Sa Thầy: Chuẩn bị tốt các điều kiện cho Giải dù lượn tỉnh (mở rộng)
Giải dù lượn tỉnh Kon Tum (mở rộng) mang chủ đề “Khám phá đại ngàn- Sa Thầy 2024” do UBND huyện Sa Thầy phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức trong 4 ngày (từ ngày 21-24/3), tại dãy núi Chư Tan Kra (xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy). Để góp phần đem đến sự thành công cho Giải dù lượn này theo đúng kế hoạch đề ra, hiện nay, huyện Sa Thầy đang gấp rút triển khai mọi công tác chuẩn bị với tinh thần khẩn trương.
|
Huyện Sa Thầy là địa phương có điều kiện thuận lợi và lý tưởng để tổ chức hoạt động bay dù lượn, môn thể thao mạo hiểm đầy hấp dẫn đối với người thích cảm giác mạnh. Tiếp nối thành công từ Chương trình trình diễn dù lượn năm 2022 do huyện Sa Thầy tổ chức và Giải dù lượn Kon Tum mở rộng năm 2023; năm 2024, UBND huyện Sa Thầy tiếp tục phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức Giải dù lượn quy mô cấp tỉnh (mở rộng) tại dãy núi Chư Tan Kra (xã Sa Sơn) với sự tham gia của các vận động viên, phi công trong nước và quốc tế.
Là đơn vị đảm nhiệm công tác tham mưu UBND huyện Sa Thầy đăng cai tổ chức Giải dù lượn tỉnh Kon Tum (mở rộng) năm 2024, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sa Thầy đã và đang phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai công tác chuẩn bị theo nhiệm vụ được giao.
Ông Trần Văn Tiên- Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sa Thầy cho biết, Giải dù lượn tỉnh Kon Tum (mở rộng) “Khám phá đại ngàn- Sa Thầy 2024” được tổ chức theo Đề án tổ chức khai thác bay dù lượn gắn với phát triển du lịch tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1239/QĐ-UBND tỉnh ngày 27/12/2021; đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Tuần văn hóa- Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 5- năm 2024 và hướng tới kỷ niệm 56 năm Ngày hy sinh của các anh hùng liệt sĩ tại Điểm cao 995- Chư Tan Kra (26/3/1968-26/3/2024).
Đến thời điểm này, huyện Sa Thầy đã thành lập Ban tổ chức Giải dù lượn Kon Tum (mở rộng) “Khám phá đạt ngàn- Sa Thầy 2024” và 3 Tiểu ban, gồm Nội dung, An ninh- Chăm sóc sức khỏe và Vật chất- Lễ tân với nhân sự hơn 90 người, trong đó, có 50 tình nguyện viên. Các văn bản liên quan nhằm đảm bảo công tác tổ chức giải đấu theo đúng kế hoạch và quy định pháp luật cơ bản được xây dựng và ban hành.
Một số nội dung khác, như thực hiện các thủ tục pháp lý về cấp phép tọa độ bay dù lượn, cung cấp điện và dọn dẹp vệ sinh khu vực tổ chức giải đấu, san gạt 1 bãi cất cánh tại đỉnh núi Chư Tan Kra và 3 bãi hạ cánh (1 bãi hạ khẩn cấp gần bãi cất cánh, 2 bãi hạ cánh tại sân trước Đài tưởng niệm Khu di tích lịch sử Điểm cao 995-Chư Tan Kra), chuẩn bị nơi ở và các phương tiện đi lại, thông tin tuyên truyền và cổ động trực quan về giải đấu, xây dựng nội dung cho các chương trình Lễ khai mạc, Lễ bế mạc và đêm Gala giao lưu văn hóa…, đang được Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sa Thầy và các đơn vị liên quan gấp rút hoàn thiện.
|
“Năm nay là lần thứ 2 huyện Sa Thầy tổ chức Giải dù lượn với quy mô cấp tỉnh. Giải đấu có 2 nội dung tranh tài đó là thi bay đường trường XC, kiểu bay với mục tiêu của phi công là bay càng xa càng tốt và thi bay dù đơn, hạ cánh chính xác. Dự kiến giải đấu có hơn 100 phi công đăng ký tham gia. Các phi công là những người có trình độ, kinh nghiệm, đang sinh hoạt, tập luyện tại các Câu lạc bộ dù lượn trong và ngoài nước. Giải dù lượn là dịp để các phi công gặp gỡ, rèn luyện và nâng cao trình độ bay dù lượn; đồng thời, góp phần xây dựng hình ảnh, điểm đến hấp dẫn, thu hút những người yêu thích du lịch thể thao mạo hiểm đến địa phương”- ông Tiên chia sẻ.
Bên cạnh tổ chức các nội dung thi bay cho các phi công, giải dù lượn năm nay do huyện Sa Thầy tổ chức nay còn trình diễn bay dù lượn thả khói, kéo cờ Tổ quốc sau Lễ khai mạc và tổ chức dịch vụ bay trải nghiệm cho du khách và người dân địa phương trong những ngày diễn giải đấu.
Để tổ chức giải dù lượn, UBND huyện Sa Thầy tiến hành huy động kinh phí từ nguồn đóng góp của xã hội. UBND huyện cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác thông tin về giải đấu để người dân địa phương và người dân các nơi được biết, đến xem, cổ vũ, đăng ký trải nghiệm bay dù lượn. Đồng thời, triển khai các hoạt động rà soát, kiểm tra, hỗ trợ nhằm góp phần cho sự thành công của Giải dù lượn tỉnh Kon Tum (mở rộng) như công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thành lập Tổ cứu nạn, cứu hộ; hướng dẫn các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở thị trấn Sa Thầy chuẩn bị tốt các điều kiện, ứng xử văn minh, đáp ứng tốt nhu cầu ăn, nghỉ của du khách và các thành viên, phi công tham gia giải đấu.
UBND huyện giao UBND xã Ya Xiêr- nơi diễn ra giải đấu, phối hợp tốt với các đơn vị chuẩn bị bãi cất- hạ cánh, đảm bảo vệ sinh môi trường ở các thôn, làng, chuẩn bị gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương tại khu vực tổ chức giải đấu.
“Đến nay, Ban tổ chức Giải dù lượn tỉnh Kon Tum (mở rộng) “Khám phá đại ngàn- Sa Thầy 2024” do UBND huyện Sa Thầy thành lập đã triển khai họp 3 lần. Các đơn vị, địa phương là thành viên trong Ban tổ chức đang tiếp tục phối hợp, triển khai các nội dung theo nhiệm vụ để khâu chuẩn bị được chu đáo. Qua đó, đóng góp vào thành công của giải, để lại ấn tượng đẹp, góp phần quảng bá, phát triển du lịch thể thao mạo hiểm cho địa phương”- ông Tiên cho biết thêm.
Đức Thành