Phát huy hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng
Trong chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh xác định du lịch cộng đồng là một trong những loại hình du lịch chủ đạo cần đẩy mạnh.
Theo đó, với sự hỗ trợ, định hướng của tỉnh, thời gian qua, du lịch cộng đồng ngày càng phát triển với nhiều mô hình điểm được triển khai thành công, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, cả về nhận thức và cách “làm du lịch”. Hiện tại, hầu hết các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đều có những hộ dân tự cải tạo, chỉnh trang vườn nhà, thiết kế sản phẩm du lịch độc đáo, đậm bản sắc địa phương để mời gọi, thu hút du khách đến lưu trú, trải nghiệm.
Đến thăm làng Kon Chênh, xã Măng Cành (huyện Kon Plông), chúng tôi ấn tượng bởi ngôi làng đậm bản sắc truyền thống của người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng). Để phát triển du lịch cộng đồng, người dân tại làng tích cực cải tạo, giữ gìn quang cảnh thiên nhiên và khôi phục, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng làng.
Tại làng Kon Chênh hiện có một vài hộ kinh doanh hiệu quả dịch vụ homestay cùng nhiều hộ khác đang tích cực chỉnh trang, cải tạo không gian vườn, nhà ở để đưa vào khai thác làm du lịch.
|
Chị Y Tuấn (làng Kon Chênh)- một trong những hộ kinh doanh homestay hiệu quả tại làng chia sẻ: Được địa phương định hướng, hỗ trợ, gia đình tôi làm du lịch cộng đồng được hơn năm nay và chính điều này mang lại nguồn thu nhập kinh tế gia đình cao hơn, so với làm nông. Tôi đã cải tạo, xây dựng được 6 phòng cá nhân, 2 phòng tập thể để phục vụ khách sinh hoạt, lưu trú. Ngoài ra, khách còn có thể trải nghiệm văn hóa bản địa như dệt thổ cẩm, làm rượu cần, nấu món ăn truyền thống ngay tại homestay; hoặc được giới thiệu đến các địa điểm đẹp để chụp hình lưu niệm, săn mây.
Trong quá trình xây dựng và phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, người dân không chỉ được định hướng, hỗ trợ về cơ chế, chính sách mà còn được tham gia tập huấn, liên kết, hỗ trợ nhau “làm du lịch”. Từ đó, tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, góp phần “níu” chân du khách.
Anh A Hiền- Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông) cho biết: Từ khi thành lập HTX Du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo đến nay, chúng tôi luôn tích cực vận động bà con hiện đã làm du lịch và những người chưa từng làm du lịch cộng đồng tham gia vào HTX để được hướng dẫn, hỗ trợ. Qua các buổi sinh hoạt, sự kiện do HTX tổ chức, bà con được học hỏi, hỗ trợ, chia sẻ cho nhau về các quy trình, công đoạn trong làm du lịch cộng đồng, khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của mỗi gia đình để tạo ra các sản phẩm lưu trú, dịch vụ ăn uống, trải nghiệm phục vụ khách du lịch. Nhờ đó, các thành viên đều tích cực cải tạo quang cảnh môi trường, cải tạo vườn tạp, từng bước tiến tới “làm du lịch” bài bản, giúp người dân có thêm động lực để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, thiên nhiên vốn có.
Thành phố Kon Tum hiện cũng là địa phương đi đầu trong phát triển du lịch cộng đồng với 4 điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh được công nhận là: Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, Làng du lịch cộng đồng Kon Klor, Điểm du lịch A Biu, Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri. Nhiều năm qua, cộng đồng người Ba Na tại các làng đồng bào DTTS này tích cực khai thác tiềm năng, bản sắc về văn hóa, thiên nhiên để làm du lịch cộng đồng, liên kết với các đơn vị, cá nhân để quảng bá, thu hút du khách.
|
Anh Nguyễn Bá Tâm- Giám đốc HTX Du lịch- Nông nghiệp Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) cho biết: Hiện nay, HTX Du lịch- Nông nghiệp Đăk Rơ Wa có nhiều thành viên là các hộ đồng bào DTTS tại địa phương là chủ các homestay, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch tại xã tham gia. HTX khuyến khích những hộ “làm du lịch” là thành viên của HTX xây dựng cơ sở lưu trú bằng những vật liệu truyền thống, trang trí hoa văn đậm chất văn hóa của đồng bào dân tộc Ba Na để tạo thương hiệu riêng cho du lịch tại địa phương. Bên cạnh đó, HTX tích cực hỗ trợ các thành viên quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch mới; sử dụng mạng xã hội, website để cung cấp hình ảnh, dịch vụ, thông tin về điểm du lịch để du khách tìm hiểu, lựa chọn, đặt hàng trước khi đến; kết nối với các tổ chức, cá nhân, công ty lữ hành để đưa khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 13 điểm du lịch được công nhận cấp tỉnh và nhiều điểm khác đang trong quá trình đầu tư, hoàn thiện để đạt chuẩn. Trong đó, tỉnh luôn tạo cơ chế, chính sách để khuyến khích các mô hình du lịch cộng đồng phát triển hiệu quả tại các điểm đến tiềm năng. Đồng thời, nhiều thôn (làng) cũng được chính quyền các cấp và ngành VH,TT&DL tỉnh hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị làng văn hóa truyền thống như hỗ trợ đầu tư, tu bổ về các công trình phụ trợ, làm mới nhà rông truyền thống, cải tạo quang cảnh môi trường của làng, tổ chức các chương trình bảo tồn, phát huy di sản văn hóa để tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại địa phương.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua sẽ là động lực quan trọng để tỉnh tiếp tục triển khai thêm nhiều giải pháp bền vững, hiệu quả hơn nữa. Qua đó, góp phần phát triển du lịch cộng đồng, đem lại thu nhập kinh tế cho người dân, đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương trong thời gian tới.
Hoàng Thanh