Sắc màu thổ cẩm trước thềm xuân
Mùa Xuân này, đồng bào dân tộc Ba Na có thêm niềm vui khi nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Ba Na đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây chính là động lực lớn để đồng bào Ba Na nỗ lực hơn trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát triển nghề dệt, nâng tầm giá trị văn hóa của dân tộc.
Độc đáo “sắc màu thổ cẩm”
Nằm bên dòng Đăk Bla thơ mộng, trải qua nhiều thăng trầm, đổi thay trong cuộc sống, đồng bào dân tộc Ba Na ở làng Kon Jơ Dri (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) vẫn luôn có ý thức gìn giữ, trao truyền những bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình cho các thế hệ kế tiếp như một niềm tự hào về những nét văn hóa độc đáo mà cha ông để lại; trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống độc đáo của dân tộc Ba Na.
Trong cái nắng hanh vàng của mùa khô Tây Nguyên, dưới mái hiên nhà, các bà, các chị thường miệt mài đan từng sợi chỉ, dệt nên những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Người già vẫn cần mẫn chỉ dạy cho lớp trẻ từ cách sắp chỉ, đưa thoi đến cách phối màu sao cho hài hòa, đẹp mắt.
|
Bà Y Maih (làng Kon Jơ Dri) cho biết: Không rõ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Ba Na có từ khi nào, mà mình chỉ biết rằng, cùng với sự trưởng thành của bản thân, mỗi cô gái dân tộc Ba Na không thể không biết đến xe tơ, dệt vải, may trang phục truyền thống cho mình và những người thân yêu trong gia đình... Việc dệt vải là một trong những “thước đo” cho sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ dân tộc Ba Na.
Từ những sợi chỉ, qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ đồng bào DTTS đã tạo ra được những tấm thổ cẩm với những đường nét, hoa văn độc đáo, thể hiện bản sắc văn hóa và cả sự khác biệt của mỗi DTTS tại chỗ ở Tây Nguyên.
Mỗi tấm thổ cẩm đều mang một câu chuyện, đó có thể là câu chuyện tình yêu đôi lứa, sự tích lập làng, nhưng ở đó cũng có thể gửi gắm ước mơ, khát vọng của con người đến thần linh về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Vì thế, mỗi vuông thổ cẩm được ví như một tác phẩm nghệ thuật giàu hình tượng, biểu trưng cho “hồn cốt dân tộc”.
Chúng tôi ngồi nghe bà Y Maih say sưa nói về sản phẩm thổ cẩm và nghề dệt thổ cẩm tưởng không bao giờ dứt. Tôi chợt nhận ra, những gì mình hiểu về thổ cẩm, về văn hóa Tây Nguyên thật là nhỏ nhoi.
Theo bà Y Maih, trong dệt thổ cẩm, kỹ thuật tạo hoa văn là công đoạn khó, thể hiện kỹ năng, trình độ của người dệt. Họa tiết hoa văn được tạo ra từ khi đan sợi, sắp xếp sợi chỉ; rất đa dạng như chim muông, cây cối, lao động sản xuất. Tuy nhiên, dù hoa văn nào thì tất cả họa tiết đều phải tuân theo quy luật đối xứng. Đó cũng là triết lý sống tuân theo quy luật hài hòa trong vũ trụ của đồng bào Ba Na.
Bà Y Blanh (làng Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Mỗi màu sắc thổ cẩm có “tiếng nói riêng”, biểu trưng cho một yếu tố thiên nhiên hoặc khát vọng của con người. Nếu như màu đen tượng trưng cho đất đai trù phú thì màu xanh lại thể hiện cho sự xanh tươi của cỏ cây, sông nước và khát vọng về một cuộc sống thanh bình, còn màu đỏ rực rỡ thể hiện cho lòng dũng cảm, sức mạnh siêu nhiên.
Sản phẩm từ thổ cẩm rất phong phú, phụ nữ thì thường là váy- áo, đàn ông thì áo- khố, ngoài ra còn có khăn, tấm choàng để địu con.
Gìn giữ và nâng tầm “tinh hoa thổ cẩm”
Nếu như trước kia, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Ba Na chỉ phát triển tự phát trong các gia đình, bây giờ, nhiều địa phương đã thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã dệt thổ cẩm. Đây chính là bước ngoặt để nghề dệt thổ cẩm phát triển theo hướng bền vững.
