Thông điệp từ những “thanh âm đại ngàn”
Trong những ngày xuân, khắp các thôn làng ở Kon Tum lại rộn ràng những thanh âm các nhạc cụ truyền thống của đồng bào DTTS được trình diễn trong lễ hội. Dưới mái nhà rông cao vút, trong vị say nồng chếnh choáng của men rượu, giai điệu của các loại nhạc cụ bằng tre nứa hòa điệu cùng với tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang hòa điệu tạo nên “dàn hợp xướng âm thanh” vô cùng hấp dẫn, mê đắm lòng người.
Hàng năm, chúng tôi hòa mình vào những lễ hội mùa Xuân của đồng bào DTTS vào những ngày cuối năm để cảm nhận rõ hơn không khí “Tết sớm” trên vùng đất Tây Nguyên. Năm nay may mắn là trước những “lễ hội mùa Xuân” của đồng bào DTTS tại chỗ, tỉnh ta đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023 (từ 29/11-1/12/2023) (gọi tắt Ngày hội Văn hóa) tạo nên một không khí Ngày hội văn hóa lớn của các dân tộc Tây Nguyên với đa sắc màu văn hóa huyền diệu.
Bởi vậy, trong hành trình thưởng thức những “bữa tiệc âm thanh đặc sắc” của không khí lễ hội ấy, chúng tôi may mắn được gặp lại “bộ ba nhạc công” nổi tiếng là A Khum, A Thu và A Khanh (dân tộc Gié-Triêng ở thôn Đăk Wấk, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei) tại Ngày hội Văn hóa. Lần này, được xem “bộ ba nhạc công” này trình diễn trên một sân khấu chuyên nghiệp, tôi vẫn rất ấn tượng với họ bởi những kỹ năng điêu luyện, đặc biệt là cách truyền cảm hứng trên sân khấu, làm cho người xem như muốn “ôm” đàn để chơi cùng. Với đôi tay khéo léo, khả năng cảm thụ âm nhạc, kết hợp sự sáng tạo độc đáo, các nghệ nhân đã chế tác ra nhiều loại nhạc cụ bằng tre, nứa và nổi tiếng với các tiết mục hòa tấu xuất sắc như: hòa tấu nhạc cụ chiêng nứa kết hợp cùng ting ning bài “Đứng dậy đường đi cứu nước- Lòng nhớ ơn Đảng Bác Hồ” hoặc trình diễn, hòa tấu nhạc cụ bài “Đuổi chim” rộn ràng, đầy sinh động.
|
Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân A Khum cho biết: “Nhạc cụ tre nứa cũng như các loại nhạc cụ dân tộc khác do được sản sinh từ xa xưa nên không tránh khỏi những nhược điểm, đặc biệt là về mặt âm lượng. Vì vậy, theo thời gian, các loại nhạc cụ đều được cải tiến để theo kịp nền âm nhạc hiện đại, diễn tả tốt hơn những tâm tư, tình cảm của con người. Mỗi khi có dịp là chúng tôi lại mang rất nhiều nhạc cụ để đi biểu diễn, giới thiệu với bạn bè, du khách gần xa. Qua những bản hòa âm từ các nhạc cụ tre, nứa, chúng tôi muốn truyền đi niềm đam mê đến mọi người và góp sức bảo tồn, tôn vinh giá trị của các loại nhạc cụ truyền thống trong dàn âm nhạc hiện đại”.
Là người dân Kon Tum, tôi rất tự hào vì nền văn hóa, âm nhạc truyền thống trên địa bàn ngày càng phát triển, được gìn giữ và phát huy qua từng ngày. Nhất là thời gian gần đây, tỉnh Kon Tum được chọn để đăng cai, tổ chức rất nhiều sự kiện văn hóa lớn, tạo tiếng vang trong khu vực và toàn quốc. Ở đó, các loại nhạc cụ truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên có dịp được “hội tụ”, cùng tạo nên những bản hòa âm đậm chất núi rừng Tây Nguyên.
Tôi cũng có dịp gặp lại già A Brôl Vẻ- nghệ nhân dân gian, ưu tú ở làng Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) trong buổi tập luyện để chuẩn bị tham dự Ngày hội Văn hóa.
|
Ông Brôl Vẻ chơi và thành thạo nhiều loại nhạc cụ bằng tre, nứa khác nhau của dân tộc Gié- Triêng. Những âm thanh mộc mạc, chắc, khỏe từ đôi bàn tay khéo léo của ông khi “lướt” trên các nhạc cụ truyền thống rất cuốn hút, như đưa người nghe vào không gian của lễ hội mê đắm lòng người với thanh âm của núi rừng, sông suối, của những thác nước chảy réo rắt, của những tiếng chim hót rộn ràng.
