Những giải pháp phát triển công nghiệp văn hoá ở Tây Nguyên trong xu thế hội nhập quốc tế
Trong những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên luôn tăng cường hợp tác, xúc tiến, quảng bá các sản phẩm văn hoá đặc sắc của địa phương đến với các quốc gia trên thế giới, qua đó nâng cao vị thế của văn hoá Tây Nguyên trên thương trường quốc tế.
Chủ trương, chính sách phát triển công nghiệp văn hoá ở Việt Nam
Theo các tổ chức quốc tế như UNESCO và Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) thì khái niệm này kết hợp sự sáng tạo, quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ thuộc về văn hóa trong tự nhiên và thường được các quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ. Công nghiệp văn hoá sử dụng nguyên liệu đầu vào là năng lực sáng tạo, nguồn vốn văn hóa, nguồn vốn trí tuệ, để tạo đầu ra là các sản phẩm - dịch vụ văn hóa, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa ngày mạnh mẽ và đa dạng của người dân. Quan điểm về phát triển công nghiệp văn hoá được Đảng ta hình thành từ năm 1986 đến nay, trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương cũng liên tục được đề cập và được khẳng định cụ thể tại Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, xác định: “Phát triển công nghiệp văn hoá nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hoá Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hoá, góp phần quảng bá văn hoá Việt Nam ra thế giới. Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hoá. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hoá, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội phát triển. Đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hoá và công nghiệp văn hoá”.
Qua nghiên cứu cho thấy ở các nước phát triển, công nghiệp văn hóa đã mang lại nguồn thu lớn cho tổng sản phẩm trong nước. Ở Hồng Kông, 85% thu nhập quốc dân có được từ nguồn thu dịch vụ giải trí, truyền hình và quảng cáo. Ở Nhật Bản có ngành công nghiệp văn hoá tầm cỡ quốc tế; điển hình là trong việc viết truyện, xuất bản truyện, làm quà lưu niệm từ các tác phẩm truyện này, làm anime, và làm các game từ các tác phẩm... trung bình doanh thu của họ đã lên đến 2 tỉ USD. Ở Hàn Quốc, một quốc gia công nghiệp văn hoá không kém cạnh so với Nhật Bản, các nhóm nhạc, những bộ phim, đều được các phương tiện truyền thông đưa đi khắp trên toàn cầu. Hiện nay có nhiều quốc gia trên thế giới đang xem công nghiệp văn hoá là lợi thế so sánh để phát triển kinh tế tri thức trong quá trình cạnh tranh toàn cầu.
Ở Việt Nam, ngày 08/9/2016, Chính phủ ban hành Quyết định số: 1755/QĐ-TTg “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã thúc đẩy phát triển 12 lĩnh vực : Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh và Du lịch văn hóa. Chiến lược đã xác định mục tiêu cụ thể phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam như sau: “Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 3% cho GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, cụ thể các ngành như: Điện ảnh đạt 150 triệu USD; Nghệ thuật biểu diễn đạt 16 triệu USD; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đạt 80 triệu USD; Quảng cáo đạt 1.500 triệu USD; Du lịch văn hóa chiếm 10 - 15% trong số 18.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch”.
Tài nguyên văn hóa và tài nguyên thiên nhiên góp phần tạo nên công nghiệp văn hoá vùng Tây Nguyên mang giá trị đặc sắc độc đáo, hiếm có tầm quốc gia và quốc tế
Vùng Tây Nguyên có tổng diện tích khá lớn 54.641,069 km2, bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắk Nông và Lâm Đồng; quy mô dân số năm 2023 vào khoảng 6.215.000 người. Tây Nguyên là vùng đất rất đa dạng, phong phú với hệ thống các cao nguyên hoang sơ, khí hậu mát mẻ, trong lành, cảnh sắc thiên nhiên đẹp rực rỡ và những thác nước, núi cao, suối nguồn, hồ nước lớn và nhiều khu bảo tồn quốc gia và có các khu dự trữ sinh quyển thế giới tạo nên sự trù phú cho vùng đất Tây Nguyên; là vùng đất rất phong phú tài nguyên văn hoá và tài nguyên thiên nhiên mà chưa được khai thác tương xứng. Đây chính là những tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực trong đó có công nghiệp văn hoá với những nét đặc thù riêng mà ít vùng kinh tế nào có được đó là: phát triển lâm nghiệp; cây công nghiệp dài ngày, rau, hoa, quả ôn và nhiệt đới; cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc và nuôi cá nước lạnh, công nghiệp khai khoáng, năng lượng tái tạo, đa dạng văn hóa đặc sắc.
