Nữ nghệ nhân tiêu biểu của người Hà Lăng
Đã qua tuổi 70, bà Y Rưa (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy), vẫn nhanh nhẹn, khỏe khoắn, tích cực tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Mấy năm gần đây, nghệ nhân ưu tú Y Rưa luôn có mặt trong đoàn nghệ nhân của làng Rờ Kơi (xã Rờ Kơi) tham dự các sự kiện văn hóa tại Bảo tàng tỉnh, mới đây nhất là Hội báo Xuân Giáp Thìn 2024.
Sinh ra và lớn lên ở làng nhỏ nơi bìa rừng, cách biên giới của tỉnh với nước bạn Campuchia không xa, ngày trước, Y Rưa chỉ quanh quẩn trong nhà trong làng, siêng năng việc rẫy. Chính nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo xu hướng phát triển đã tạo cơ hội để bà và các nghệ nhân của địa phương bước ra khỏi vùng quê xa xôi, nhỏ bé, mang nét đẹp lâu đời của người Hà Lăng (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) đến với mọi người.
|
Từ hồi mới 10 - 11 tuổi, Y Run (tên cha sinh mẹ đẻ đặt) đã háo hức làm quen với nét đẹp kín đáo của người con gái dân tộc mình. Từ từng điệu xoang dân dã, mỗi khúc dân ca đơn sơ, đến những sợi bông thô ráp bên khung dệt, Y Run đều yêu thích, say sưa, rồi trở nên khéo léo, thuần thạo.
Bà nhớ, từ hồi bé, bước vào mùa phát rẫy, tỉa hạt tháng Hai tháng Ba hằng năm cũng là thời điểm các mẹ, các chị rủ nhau gieo tỉa cây bông. Tháng Chín tháng Mười, lúa chín thì bông cũng già. Mẹ thường cẩn thận chọn những bông to và tốt nhất, đem phơi nắng trong khoảng 1 tuần cho thật khô. Bông được ép bằng khung gỗ nhỏ để loại hết hột ra, rồi mới lấy tay làm cho tơi lên, trước khi kéo thành sợi dùng dệt vải.
Giữa muôn màu sản phẩm dệt thủ công của các DTTS anh em, thổ cẩm của người Hà Lăng được tạo nên từ chủ yếu bốn màu: trắng, đen, vàng, đỏ. Trong khi trắng là màu tự nhiên của sợi se từ bông, thì các màu còn lại đều được nhuộm thủ công bởi một số loại cây, lá rừng. Theo nghệ nhân Y Rưa, lấy vỏ và lá cây bằng lăng giã nhuyễn, trộn với bùn non cho ra màu đen. Để được màu vàng, dùng củ nghệ giã nát lấy nước. Đỏ thì lấy màu từ hạt nhum phu (quả cà ri rừng). Đáng chú ý là tất cả các loại sợi nhuộm, sau khi ngâm qua đêm, đều được gói vào lá chuối rồi hơ lên hơi lửa than, để rất đượm màu mà không bị xơ, cứng. Hiện nay, tuy nguyên liệu dệt đã được thay thế bằng các loại sợi công nghiệp phổ biến, song bà Y Rưa và các chị em trong làng vẫn chịu khó lấy bông se sợi và giữ cách nhuộm truyền thống.
Thổ cẩm của người Hà Lăng không chỉ dùng để may váy áo, khố khăn sử dụng hằng ngày, mà còn gắn liền với điệu múa chiêu độc đáo của dân tộc. Theo đó, tấm thổ cẩm được khoác lên người theo độ sải của cánh tay như cánh bướm chao liệng, dập dờn.
Phụ nữ Hà Lăng từ trẻ đến già đều rất đẹp trong trang phục thổ cẩm, song càng đẹp hơn với điệu chiêu độc đáo của mình. Thực tế, cảm nhận ấy luôn được minh chứng một cách sinh động, khi hòa mình vào không gian lễ hội đặc sắc của làng mà nghệ nhân Y Rưa đã góp phần làm nên.
|
Ngày xưa, chiêu vốn là nghi thức hành lễ xuất hiện trong đám tang. Tiếng cồng chiêng buồn bã cùng với điệu chiêu chậm rãi, nhẹ nhàng thay lời tiếc thương, đau xót, tiễn đưa người đã khuất. Tuy vậy, sau này, chiêu được phổ biến trong các lễ hội lớn, các sự kiện mang ý nghĩa cộng đồng, với ý nguyện đưa mọi người gần hơn với nét đẹp dân vũ cổ xưa.
Không chỉ giỏi dệt thổ cẩm, múa chiêu, bà Y Rưa còn là một “cây” dân ca đặc sắc của xã Rờ Kơi với chất giọng ngọt ngào, truyền cảm. Cùng với các bài dân ca cổ về sản xuất hay tình yêu đôi lứa, bà còn tự biên một số bài dân ca theo lời mới, ca ngợi đất nước quê hương.
Vừa qua tuổi 70, nghệ nhân ưu tú Y Rưa được biết đến là nữ nghệ nhân tiêu biểu trong số các nghệ nhân ưu tú ở xã Rờ Kơi và huyện Sa Thầy. Không chỉ hiểu biết và giỏi giang với việc kế thừa tinh hoa văn hóa dân tộc, sứ mệnh “truyền lửa” của lớp nghệ nhân cao niên luôn được bà trau dồi và hăng hái, nhiệt tình hiện thực hóa trong đời sống cộng đồng. Đội nghệ nhân làng Rờ Kơi do bà cùng các nghệ nhân giàu kinh nghiệm gây dựng ngày càng khẳng định phong cách, để lại dấu ấn qua tập luyện và diễn xướng. Bà vui vì lớp con cháu ở làng đều ra sức tiếp bước giữ gìn nét đẹp truyền thống. Đáng kể, trong đội cồng chiêng xoang, riêng gia đình nữ nghệ nhân ưu tú Y Rưa đã góp mặt 3 thế hệ, gồm bà, con gái đầu lòng Y Lý (sinh 1975) và cháu gái Y Ngan (sinh 1998).
Dù tuổi cao, song bà vẫn tận tâm học hỏi để sử dụng cả trống, chiêng; với mong muốn khích lệ bà con cũng như dẫn dắt lớp con cháu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Thanh Như