Quan tâm bảo tồn nhà rông truyền thống của đồng bào DTTS
Những năm qua, tỉnh ta quan tâm hỗ trợ người dân khôi phục, gìn giữ nhà rông truyền thống và đem lại những kết quả tích cực, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ.
Để triển khai việc khôi phục và giữ gìn nhà rông truyền thống của đồng bào DTTS có hiệu quả, các ban ngành, địa phương của tỉnh tích cực tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của nhà rông trong đời sống, tín ngưỡng của đồng bào DTTS tại chỗ. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo cán bộ xuống cơ sở để nắm tình hình sử dụng, quản lý nhà rông của từng thôn làng; kiểm tra, rà soát các hạng mục hư hỏng, xuống cấp để kịp thời có phương án hỗ trợ bà con duy tu, sửa chữa.
Qua tìm hiểu thực tế của chúng tôi, thời gian qua, huyện Kon Rẫy làm tốt công tác tuyên truyền vận động, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, huy động người dân chung tay giữ gìn, tu sửa nhà rông truyền thống, đáp ứng các tiêu chí về văn hóa trong phát triển kinh tế- xã hội. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, người dân đóng góp kinh phí, ngày công để tu sửa các hạng mục của nhà rông bị hư hỏng, mua sắm vật dụng, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng.
|
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện Kon Rẫy có 7 thôn, làng tiến hành sửa chữa nhà rông bằng những vật liệu truyền thống như tre, nứa, tranh, mây.
Già làng A Heng ở thôn 4, xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy) cho biết: Nhận thấy nhà rông của thôn bị dột nát, hư hỏng nhiều, Ban nhân dân thôn 4 tiến hành họp dân để bàn bạc và thống nhất kế hoạch tiến hành sửa chữa nhà rông. Sau thời gian triển khai sửa chữa, đến nay hoàn thành sửa chữa và đưa vào sử dụng, phục vụ họp hành, sinh hoạt của nhân dân trong thôn.
“Được sự hỗ trợ kinh phí của xã Tân Lập, chúng tôi huy động bà con nhân dân trong thôn góp ngày công, tìm nguyên vật liệu, trích quỹ mua một số vật dụng cần thiết để sửa chữa nhà rông. Bà con ai cũng hiểu giá trị của nhà rông nên rất đồng tình ủng hộ, tham gia đầy đủ, đặc biệt là thanh niên trong làng”- già làng A Heng thông tin thêm.
Thời gian qua, huyện Đăk Glei cũng là một trong những địa phương chú trọng lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư sửa chữa, xây dựng nhà rông, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Đến nay, toàn huyện có 100% thôn, làng có nhà rông, được làm phần lớn bằng các nguyên vật liệu truyền thống.
|
Trong năm 2023, nhà rông của thôn Đăk Ra, thị trấn Đăk Glei được đầu tư làm mới với chiều dài 12m, cao 8m, rộng 7m với quy mô hơn 700m2. Để xây dựng nhà rông, ngoài kinh phí Nhà nước đầu tư, người dân trong thôn đóng góp trên 700 ngày công và đóng góp kinh phí để mua một số vật dụng cần thiết. Có nhà rông bà con ra sức gìn giữ, bảo quản để được sử dụng lâu dài.
Ông A Lương- Trưởng thôn Đăk Ra cho biết: Y thức được rằng các nguyên liệu truyền thống, cây gỗ trong rừng ngày càng khan hiếm nên người dân trong thôn cố gắng giữ gìn, bảo quản cẩn thận để nhà rông được sử dụng lâu dài hơn. Nhà rông mới được xây dựng trên nền đất cũ, một số nguyên liệu của nhà rông cũ còn sử dụng đều được tận dụng. Trước khi triển khai, chính quyền địa phương tổ chức họp và lấy ý kiến của người dân để phân chia nhiệm vụ cụ thể.
Toàn tỉnh hiện có 479/503 thôn, làng đồng bào DTTS có nhà rông, trong đó có 221 nhà rông truyền thống, tỷ lệ thôn làng duy trì sử dụng nhà rông đạt trên 90%.
Nhà rông truyền thống không chỉ mang ý nghĩa giúp lưu giữ văn hóa bản địa mà còn là địa điểm tham quan, du lịch thu hút du khách gần xa. Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương thực hiện tốt công tác bảo tồn, gìn giữ thì thực tế vẫn còn số ít những thôn làng vùng DTTS vẫn chưa phát huy được hiệu quả của không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại nhà rông, chưa quan tâm gìn giữ nguyên vẹn các giá trị của nhà rông truyền thống. Điều này gây nhiều thách thức đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể nói chung, giá trị của nhà rông truyền thống nói riêng.
Ông Phan Văn Hoàng- Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL khẳng định: Hàng năm, Sở tham mưu, hỗ trợ, phối hợp cùng các địa phương xây dựng kế hoạch, lồng ghép nguồn lực từ các chương trình MTQG để hỗ trợ các thôn làng vùng DTTS sửa chữa, xây mới nhà rông truyền thống. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa của nhà rông và các loại hình văn hóa liên quan đến nhà rông; hạn chế việc bê tông hóa nhà rông, nghiên cứu các phương án tạo nguồn vật liệu tự nhiên, vật liệu thay thế để đảm bảo hài hòa giữa hiện đại và truyền thống. Những giải pháp hữu hiệu trên đang được các cấp, ngành triển khai quyết liệt nhằm đạt mục tiêu có 100% thôn, làng đồng bào DTTS có nhà rông trong giai đoạn 2021- 2025.
Hoàng Thanh