Tây Nguyên không chỉ là vùng đất hứa nhiều tiềm năng khai thác các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm hệ sinh thái rừng, du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, du lịch tâm klinh, du lịch canh nông và du lịch hội nghị hội thảo trong tương lai, mà còn là môi trường lý tưởng khai thác đầy đủ các lĩnh vực công nghiệp văn hoá: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh và Du lịch văn hóa.
Tây Nguyên là một trong những vùng văn hóa lớn của Việt Nam, được hình thành và phát triển từ hàng nghìn năm về trước với những giá trị đa dạng, đặc sắc và độc đáo. Các dân tộc thiểu số Tây Nguyên có một nền văn hóa bản địa phong phú với văn hóa chữ viết, trang phục, âm nhạc dân gian, văn hóa ẩm thực độc đáo. Tây Nguyên có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể hết sức quý giá, như: đàn đá, cồng chiêng cùng các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng tạo nên một kho tàng văn hóa rất riêng dễ nhận diện. Hiện nay, Tây Nguyên là nơi còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo như: nhà rông, nhà dài, đàn đá, tượng nhà mồ, các lễ hội và kho tàng văn học dân gian với những bản trường ca, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, lời nói vần, những làn điệu dân ca đậm đà bản sắc lưu truyền qua nhiều thế hệ.
|
Những lợi thế phát triển công nghiệp văn hoá ở Tây Nguyên
Trong những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên luôn tăng cường hợp tác, xúc tiến, quảng bá các sản phẩm văn hoá đặc sắc của địa phương đến với các quốc gia trên thế giới, qua đó nâng cao vị thế của văn hoá Tây Nguyên trên thương trường quốc tế; chú trọng tập trung và ưu tiên một số ngành công nghiệp văn hoá mà tỉnh có thế mạnh và tiềm năng phát triển lâu dài, bền vững và cần được bảo tồn, phát huy như: Kiến trúc, thủ công mỹ nghệ (đan lát, dệt thổ cẩm, làm nhẫn bạc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh), điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm và du lịch văn hoá. Công nghiệp văn hoá trở thành mục tiêu trọng tâm để phát triển kinh tế xã hội của địa phương và được phát triển rõ rệt về chất và lượng; ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hoá được xuất hiện với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của con người; đồng thời các ngành công nghiệp văn hoá góp phần quảng bá hình ảnh đất nước con người Tây Nguyên với bạn bè trong nước và quốc tế.
Các hoạt động văn hoá mang tính đặc độc riêng có của Tây Nguyên mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế, nhiều di sản văn hoá và thiên nhiên được UNESCO công nhận (05), các lễ lội văn hoá du lịch nổi bật đặc trưng văn hoá Tây Nguyên đã tạo nên nét riêng cần bảo tồn và phát triển để đưa nền văn hoá lên tầm cao mới và phát triển du lịch trong quá trình hội nhập.
1/Rừng tự nhiên gắn với đời sống tâm linh và di sản thiên liêng với đồng bào Tây Nguyên: Nếu văn hoá đồng bằng ven biển thì tất cả mọi sự linh thiêng là từ biển, thì văn hoá văn hoá Tây Nguyên đều liên quan đến rừng, rừng là giá trị thiên nhiên gắn liền với hình thành đất. Tất cả mọi di sản văn hoá, di sản thiên nhiên đều liên quan đến rừng. Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2022, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên hơn 2,57 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước; tỷ lệ che phủ rừng toàn vùng đạt 45,94%. Rừng tự nhiên ở Tây Nguyên phân bố chủ yếu ở các vùng đồi núi, nơi đây cũng là vùng sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, có tập quán sinh kế, văn hóa xã hội truyền thống gắn liền với rừng.Tài nguyên rừng và đất rừng ở đây không những là nguồn lực sinh kế đặc biệt của người dân Tây Nguyên mà còn có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái, ổn định xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước;
2/Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên: Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vào ngày 25/11/2005, Cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể thứ hai của Việt Nam được tôn vinh là di sản của thế giới. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Giarai...
Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ.
Cồng chiêng Tây Nguyên có nguồn gốc từ truyền thống văn hóa và lịch sử rất lâu đời. Về cội nguồn, có nhà nghiên cứu cho rằng, cồng chiêng là "hậu duệ" của đàn đá. trước khi có văn hóa đồng, người xưa đã tìm đến loại khí cụ đá: cồng đá, chiêng đá. Trong đó đáng chú ý nhất là việc phát hiện bộ đàn đá cổ chế tác từ đá bazan có niên đại ba nghìn năm, một trong số những nhạc cụ cổ nhất của nhân loạitre, rồi tới thời đại đồ đồng, mới có chiêng đồng...
