi nhắc đến Kon Tum, du khách nghĩ ngay đến “Trải nghiệm văn hóa - Khám phá thiên nhiên”.
Hồng Lam