Phụ nữ Ja Rai giữ gìn nghề dệt truyền thống
Trước đây chị em dệt ra chủ yếu chỉ để dùng, nhu cầu lại ít nên dần dà không mấy mặn mà. Để giữ được nét truyền thống của dân tộc không bị mai một và giúp bà con có thêm thu nhập, năm 2006, tôi đã thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm Hoa Pơ Lang.
|
Để góp phần giữ gìn nghề dệt truyền thống của dân tộc Ja Rai, năm 2006, bà Y Byưt (55 tuổi) ở làng Kà Đừ, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy đã thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm Hoa Pơ Lang. Sau 8 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã vừa giúp chị em có thêm thu nhập lúc nhàn rỗi vừa góp phần giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc.
Bà Y Byưt – Chủ nhiệm hợp tác xã dệt thổ cẩm Hoa Pơ Lang cho biết: Những người phụ nữ Ja Rai chúng tôi, khi có thời gian rảnh rỗi là ngồi dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, trước đây chị em dệt ra chủ yếu chỉ để dùng, nhu cầu lại ít nên dần dà không mấy mặn mà. Để giữ được nét truyền thống của dân tộc không bị mai một và giúp bà con có thêm thu nhập, năm 2006, tôi đã thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm Hoa Pơ Lang. Tôi đã dùng số tiền 20 triệu đồng tích góp được sau nhiều năm đầu tư mua dụng cụ và sửa sang cơ sở; mỗi thành viên tham gia Hợp tác xã đóng góp 100 ngàn đồng để làm quỹ. Từ khi thành lập cho tới nay, Hợp tác xã vẫn duy trì 20 thành viên, nhưng với tôi, bà con trong thôn đều là thành viên. Bà con ai dệt xong tấm thổ cẩm nào đem đến tôi đều mua để họ có niềm tin và tình yêu với nghề dệt truyền thống. Những đường nét người phụ nữ Ja Rai thêu trên mảnh vải luôn thắm đượm tình yêu lao động, yêu quê hương, đất nước như: hình ảnh đi làm nương rẫy, uống rượu cần, lễ hội đâm trâu, đi chơi tết…
Các tấm thổ cẩm do bà con làng Kà Đừ dệt ra được bà Y Byưt thu mua rồi bán cho bà con người Ja Rai ở huyện Sa Thầy; bán cho các cửa hàng ở thành phố Kon Tum và tỉnh Gia Lai. Xuất phát từ nhu cầu của bà con, năm 2012, bà Y Byưt đã mở thêm cửa hàng bán thổ cẩm ở xã Ya Xiêr để phục vụ khách hàng. “Với các thành viên trong Hợp tác xã, tôi luôn vận động bà con cố gắng làm theo các mẫu được khách đặt hàng. Những thành viên trong hợp tác xã mỗi tháng thường dệt được 2 tấm thổ cẩm, thu nhập bình quân từ 1 triệu - 1, 7 triệu đồng. Còn bà con trong làng, thường dệt lúc rảnh nên 1 tháng chỉ dệt được 1 tấm, bán được từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Hợp tác xã Hoa Pơ Lang bình quân 1 tuần xuất bán các sản phẩm thổ cẩm 1 lần, thu về được 15 đến 20 triệu đồng” –bà Y Byưt cho biết.
Bà con trong Hợp tác xã dệt thủ công nên sản phẩm rất tốt và bền nên thường đắt hơn 50% so với sản phẩm thổ cẩm dệt bằng máy. Theo bà Y Byưt sản phẩm thổ cẩm dệt bằng máy kém chất lượng, chỉ dùng vài lần đã có hiện tượng vải xơ, bạc màu; trong khi đó, các sản phẩm thổ cẩm được dệt thủ công của những người phụ nữ Ja Rai dùng đến lúc sờn, đường thêu và hỏng vải nhưng những đường nét hoa văn vẫn gần như còn nguyên.
Chị Y Thoát (30 tuổi) - thành viên trong Hợp tác xã tâm sự: 9 tuổi, mình đã được dạy cho cách dệt. Phải học mất hơn 1 năm trời mới biết dệt đấy, nhìn vậy chứ để dệt một tấm khăn, bộ váy, áo… khó lắm. Không chỉ riêng có tay nghề cao là đủ, người dệt thổ cẩm phải thật kiên trì, nhẫn nại; quan trọng là có nơi thu mua. Trước đây, mình chủ yếu dệt thổ cẩm để dùng trong gia đình, nhưng từ khi tham gia vào Hợp tác xã, được thu mua nên tranh thủ dệt để có thêm thu nhập. Nhiều lúc con cái đi học chưa có tiền đóng học phí, Hợp tác xã đã tạo điều kiện giúp đỡ được ứng tiền trước.
Những năm gần đây, các cấp, các ngành rất quan tâm đến việc phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào DTTS nói chung và dân tộc Ja Rai nói riêng. Bởi vậy, dù còn nhiều khó khăn nhưng với việc các thành viên Hợp tác xã Hoa Pơ Lang vẫn đều đặn cho ra đời những tấm thổ cẩm mang đậm nét văn hóa của dân tộc Ja Rai không chỉ giúp chị em có thêm thu nhập mà còn giữ gìn được nghề dệt truyền thống của dân tộc.
Tuấn Anh