Từ thuở sơ khai, cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, xuống đồng; biểu hiện của tín ngưỡng - là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên... âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng người, sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên.
Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu.. . hay trong một buổi nghe khan... đều phải có tiếng cồng. Tiếng chiêng dài hơn đời người, tiếng chiêng nối liền, kết dính những thế hệ.
|
3/ Mộc bản triều Nguyễn: Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 31/7/2009 là những văn bản chữ Hán - Nôm được khắc ngược trên gỗ để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Mộc bản triều Nguyễn được giao cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (số 2 Yết Kiêu, Đà Lạt) quản lý, bảo quản và phát huy giá trị của tài liệu mộc bản. Hiện nay, Trung tâm đang bảo quản khối lượng lớn tài liệu mộc bản gồm 34.619 tấm bản gốc với 55.320 mặt khắc. Toàn bộ mộc bản đã được chỉnh lý khoa học, trên 9 chuyên đề như lịch sử, địa lý, quân sự, pháp chế, ngôn ngữ văn tự… gồm 152 đầu sách với 1.953 quyển.
4/Di sản thiên nhiên Khu DTSQTG Langbiang: Khu dự trữ sinh quyển Langbiang được UNESCO công nhận ngày 9/6/2015. Đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại miền đất Tây Nguyên và thứ 9 của Việt Nam. Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang có diện tích 275.439 ha, nằm ở phía bắc tỉnh Lâm Đồng; được đặt tên theo ngọn núi Langbiang, nơi có câu chuyện tình lãng mạn giữa nàng Lang và chàng Biang của người K’Ho - cư dân thiểu số bản địa đã sinh sống ở đây bao đời nay.
5/Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông: Công viên địa chất Đắk Nông có diện tích 4.760 km2, trải dài trên 6 huyện, thành phố của tỉnh Đắk Nông, được UNESCO công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 7-2020. Với các giá trị di sản mang tầm quốc tế. Điểm nổi bật nhất của Công viên địa chất toàn cầu ở Đắk Nông là hệ thống hang động núi lửa dài nhất khu vực Đông Nam Á, được hình thành từ hoạt động phun trào của núi lửa Nâm Blang (Buôn Choah); có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, điểm nhấn là hệ thống gần 50 hang động, các miệng núi lửa, thác nước. Công viên địa chất Đắk Nông đã chính thức, đây là hệ thống hang động núi lửa dài và đẹp nhất Đông Nam Á.
6/Khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng: Khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận vào ngày 15/9/2021; trải rộng trên diện tích gần 413.512 ha, bao gồm toàn bộ diện tích Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và một phần diện tích của 5 huyện (Đak Đoa, Mang Yang, Kbang, Chư Păh, Đak Pơ), thị xã An Khê. Toàn khu được khoanh vùng thành ba khu chức năng gồm hai vùng lõi là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.
7/Khu di tích Cát Tiên: thuộc địa phận xã Quảng Ngãi và xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Các hoạt động thăm dò, khai quật khảo cổ Cát Tiên đã diễn ra từ năm 1984 - 2013, làm xuất lộ nhiều loại hình di chỉ, khối lượng hiện vật phong phú, đa dạng, mang lại nhiều tư liệu quý giá và giúp chúng ta hiểu biết đầy đủ về quy mô, đặc điểm của di tích, trong đó có nhiều kiến trúc tiêu biểu.
Với những kết quả thu được, các học giả có thể nhận định nơi đây đã trải qua ít nhất hai giai đoạn phát triển: giai đoạn sớm với dấu tích di chỉ cư trú và mộ táng (niên đại theo C14) là thế kỷ IV - VI sau Công nguyên, hoặc sớm hơn vào khoảng từ thế kỷ III; Giai đoạn muộn từ thế kỷ VII đến thế kỷ X sau Công nguyên. Chủ nhân của di tích khảo cổ Cát Tiên là người bản địa, cư trú lâu đời ở vùng Đông Nam Bộ - Nam Tây Nguyên, trong phức hệ nhiều giai đoạn thuộc trung tâm kim khí Đông Nam Bộ, có mối liên hệ mật thiết với thời kỳ Óc Eo - hậu Óc Eo và Văn hóa Champa.
Khu di tích khảo cổ Cát Tiên tập trung nhiều di tích kiến trúc, với nội dung biểu đạt và hình thức thể hiện riêng, đã tạo nên sự đa dạng và đầy đủ nhất nghệ thuật kiến trúc chung của các nền văn hóa cổ ở Nam Bộ - Tây Nguyên.