Trong Ngày hội Văn hóa vừa qua, sau màn trình diễn ấn tượng về chế tác và biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Gié- Triêng, trong ngà ngà men say của rượu cần, già Brôl Vẻ cho biết, dù đã cao tuổi (năm nay ông gần 80 tuổi) nhưng chỉ cần được biểu diễn, quảng bá nghệ thuật truyền thống của dân tộc thì ông rất vui, không thấy mệt nữa.
Ông Brôl Vẻ luôn tâm niệm rằng, văn hóa truyền thống của dân tộc luôn là gốc rễ cần được giữ gìn và phát huy. Vì vậy, ngay khi được chọn tham gia Ngày hội Văn hóa, ông luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vận động các nghệ nhân trong làng cùng tập luyện và tham gia. Qua đó, quảng bá với bạn bè và du khách 5 tỉnh Tây Nguyên về nét văn hóa truyền thống của Kon Tum, cũng như của dân tộc Gié- Triêng tại xã Đăk Dục.
“Bây giờ trong lớp trẻ thường ít người biết và quan tâm tới nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Những người giỏi và thành thạo thì cũng đã già, dần chết đi. Tôi cũng đã cao tuổi nên luôn đau đáu một ước vọng là giữ gìn được những vốn quý của dân tộc cho con cháu. Vì vậy, tôi luôn cố gắng truyền dạy cách chế tạo và chơi các loại nhạc cụ cho lớp trẻ, những ai thật sự có đam mê và tâm huyết, đồng thời cũng luôn nhắc bà con cố gắng chăm lo làm ăn và bảo tồn văn hóa của dân tộc mình”- nghệ nhân ưu tú Brôl Vẻ tâm tình.
Ngoài những “cây đại thụ”, nghệ nhân gạo cội trong nền văn hóa, âm nhạc dân gian, trên địa bàn tỉnh vẫn có rất nhiều bạn trẻ say mê nhạc cụ truyền thống, thầm lặng cống hiến, đánh thức tình yêu âm nhạc dân tộc trong cộng đồng.
Trong không khí rộn ràng mùa lễ hội hàng năm, nhiều người dân Kon Tum quan tâm đến văn hóa dân gian cũng không xa lạ với hình ảnh cô giáo trẻ Y Huyền (22 tuổi) ở phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) say mê diễn tấu nhạc cụ trên sân khấu. Bên cạnh đó, cô Y Huyền còn mở lớp tại nhà và nhiệt huyết truyền dạy đánh đàn t’rưng cho các em nhỏ trong thôn. Những thanh âm mộc mạc, dung dị của tiếng đàn t’rưng từ lớp học nhỏ của cô Y Huyền vang lên nhè nhẹ, hòa cùng tiếng suối, tiếng gió của mùa Xuân đang về làm say đắm lòng người.
Cô Y Huyền cho biết, cô đam mê và biết chơi nhạc cụ truyền thống từ nhỏ. Khi lớn lên, cô chọn theo học đàn t’rưng với mong muốn được truyền cảm hứng cho những người trẻ như mình, đồng thời để được thỏa mãn đam mê trên sân khấu. Theo cô, du khách khi đến với buôn làng Kon Tum cũng rất thích thú với tiếng đàn t’rưng và các loại nhạc cụ truyền thống khác. Vì vậy, cô càng có thêm động lực để nỗ lực tập luyện và truyền dạy đánh đàn t’rưng cho mọi người, như là một cách để góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống và góp phần phát triển du lịch cho quê nhà.
Nhạc cụ truyền thống của cộng đồng các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh rất đa dạng, sử dụng nguyên liệu chủ yếu từ tre, nứa, lồ ô, được chế tác thủ công bởi bàn tay khéo léo và khả năng thẩm âm sắc sảo của các nghệ nhân. Trong đó được chia thành ba loại là nhạc cụ dây, nhạc cụ hơi và nhạc cụ tự thân vang, trong đó phổ biến một số loại như: Đàn t’rưng, klong put, đing tut, sáo, ting ning, b’rưng, kơni, chiêng tre, trống.
Trong kho tàng âm nhạc dân gian, các loại nhạc cụ truyền thống mang sức sống tiềm tàng, khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong “dàn giao hưởng âm thanh” của đại ngàn. Với tình yêu âm nhạc, nhiều nghệ nhân trên địa bàn tỉnh đã dành tâm huyết truyền dạy, quảng bá, miệt mài níu giữ và bảo tồn những tinh hoa của dân tộc mình.
Một mùa Xuân nữa lại về trên quê hương Kon Tum. Trên khắp các thôn làng lại rộn ràng những thanh âm réo rắt của những nhạc cụ truyền thống quen thuộc được tấu lên. Qua đôi tay tài hoa của các “nghệ sĩ núi rừng”, những thanh âm từ tre nứa được gìn giữ như “báu vật” lại được vang lên, những âm thanh tuy mộc mạc, giản dị mà sâu lắng, nói lên ước vọng của bà con về một cuộc sống hạnh phúc, chan hòa với thiên nhiên./.
Phạm Thanh