Những khúc hát ru về tình cảm gia đình
Tình cảm gia đình là thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng cao quý. Để giãi bày tình cảm với những đấng sinh thành hay những “khúc ruột” mang nặng đẻ đau, ông cha ta ngày xưa đã phát hiện ra một phương thức chuyển tải và lưu truyền hữu hiệu nhất, đó là gửi vào những điệu hát lời ru; những câu ca dao, điệu lý, câu hò. Nó hữu hiệu vì dễ đọc dễ nhớ; đồng thời tìm được tiếng nói đồng cảm của những người cùng cảnh ngộ.
Trong thế giới tình cảm của những người con, cha mẹ là vĩ đại nhất, hoàn hảo nhất. Để khắc cốt ghi tâm công ơn sinh thành dưỡng dục, những người con đã từng tha thiết ví von:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Hay
Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi.
Văn hóa phương Đông mang dấu ấn của quan niệm âm dương hoặc những sự vật thuộc tính tương ứng của hai phạm trù Triết học đã được dân gian hóa. Chính vì thế, khi so sánh công lao của người cha họ thường ví với ngọn núi Thái Sơn - một trong năm ngọn núi lớn nhất ở Trung Quốc hay ngang núi, bằng trời; nghĩa mẹ tương đương với biển cả, suối nguồn. Sự so sánh ấy là biểu trưng cho công lao vĩnh hằng của cha mẹ mà không có biểu tượng cụ thể nào sánh bằng. Các bài ca có nhắc đến chữ hiếu, cù lao chín chữ, nhưng người đọc không thấy tuân thủ theo một khuôn mẫu cứng nhắc nào, chỉ thấy hiện lên tình cảm chân thành của những người con khắc ghi công ơn cha mẹ.
|
Mảng ca dao trữ tình, mẹ là hình tượng thiêng liêng cao quý nhất trong lòng của những người con. Mẹ thương con hơn cả bản thân mình; sẵn sàng từ bỏ tất cả để các con có được cuộc sống bình yên. Cuộc đời mẹ chỉ có ý nghĩa khi con mình hạnh phúc và luôn xót xa hoặc oán trách bản thân khi thấy con vấp ngã trên đường đời. Chính sự hy sinh cao cả đó nên hình ảnh “Mẹ” luôn ngự trị trang trọng nhất trong lòng của mỗi người con. Tình cảm mẹ - con trong những bài ca dao trữ tình vì thế mà cũng gắn kết như hình với bóng. Nhà nghiên cứu Bùi Mạnh Nhị từng nhận định “những bài hát ru là những bài ca hay nhất thế gian” với ý nghĩa “hát ru là tượng đài bất hủ của lòng mẹ, tình con”.
Hát ru là bộ phận sinh hoạt dân ca trữ tình liên quan đến thế giới tuổi thơ. Chức năng của hát ru là tạo nên nhịp điệu êm ái, du dương trầm ấm để đưa trẻ thơ vào giấc ngủ an lành. Khúc hát ru thường gắn với không gian của làng quê yên ả, với mái ấm gia đình hạnh phúc thân thương. Thời gian để cất lên những tiếng hát ru thường là những buổi trưa yên ả, hay mỗi khi màn đêm buông xuống mẹ được ôm con vào lòng vỗ về sau một ngày bộn bề công việc.
Đối tượng hướng tới của lời hát ru là những đứa trẻ còn nằm trên cánh võng, đang bi bô học nói, học đi. Trong tâm hồn của chúng chỉ có thế giới thần tiên hay sự yên bình bên những con vật bé nhỏ như cái cò, chú cá, con tôm hoặc những trò chơi “nu na nu nống”, "rồng rắn lên mây”. Thế giới vô cùng giản dị bình yên và dường như chẳng theo một trật tự logic nào, nhưng đó chính là logic của tư duy trẻ thơ vừa tươi mát hồn nhiên vừa đậm màu cổ tích. Chính trật tự phi logic đó đã giúp cho những đứa trẻ thỏa mái liên tưởng và dễ dàng tiếp cận với thế giới quan muôn màu muôn vẻ và chính sự thỏa mái sáng tạo đó đã giúp các em hình thành nên nhân cách và vẻ đẹp tâm hồn.
Khi con còn thơ bé, chăm lo miếng ăn giấc ngủ cho con là nỗi vất vả nhưng cũng là niềm hạnh phúc của mẹ. Ngày xưa các mẹ quan niệm rằng: “trẻ thơ sinh ra có rất nhiều đấng tối cao như bà mụ, bà tiên đỡ đầu”, vì thế mà motip “cái ngủ” thường được đưa vào mở đầu các bài hát ru, như một câu phù chú ngộ nghĩnh để cái ngủ về đậu trên mí mắt trẻ thơ. Ru con ngủ, bà mẹ hòa mình vào trong thế giới tuổi thơ của con, nhẫn nại trò chuyện bi bô, ngọng nghịu cùng con, qua đó cũng giãi bày tình cảm yêu thương dỗ dành:
Cái ngủ mày ngủ cho lâu,
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về.
Bắt được con Trắm, con Trê.
Cầm cổ đem về bắt nước làm lông.
Miếng nạc thời để phần chồng,
Miếng xương mẹ gặm, miếng lòng con ăn.
Hoặc
Ru con con ngủ cho muồi,
Mẹ đi chợ Truồi mua mít con ăn.
Cũng có khi là lời chị ru em, nhưng chính là lời của tâm hồn người mẹ đã được hóa thân:
Ru em, em hãy nín đi
Kẻo mà mẹ đánh em thời em đau.