Các nhà khoa học bước đầu xác định đây là một đô thị tôn giáo cổ mang ý nghĩa một thánh địa Bàlamôn giáo và Hindu giáo được kiến tạo trong giai đoạn lịch sử không thành văn kéo dài từ thế kỷ VII đến thế kỷ XI. Đây là lần đầu ở Tây Nguyên phát hiện được một đô thị tôn giáo, một địa chỉ khảo cổ quan trọng để nghiên cứu sự hình thành quốc gia và những nhà nước cổ đại phương Nam, cũng như mối quan hệ văn hoá với các nước lân cận.
8/ Festival hoa Đà Lạt: Festival Hoa Đà Lạt là một sự kiện lễ hội được tổ chức tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, Việt Nam và một số địa phương khác trong tỉnh Lâm Đồng. Festival Hoa là dịp để thành phố trưng bày, triển lãm các loại rau, hoa, cây cảnh của địa phương cũng như từ nhiều vùng miền trong cả nước và một số quốc gia khác nhằm mục đích thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho địa phương.
Festival Hoa còn là một hoạt động tôn vinh giá trị của hoa và nghề trồng hoa, nhằm kêu gọi đầu tư vào ngành trồng hoa Đà Lạt, cũng như quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp của thành phố, văn hóa và con người Đà Lạt. Sự kiện tổ chức 2 năm/ lần, Festival Hoa lần thứ 9 tổ chức từ ngày 01/11 đến ngày 31/12/2022 đón trên 1,8 lượt du khách trong và ngoài nước. Đây là một sự kiện văn hoá du lịch mang tầm cỡ quốc gia và đẳng cấp quốc tế.
9/ Đà Lạt thành phố sáng tạo toàn cầu UNESCO lĩnh vực âm nhạc
Ngày 31/10/2023 UNESCO đã công bố danh sách gồm 55 thành phố được công nhận tham gia vào Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam cũng có trong danh sách này với tư cách là thành viên mới của Mạng lưới sáng tạo toàn cầu UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc.
Khi thành phố Đà Lạt trở thành phố sáng tạo UNESCO sẽ tiếp tục phát huy suốt chuỗi thời gian và quá trình tích luỹ hài hoà giữa di sản thiên nhiên và di sản văn hoá Đà Lạt qua 130 năm hình thành và phát triển; mỗi người dân của thành phố Đà Lạt với phong cách hiền hòa, thanh lịch, mến khách sẽ tự hào trong lao động, học tập và quan hệ xã hội sẽ là động lực sáng tạo hơn nữa, góp phần quan trọng tạo nét riêng thành phố sáng Đà Lạt; tạo ấn tượng tốt trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế trong hoạt động giao lưu văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, công nghiệp văn hoá, họp tác đầu tư và du lịch xanh bền vững.
10/Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột: Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột là sự kiện văn hoá du lịch tầm cỡ quốc gia và đẳng cấp quốc tế, lễ hội đã tổ chức 7 lần nhằm quảng bá tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê, quảng bá hình ảnh đất nước con người và thu hút đầu tư ngành cà phê.
Lễ hội lần thứ 8 năm 2023, Lễ hội có chủ đề “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới” sẽ được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột và một số địa phương trong tỉnh từ ngày 10/3 – 14/3/2023, trong đó tập trung vào các hoạt động quảng bá văn hóa, nâng tầm giá trị cà phê Buôn Ma Thuột hướng tới xây dựng “Thành phố cà phê thế giới”;
11/ Từ Phiên chợ sâm Ngọc Linh nâng tầm Festival sâm Ngọc Linh Kon Tum – Việt Nam lần I năm 2024: Đây là sự kiện văn hoá du lịch còn mới mẻ hơn so với các sự kiện khác ở Tây Nguyên, nhưng hứa hẹn nhiều tiềm năng có khả năng phát triển quy mô lớn tầm quốc gia và quốc tế. Phiên chợ sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch" lần đầu tiên tỉnh Kon Tum tổ chức vào ngày 24/4/2022. Phiên chợ sâm Ngọc Linh, các dược liệu khác gắn với du lịch lần thứ 2 được tổ chức từ ngày 3-5/2/2023, thu hút hàng chục ngàn du khách thập phương tham dự.
