Thúc đẩy sáng tạo văn học nghệ thuật, phục vụ nhu cầu của nhân dân
Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, tỉnh ta quan tâm chỉ đạo ngành chức năng của tỉnh triển khai thực hiện; đồng thời, có nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế nhằm đưa văn học- nghệ thuật của tỉnh từng bước phát triển.
Trong 5 năm (2018-2023), các ngành chức năng của tỉnh phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng, gây tiếng vang lớn. Tiêu biểu như đã phối hợp với Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức Trại sáng tác Ảnh nghệ thuật toàn quốc với 141 tác phẩm được chọn; trưng bày 38 ảnh Di sản văn hóa Kon Tum gắn với quốc bảo sâm Ngọc Linh tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam; tổ chức 11 đợt trưng bày hình ảnh, tư liệu, bản đồ chuyên đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”; Trưng bày hình ảnh, hiện vật di sản văn hoá cộng đồng các nước ASEAN nhân Kỷ niệm 105 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum (9/2/1913 - 9/2/2018); đăng cai triển làm Mỹ thuật khu vực V (tại Bảo tàng tỉnh) trưng bày hình ảnh các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, những thành tựu chính trị, kinh tế, xã hội trên các mặt...
|
Đã hỗ trợ văn nghệ sĩ sáng tác, nghiên cứu, sưu tầm phát triển về văn hóa và văn học, nghệ thuật của 7 DTTS và phát hành hơn 60 ấn phẩm; trong đó có nhiều tác phẩm chất lượng tiêu biểu như các cuốn: “Phác thảo về văn hóa dân gian các DTTS tỉnh Kon Tum”, "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở Kon Tum”, “Truyện cổ dân gian các dân tộc tỉnh Kon Tum”. Một số công trình nghiên cứu cá nhân tiêu biểu như: “Cải tiến nâng cao nhạc khí dân gian” của nhạc sĩ, NSƯT A Đũh; “Giới thiệu về Mỹ thuật dân gian” của hoạ sĩ Phùng Sơn; “Sưu tập truyện cổ, truyền thuyết, dụng cụ đánh bắt, săn bắn” của các tác giả Phùng Sơn, Hà Tiến Dũng.
Tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh hoạt động truyền dạy tiếng DTTS và các loại hình âm nhạc dân gian, văn nghệ dân gian. Đã tổ chức hơn 300 lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian, thu hút trên 10.000 học viên; tổ chức các đoàn nghệ nhân dân tộc Ba Na, Xơ Đăng và Gié-Triêng tham gia biểu diễn trong và ngoài nước; phát động cuộc thi sáng tác, đăng ký bản quyền biểu tượng (lô gô) tỉnh Kon Tum; phát động cuộc thi sáng tác thơ; phát động cuộc thi sáng tác ca khúc chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập tỉnh.
Ngành Văn hóa thường xuyên triển khai các hoạt động phát hành phim, chiếu bóng lưu động tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Theo đó, thực hiện được 433 buổi chiếu, phục vụ hơn 170.500 lượt người xem; đội chiếu bóng lưu động các huyện, thành phố đã tổ chức hơn 900 buổi chiếu phục vụ khoảng hơn 172.120 lượt khán giả.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng đến công tác xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, phát triển các tài năng, năng khiếu về văn học, nghệ thuật. Hoạt động của Câu lạc bộ sáng tác trẻ ngày càng đạt hiệu quả và từng bước đi vào chiều sâu; phát hiện và kết nạp 40 học viên trẻ (dưới 35 tuổi) có năng lực thực tiễn, trong đó có 17 hội viên là người DTTS. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát triển đảng viên trong đội ngũ văn nghệ sĩ, nhất là văn nghệ sĩ trẻ. Toàn tỉnh hiện có 91 đảng viên là văn nghệ sĩ; 10 Nghệ nhân dân gian; 2 Nghệ sĩ ưu tú và 89 Nghệ nhân ưu tú.
|
Tỉnh chú trọng củng cố, đổi mới hoạt động Hội Văn học- Nghệ thuật; chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong tham gia phát triển văn hóa, làm cầu nối quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Kon Tum với bạn bè quốc tế, góp phần thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Hàng năm, tổ chức các đợt thực tế sáng tác, giao lưu học tập kinh nghiệm với các tỉnh; giới thiệu, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật của các văn nghệ sĩ đến với cả nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá văn hóa, tiềm năng phát triển về kinh tế du lịch của tỉnh thông qua các hoạt động giao lưu với các nước trong khu vực và biên giới. Các huyện, đơn vị tại biên giới như huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei, Sa Thầy và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức những hoạt động, giao lưu văn hóa văn nghệ với các nước.
Ông Nguyễn Văn Bình- Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: Các cơ chế, chính sách được tỉnh ban hành đã góp phần tạo môi trường thuận lợi để văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, bám sát, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Qua đó, còn góp phần bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, văn nghệ truyền thống; tôn vinh các giá trị tốt đẹp trong đời sống xã hội, hướng con người đến những điều tốt đẹp.
Hoàng Thanh