Phường Thắng Lợi: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) có ba thôn, làng đồng bào DTTS với tổng số 764 hộ dân, trong đó có 561 hộ người DTTS, chủ yếu là người Ba Na với 2.541 nhân khẩu. Nơi đây không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các DTTS mà còn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh.
|
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền địa phương luôn xác định bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là một nhiệm vụ quan trọng, gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dưới sự lãnh đạo của đảng ủy, các cấp chính quyền cùng sự nỗ lực của nhân dân trong phường đã tích cực triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy các nghề truyền thống, gìn giữ, phát huy các thiết chế văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng.
Đặc biệt, phường hiện có 3 cửa hàng trưng bày, giới thiệu và mua bán sản phẩm thổ cẩm và 3 cửa hàng trưng bày rượu cần tại khu vực đường Bắc Kạn (thôn Kon Tum Kơ Pơng và thôn Kon Klor). Đây không chỉ là nơi góp phần bảo tồn giá trị truyền thống mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế gắn với du lịch cộng đồng.
Nổi bật trong công tác bảo tồn nghề truyền thống là hoạt động của Tổ hợp tác Thắng Lợi (với 28 thành viên) chuyên sản xuất các sản phẩm dệt thổ cẩm, rượu cần, rượu chòi mòi… tại nhà rông văn hóa Kon Klor và Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Tây Nguyên (với 18 thành viên) tại đường Bắc Kạn. Tại đây, các nghệ nhân không chỉ sản xuất mà còn truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát triển bền vững nghề thủ công truyền thống.
Bên cạnh đó, cồng chiêng và múa xoang là “linh hồn” trong đời sống tinh thần của đồng bào Ba Na tại phường Thắng Lợi. Hiện, phường có 4 đội cồng chiêng - múa xoang chính thức, trong đó có 1 đội thanh thiếu niên. Mỗi thôn đều duy trì đội cồng chiêng thiếu nhi, thường xuyên luyện tập, biểu diễn trong các lễ hội truyền thống, sự kiện văn hóa, du lịch.
Đáng chú ý, đội cồng chiêng - múa xoang học sinh của phường vừa đạt giải A toàn đoàn tại Liên hoan Cồng chiêng, múa xoang và thi trang phục thổ cẩm học sinh DTTS lần thứ VII năm 2025 (do Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum tổ chức) đã cho thấy hiệu quả trong công tác truyền dạy và phát huy di sản.
Nhận thức sâu sắc vai trò của văn hóa dân tộc, Đảng bộ và chính quyền phường luôn quan tâm đầu tư, hỗ trợ duy trì hoạt động cồng chiêng. Năm 2022, từ nguồn xã hội hóa, phường đã trang bị thêm một bộ cồng chiêng trị giá 55 triệu đồng, nâng tổng số bộ cồng chiêng hiện có trên địa bàn phường lên 4 bộ, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tiếp cận, kế thừa và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống.
Trên địa bàn phường còn có nhiều nghệ nhân tiêu biểu, tâm huyết như Y Blưn (Kon Tum Kơ Pơng), A Phẻh, Y Hanh, Y Thoai, Kaly Tran (Kon Klor). Họ không chỉ biết gìn giữ văn hóa, ngành nghề truyền thống của dân tộc mà còn truyền dạy kỹ năng cho lớp trẻ về các làn điệu dân ca, âm nhạc truyền thống, cồng chiêng, múa xoang, đan lát, dệt thổ cẩm, làm rượu cần.
Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn văn hóa phi vật thể, mới đây nhất, Đảng ủy, UBND phường đã đồng hành cùng người dân tại hai thôn Kon Tum Kơ Pơng và Kon Rơ Wang sửa chữa lại nhà rông truyền thống. Đây không chỉ là nơi tổ chức lễ hội truyền thống, hội họp của bà con dân làng mà còn là nơi giao lưu văn hóa, địa điểm tham quan của du khách.
Cụ thể, việc sửa chữa nhà rông Kon Tum Kơ Pơng đã huy động hơn 30 triệu đồng tiền mặt, 1.800 tấm tranh đan và 500 ngày công từ bà con, doanh nghiệp và các đơn vị trường học. Đối với nhà rông Kon Rơ Wang cũng được tu bổ với kinh phí 40 triệu đồng và hàng trăm ngày công lao động. Những con số đó không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, mà còn phản ánh hiệu quả vai trò “kích hoạt” từ cấp ủy đảng, chính quyền trong phát huy nội lực.
Song song với bảo tồn các thiết chế văn hóa, phường Thắng Lợi từng bước gắn văn hóa truyền thống với phát triển du lịch cộng đồng. Các lễ hội như lễ bổn mạng, lễ cưới truyền thống, mừng nhà rông mới được tổ chức bài bản, tạo sức hút cho du khách. Nhiều gian hàng thổ cẩm, rượu cần được bố trí dọc tuyến Bắc Kạn, kết hợp với các tour trải nghiệm dệt vải, nghe cồng chiêng, tham quan nhà rông mang đến cho du khách cơ hội hòa mình vào văn hóa Ba Na.
|
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Lưu Văn Sanh cho biết: Đảng bộ, chính quyền địa phương luôn ghi nhận, tôn vinh và tạo điều kiện để các nghệ nhân, tổ hợp tác, đội văn nghệ phát huy vai trò, trở thành cầu nối giữa truyền thống và hiện đại trong hành trình gìn giữ văn hóa dân tộc. Đồng thời, phát huy hiệu quả các nguồn lực tại chỗ, chung tay gìn giữ, bảo tồn các thiết chế văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn phường, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố và của tỉnh.
Nguyễn Ban