Điển hình như Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đăk Rơ Wa với 36 thành viên. Sau 4 năm hoạt động, các chị em trong Tổ hợp tác đã dệt được trên 3.000 mét thổ cẩm, các sản phẩm thổ cẩm chủ yếu là tấm trải bàn, trang phục truyền thống, khăn choàng cổ nhằm phục vụ nhu cầu của khách du lịch khi đến tham quan, trải nghiệm tại các làng du lịch cộng đồng Kon K’tu, Kon Jơ Dri (xã Đăk Rơ Wa).
Điều đáng mừng là không chỉ gìn giữ phương thức dệt mà hiện nay, nhiều gia đình đang tìm về, khơi lại cách thức để tạo ra sợi chỉ dệt tự nhiên.
|
Bà Y Nheoh (làng Kon K’tu, xã Đăk Rơ Wa) chia sẻ: Bây giờ việc trồng bông, xe sợi không còn phổ biến, nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực để duy trì cách làm này để tạo ra những sản phẩm thổ cẩm thủ công truyền thống “đúng chất”. Theo đó, vào mùa khô, các chị em sẽ lên rẫy thu hoạch những quả bông đã chín, phơi khô, loại bỏ tạp chất, rồi sau tiến hành bật bông, kéo sợi. Khi có được sợi dệt, mới tiến hành nhuộm màu. Để tạo ra màu sắc, mọi người sử dụng những loại lá, củ trong rừng, trong vườn nhà để nhuộm sợi bằng phương pháp truyền thống nhằm cho ra các sợi chỉ với đủ loại màu sắc, rồi sau đó mới dệt.
Tuy phải trải qua nhiều công đoạn và tốn nhiều thời gian, nhưng những tấm thổ cẩm được làm ra từ nguyên liệu tự nhiên đẹp, mềm, nhẹ so với sợi dệt công nghiệp. Vì thế, giá bán của loại thổ cẩm này thường khá cao, song vẫn được nhiều khách du lịch ưa chuộng và chọn mua làm quà lưu niệm. Đây chính là cơ hội, điều kiện để đồng bào dân tộc Ba Na khơi dậy, bảo tồn, phát huy lối làm thổ cẩm người xưa để lại.
Cùng với đó, theo dòng chảy lịch sử, thổ cẩm không còn bị bó buộc trong phạm vi của một cộng đồng người hay một dân tộc. Thổ cẩm làm ra không chỉ dùng may quần áo để mặc trong các buổi sum họp, lễ hội của làng hay làm chăn, địu trong đời sống hàng ngày mà là chất liệu, nguồn cảm hứng sáng tạo ở lĩnh vực thời trang, quà tặng. Bằng tình yêu với thổ cẩm, khát vọng lan tỏa văn hóa của đồng bào các DTTS, thời gian qua nhiều nghệ nhân nỗ lực tìm tòi, khéo léo cắt may tạo ra những trang phục cưới, váy dạ hội, túi xách thời trang hiện đại, độc đáo. Từ đó, sản phẩm dệt gần hơn, phổ biến hơn trong đời sống.
Những người làm nghề cũng “bắt nhịp” xu thế mới, không ngừng làm mới những vuông thổ cẩm. Theo đó, bên cạnh những hoa văn mang tính truyền thống, các sản phẩm dệt của đồng bào dân tộc Ba Na hiện nay còn được sáng tạo thêm những hoa văn mới, màu sắc lạ, hình tượng sống động hơn. Vì vậy, nó vừa đảm bảo giá trị truyền thống, vừa phù hợp với thị hiếu khách hàng hiện nay.
Mấy năm gần đây, lĩnh vực du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh có những khởi sắc, một số làng như Kon Klor (phường Thắng Lợi), làng Kon Jơ Dri, Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa) luôn thu hút được nhiều du khách. Đây là điều kiện, cơ hội để người dân tại các thôn, làng khai thác, bảo tồn, quảng bá và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, trong đó có nghề dệt thổ cẩm để phục vụ du lịch, góp phần tăng thu nhập cho người dân, từ đó tạo động lực để người dân gìn giữ, gắn bó với nghề.
Xuân về, những thôn làng lại rộn ràng, náo nức đón các đoàn khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa, đời sống của đồng bào DTTS. Bên khung dệt, những người phụ nữ đồng bào dân tộc Ba Na lại say sưa “dệt sắc màu của mùa Xuân”./.
Thiên Hương