Phát triển du lịch thể thao
Với lợi thế về tự nhiên, khí hậu, tỉnh ta có nhiều tiềm năng để phát triển mô hình du lịch gắn với các sự kiện, hoạt động thể thao, kết hợp tham quan, trải nghiệm văn hóa, con người của điểm đến (gọi là du lịch thể thao). Đây có thể xem là “mỏ vàng” cho ngành du lịch của tỉnh nhà nếu biết khai thác, tận dụng tốt.
Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tỉnh ta phục hồi, phát triển trở lại ngành du lịch với hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch sôi động, thu hút lượng lớn du khách. Ngoài ý nghĩa về mặt chính trị, kinh tế- xã hội, các sự kiện giúp tỉnh nhà nâng cao “chỉ số uy tín” so với các địa phương khác thông qua việc quảng bá được nhiều nét đặc sắc về văn hóa, con người bản địa, “định vị” được một điểm đến tiềm năng trong lòng du khách thập phương.
Thời gian diễn ra các sự kiện, du khách sẽ có cơ hội được trải nghiệm nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch cộng đồng, tâm linh. Qua đó, hàng loạt thông tin, hình ảnh về các sản phẩm, trải nghiệm tại địa phương “ghi dấu” trong lòng du khách, được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp quá trình quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh thêm hiệu quả hơn.
|
Gần đây, mô hình du lịch thể thao là xu hướng mới mang lại hiệu quả, đáp ứng được hầu hết các yêu cầu trên. Thông qua việc khởi xướng một sự kiện thể thao để thu hút du khách, du lịch thể thao còn kết hợp tổ chức nhiều hoạt động “đính kèm” với đầy đủ loại hình của các sản phẩm du lịch khác. Hiện nay, chất lượng cuộc sống của người dân ngày một nâng lên nên mọi người rất quan tâm đến việc “tăng cường sức khỏe, bồi bổ tinh thần”. Vậy nên, tham gia trải nghiệm một sản phẩm du lịch nào đó nhưng lại có cơ hội được rèn luyện sức khỏe, giao lưu kết nối cùng mọi người thì du khách luôn yêu thích và ưu tiên lựa chọn.
Vừa qua, giải chạy “Khám phá Măng Đen khuyến khích không giày 2024” hội tụ đủ yếu tố của một sản phẩm du lịch thể thao hiện đại. Tuy lần đầu được tổ chức nhưng theo đánh giá của cộng đồng du lịch, giải diễn ra khá thành công và góp phần quảng bá cho du lịch Măng Đen nói riêng, Kon Tum nói chung, trong những ngày đầu năm 2024.
Cuộc thi chạy Marathon chỉ diễn ra trong một buổi, nhưng trước đó, Ban Tổ chức đã tạo ra được nhiều sự kết nối cho các du khách tham gia, thông qua nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc. Xuyên suốt những ngày diễn ra sự kiện, không chỉ thông tin về giải chạy, mà thông tin về những nét đẹp văn hóa, vùng đất, con người, các sản phẩm đặc trưng, OCOP tại Măng Đen được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội và thế là sự kiện lan tỏa đến người dân trong cả nước- hiệu ứng truyền thông du lịch mang lại cho địa phương là rất lớn, góp phần vào phát triển du lịch của địa phương .
Trước khi bước vào cuộc đua chính thức, tại “Không gian văn hóa -Thiên đường Tây Nguyên” (thị trấn Măng Đen) diễn ra đêm giao lưu, kết nối du khách, các vận động viên với nhau.
|
Nhiều hoạt động âm nhạc, văn hóa, văn nghệ, trải nghiệm ẩm thực, các sản phẩm đặc trưng diễn ra ngay trong đêm giao lưu, kết nối này đã tạo ra sức hút lớn với mọi người. Các vận động viên dường như quên đi mục đích ban đầu là đến với Măng Đen để thi chạy Marathon, vô cùng thích thú và ngỡ ngàng trước những trải nghiệm văn hóa đáng nhớ.
Mọi người cũng rất ấn tượng với đại sứ truyền thông của giải là anh Rôbin Sáng- một nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng trên Youtube. Anh hóa trang thành một lãng tử của núi rừng với mái tóc dài, trang phục bụi bặm, vác trên vai vô số hành trang để sinh tồn như ấm, chén, nồi, ly, búa, rìu, chăn, gối. Điều đặc biệt, các vật dụng đó làm bằng chất liệu thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng nhằm kêu gọi mọi người hạn chế sử dụng những vật dụng gây hại môi trường, và truyền cảm hứng yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường.
Được chứng kiến một “hình mẫu” sinh động nên mọi người hào hứng làm theo, vậy nên trong suốt cung đường chạy và những ngày diễn ra giải, Măng Đen luôn sáng, xanh, sạch và đẹp, không một mảnh rác bị vứt bừa bãi.
Anh Rôbin Sáng chia sẻ: “Tôi đã tham gia rất nhiều sự kiện, giải thể thao kết hợp du lịch tại các địa phương trong và ngoài nước. Thông qua các hoạt động này, chúng tôi luôn khuyến khích mọi người hãy yêu quý, bảo vệ môi trường, sử dụng, trải nghiệm những sản phẩm địa phương, mở lòng giao lưu kết bạn với những người bạn mới. Điều đó không những tốt cho sức khỏe mà còn giúp ích về tinh thần và làm việc hiệu quả hơn”.
Có thể kể đến một số hoạt động, sự kiện được tổ chức thời gian qua như bay khinh khí cầu, dù lượn tại huyện Sa Thầy, Đăk Tô, Kon Plông, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum; chèo thuyền, đua thuyền, vượt ghềnh thác trên các lòng hồ thủy điện Sê San, Ya Ly, Plei Krông, Thượng Kon Tum; leo núi, trải nghiệm tại huyện Kon Plông, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh. Đặc biệt, sự kiện Festival Sâm Ngọc Linh- Kon Tum- Việt Nam lần I năm 2024 sắp đến, bên cạnh quảng bá các sản phẩm “đặc hữu” của Kon Tum, tỉnh ta còn kết hợp tổ chức các hoạt động thể thao, trải nghiệm như bay khinh khí cầu, dù lượn, giải việt dã “Chinh phục đèo Măng Đen”, “Chinh phục đỉnh Ngọc Linh, “Chinh phục “Cổng trời Chư Tan Kra”.
Có thể khẳng định, du lịch thể thao là một “mảnh đất màu mỡ” đang được tỉnh ta đẩy mạnh khai thác nhằm kích cầu du lịch, phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, các sản phẩm cũng chỉ mới bước đầu “manh nha”, chưa phát huy hết tiềm năng.
Vì vậy rất cần những định hướng dài hạn về hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông, hệ thống quy trình chuyên nghiệp trong phát triển các sản phẩm du lịch thể thao để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực này.
Hoàng Thanh