Ru em em ngủ cho rồi,
Để mẹ đi chợ mua nồi nấu cơm.
Hát ru không phải là những lời dỗ dành nựng nịu mà nó còn có rất nhiều ý nghĩa. Trong hát ru không chỉ một mà còn rất nhiều thế giới khác. Nội dung của những bài ca này thường không phù hợp với trẻ thơ nhưng người ru vẫn hát.Hát để trẻ ngủ, còn mình thì thức, để một mình mình hát, một mình mình nghe. Cũng đừng quên rằng, dù biết trẻ không và chưa hiểu người mẹ vẫn coi đứa con như một chỗ dựa tinh thần, người bạn tin yêu nhất để bày tỏ nỗi niềm.
Với đặc điểm này, lời hát ru mở ra trước mắt chúng ta một thế giới của những nỗi niềm mà trong đó hình ảnh người mẹ như một huyền thoại về tình thương con, đức hy sinh cho con và sức chịu đựng tất cả những cay đắng của cuộc đời.
Ví đầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi mẹ dắt con đi,
Con đi trường học mẹ đi trường đời.
Trên đường đời gian lao ấy, bao nhiêu tủi nhục, mẹ vẫn âm thầm chịu đựng, để bàn tay con bình yên trong tay mẹ dẫn dắt vào đời. Nhưng có những lúc người mẹ rơi vào đau buồn, lời hát ru hướng tới một đối tượng trò chuyện khác:
Con ơi đừng khóc mẹ sầu,
Cha con bạc nghĩa theo hầu người ta.
Con ơi, con nín đi con
Cha con vui thú nước non quê người.
Đôi nơi kẻ khóc người cười
Chẳng qua thân mẹ như đời thờn bơn.
Có thể nói từ những nội dung hiện thực độc đáo, những sắc thái tình cảm yêu thương tha thiết cùng những hình ảnh, ngôn ngữ khi mộc mạc giản dị, lúc ngộ nghĩnh hồn nhiên nhưng cũng rất tinh tế. Khúc hát ru tạo nên bài ca trữ tình đặc biệt mà nơi đó hình ảnh mẹ - lung linh ngời sáng một vẻ đẹp giàu đức hy sinh, ngập tràn lòng vị tha.
Ca dao còn âm vang nhiều bài hát khác như những lời nhắn nhủ, tâm sự về ơn cha nghĩa mẹ của người con hoặc nhân danh người con:
Ơn cha nặng lắm cha ơi!
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.
Cây khô đâu dễ mọc chồi,
Cha mẹ chưa dễ ở đời với ta.
Non xanh bao tuổi mà già,
Bởi vì sương tuyết hóa ra bạc đầu.
Yêu cha kính mẹ, người con luôn dành cho bậc sinh thành những tình cảm sâu sắc nhất. Trong tâm hồn của những người con, hình ảnh cha mẹ luôn hiện lên trong cảnh cô đơn già yếu, rất cần sự chăm sóc của mình:
Mẹ già như chuối ba hương,
Như sôi nếp một như đường mía lau.
Mẹ già ở túp lều tranh,
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.
Tiêu biểu nhất cho nỗi nhớ thương cha mẹ đó là tình cảm của những người con lấy chồng xa quê:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Chiều chiều chim vịt kêu trời,
Buâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.
Chùm ca dao trên, nhân vật trữ tình được xác định là người con gái lấy chồng xa quê, bơ vơ nơi đất khách quê người. Thật ra không có chi tiết nào trong câu ca dao nói về cảnh ngộ ấy. Nhưng cái dáng hình lầm lũi, cái nhìn vô vọng, về nơi xa vắng, với nỗi đau nhớ âm thầm và cảm giác cô đơn trước cảnh vật mênh mông xa lạ đã nói lên phần nào cảnh ngộ của người phụ nữ không biết trao gởi tâm sự cho ai đành tự nói với lòng mình. Trong ca dao nhiều khi tình cảm chỉ được biểu đạt gián tiếp, thậm chí ẩn sâu trong tâm tình nhân vật, nếu thiếu đi một chút tưởng tượng hoặc một chút đồng cảm thì không cách gì giải mã những câu ca tưởng như không có gì đơn giản hơn.
Cũng rất tiêu biểu cho nỗi nhớ thương của những người con không còn mẹ tiếng khóc đau khổ, buốt nhói và thống thiết nhất là khi mẹ rời xa cõi trần.
Chiều chiều xách giỏ hái rau,
Ngó lên mộ mẹ ruột đau như dần.
Chiều chiều ngó ngược ngó xuôi,
Ngó không thấy mẹ bùi ngùi nhớ thương.
Khi một ngày cha mẹ không còn gần ta lúc đó ta mới thật sự thấy được vòng tay của cha mẹ ấm áp, vững chắc biết bao. Một người con đã bật thốt lên những lời tha thiết trong một ngày cha mẹ đã về nơi chín suối
Có cha có mẹ thì hơn,
Không cha không mẹ như đờn đứt dây.
Đờn đứt dây cũng còn gỡ rối,
Cha mẹ mất rồi sớm tối cậy ai.
Không nồng nàn như tình yêu đôi lứa, không giáo điều như lời giáo huấn của các bậc tiền nhân, tiếng hát tình nghĩa gia đình trong ca dao là tiếng hát chân thành nó được đúc kết tự tình thương huyết thống, từ sự chắt chiu những giọt sữa từng ngày. Chính vì thế những tiếng hát lời ru là những lời tâm sự chân thành nhất. Hát cho mình, hát cho con, và hát cho những người hậu thế.
Nguyễn Sơn Tùng