Tạo động lực cho du lịch phát triển
Bám sát tinh thần Nghị quyết số 12 - NQ/TU ngày 18/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh ta tiếp tục hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách nhằm kích cầu, tạo đà cho nền du lịch tăng trưởng và phát triển bền vững.
Theo đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc quy hoạch, xây dựng khu, điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; tổ chức khảo sát, thống kê và đánh giá hiện trạng toàn bộ các khu, điểm du lịch trên địa bàn các huyện, thành phố.
Bên cạnh 13 điểm, khu du lịch cấp tỉnh đã được công nhận, đối với các khu, điểm du lịch tiềm năng khác, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, từng bước huy động nguồn lực đầu tư hiệu quả như: Điểm du lịch Rừng đặc dụng Đăk Uy; Điểm du lịch lòng hồ Yaly; Điểm du lịch lòng hồ Plei Krông; Điểm du lịch suối nước nóng Đăk Tô và một số điểm khác tại thành phố Kon Tum, Khu du lịch sinh thái Măng Đen, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách du lịch đến địa bàn tỉnh đạt trên 1,56 triệu lượt người với tổng doanh thu đạt 427 tỷ đồng. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện cấp phép cho 6 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, cấp 28 thẻ hướng dẫn viên du lịch.
|
Để đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong những tháng cuối năm, tại thời điểm này, nhiều đơn vị, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn đang nỗ lực khắc phục các khó khăn, triển khai nhiều hoạt động nhằm quảng bá, thu hút du khách.
Anh A Phong - Trưởng thôn Kon Trang Long Loi, Tổ trưởng Tổ quản lý du lịch cộng đồng thôn Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) chia sẻ: Thôn có nhiều cảnh đẹp hữu tình, không khí trong lành, nơi đây lại lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào DTTS tại chỗ nên rất thu hút du khách. Hiện tại đang vào mùa hè, khách du lịch đến với thôn chủ yếu là khách trong tỉnh, một số tỉnh lân cận và chủ yếu là du lịch tự túc, gia đình và theo tour dã ngoại thời gian ngắn. Tuy thời gian qua còn gặp một số khó khăn về cơ sở vật chất phục vụ du lịch chưa đồng bộ, đường sá có nơi chưa thuận lợi, nhưng chúng tôi luôn quan tâm giữ gìn những giá trị thiên nhiên, văn hóa đặc sắc để phát triển du lịch. Theo đó, địa phương vận động người dân tích cực học hỏi các kiến thức làm du lịch, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn minh để tạo ấn tượng với du khách khi đến nơi đây.
Bà Võ Thị Bích Thảo- Phó Giám đốc Công ty du lịch quốc tế Hải Vân Kon Tum cho biết: Song song với việc xây dựng tour, tuyến, dẫn đoàn khách tham quan các địa điểm du lịch trong tỉnh, chúng tôi quan tâm nắm bắt nhu cầu ăn uống, mua sắm, trải nghiệm của du khách và tiến hành liên kết với một số khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú để phục vụ khách hiệu quả, đến tham quan và lưu trú dài ngày hơn.
“Bên cạnh những thuận lợi thì trong hoạt động lữ hành chúng tôi vẫn gặp một số khó khăn cần các ngành, địa phương hỗ trợ thêm như: Quá trình đưa khách tham quan Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và xuất cảnh sang Lào còn gặp khó khăn về thủ tục hành chính; một số điểm du lịch tại Khu du lịch Măng Đen có cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách vào dịp cao điểm”- bà Thảo cho biết thêm.
Theo bà Bạch Thị Mân- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), thời gian qua, khắc phục một số khó khăn về cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực du lịch, tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; đẩy mạnh kết nối các tour, thu hút khách du lịch tập trung vào thị trường nội địa, từng bước đẩy mạnh khai thác các thị trường khách quốc tế trong khu vực ASEAN và châu Âu, châu Úc, Đông Bắc Á, châu Mỹ; phát huy sự chủ động, sáng tạo của các cơ sở du lịch, công ty lữ hành, xây dựng những gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn về giá, chất lượng, đa dạng về loại hình, đảm bảo uy tín để tạo thương hiệu, thu hút khách hiệu quả.
|
Tại các sự kiện quan trọng trong và ngoài tỉnh, ngành Du lịch tích cực giới thiệu, quảng bá tiềm năng, sản phẩm du lịch, văn hoá đặc sắc của tỉnh, thu hút du khách tham quan và trải nghiệm. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến quảng bá du lịch được đa dạng hóa, các ấn phẩm du lịch đa dạng, phong phú, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, nâng cao hình ảnh du lịch tỉnh nhà.
Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại có trên 2,55 triệu lượt khách truy cập trang thông tin điện tử du lịch tỉnh, hơn 95.000 lượt khách truy cập các trang mạng xã hội ngành Du lịch quản lý. Bên cạnh đó, đã liên kết website du lịch tỉnh với 20 tỉnh thành trong cả nước, cài đặt dịch vụ quảng cáo website; đẩy mạnh tuyên truyền qua ấn phẩm du lịch đa dạng về nội dung, hình thức với gần 17.000 bản ấn phẩm in các loại.
Thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục bám sát tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TU để tạo động lực, thúc đẩy du lịch trên địa bàn phát triển. Trong đó chú trọng phát triển hạ tầng trạm thông tin, internet băng thông rộng, nhất là tại các khu vực phát triển du lịch trọng điểm như: Vùng du lịch sinh thái Măng Đen (huyện Kon Plông), Vườn quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy) và các khu, điểm du lịch định hướng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại các huyện, thành phố.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, dịch vụ, xây dựng môi trường du lịch bền vững, thân thiện; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm soát công tác phát triển du lịch, xử lý nghiêm các hình vi vi phạm; tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề đề kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững trên địa bàn.
Hoàng Thanh