Do tính chất và yêu cầu phát triển tỉnh Kon Tum sẽ tổ chức festival Sâm Ngọc Linh Kon Tum – Việt Nam lần I năm 2024 diễn ra từ ngày 26/4 đến ngày 30/4/2024 với mục đích nhằm Thúc đẩy công tác bảo tồn, nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch…; nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo tồn phát triển các giá trị truyền thống, quảng bá văn hoá, ẩm thực, tăng cường hội nhập quốc tế thông qua các hoạt động trong chuỗi sự kiện Festival Sâm Ngọc Linh Kon Tum – Việt Nam. Khai thác lợi thế, tiềm năng tài nguyên du lịch địa phương để tạo ra sản phẩm du lịch mới, đa dạng hoá các loại hình du lịch nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân…Theo kế hoạch gồm hoạt động chính, trong đó có Hội thảo khoa học: “ Nâng tầm sản phẩm Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu gắn với du lịch”.
Điều độc đáo hơn, đặc biệt hơn tất cả đó là giá trị nhân văn của Tây Nguyên, Tây Nguyên hơn tất cả các vùng kinh tế khác trong cả nước đó là nơi hội tụ của nhiều thành phần dân tộc anh em. Trong quá trình hình thành và phát triển kinh tế xã hội, cùng với dân tộc gốc Tây Nguyên như: Gia Rai, Bana, Giẻ Triêng, Rơ Ngao, Xê Đăng. Mạ và K’Ho còn có các dân tộc ở Tây Bắc:Tày, Mường, Dao và H'Mông. Tây Nguyên là vùng đất có nhiều thành phần dân tộc nhất trong các vùng kinh tế, Đắc Lắc: 49. Lâm Đồng: 47, Gia Lai: 44, KonTum: 43, Đắc Nông: 40; sự đa dạng dân tộc đã góp phần tạo nên Tây Nguyên có đa dạng vắn hoá. Bởi giá trị tinh thần còn đọng lại 200 tục lệ của người Êđê, 100 tục lệ của người Mnông và hàng ngàn tục lệ của người Gia Rai, Bana,Giẻ Triêng, Rơ Ngao, Xê Đăng. Mạ và K’Ho, đồng thời sự hoà quyện văn hoá của các dân tộc ở Tây Bắc: Tày, Nùng, Mèo, Giao… đến nay chưa có thông kê đầy đủ. Đồng thời sự giao thoa văn hoá dân tộc Kinh ở các vùng miền và tỉnh thành trong cả nước đến với Tây Nguyên....qua các ứng xử trong cộng đồng, qua việc ăn, ở, mặc, giải trí, trong việc cưới, tang, lễ nghi, tín ngưỡng và tôn giáo cần tiếp tục khai thác giá trị văn hóa đa dạng và độc đáo này. Thực tế cho thấy cư dân ở các vùng kinh tế khác đều có mặt ở Vùng Tây Nguyên, song dân cư ở vùng Tây Nguyên ít có ở các vùng kinh tế khác, đặc biệt không có và cực ít ở các vùng: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng Sông Hồng và Tây Nam bộ.
Có thể khẳng định Tây Nguyên sở hữu nhiều di sản văn hoá và di sản thiên nhiên UNESCO và nhiều danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và cấp tỉnh, có nhiều công trình kiến trúc độc đáo, có hàng ngàn nghệ nhân. Cảnh quan thiên nhiên của Tây Nguyên biết bao điều bí ẩn để khai thác công nghiệp văn hoá,; đặc biệt là cảnh quan Đà Lạt như một phim trường khổng lồ và sân khấu biểu diễn ngoài trời không giới hạn, bởi không gian nào cũng có góc quay thú vị để có những bộ phim mang giá trị cao, nhìn đâu cũng có thể hoà mình với thiên nhiên để sáng tác âm nhạc, đứng ở nơi nào cũng có thể biểu diễn nghệ thuật với bao điều bí ẩn khó quên.
Những hạn chế đối với phát triển công nghiệp văn hoá ở Tây Nguyên
Bên cạnh những thuận lợi đang sỡ hữu nhiều tiềm năng, quá trình phát triển công nghiệp văn hoá ở Tây Nguyên còn gặp một số khó khăn nhất định:
Chưa được đầu tư đánh giá có hệ thống một cách khoa học về các lợi thế từng lĩnh vực công nghiệp văn hoá từ quá khứ, hiện tại và tương lai vùng Tây Nguyên, để từ đó có chính sách thu hút đầu tư khai thác tiềm năng lợi thế từng lĩnh vực khoa học và hiệu quả;
Việc thực hiện, triển khai các hoạt động các ngành công nghiệp văn hoá trên địa bàn Tây Nguyên còn khó khăn về cơ sở vật chất nên hoạt động ở một số lĩnh vực còn mang tính thời vụ, chưa có tính chất chuyên nghiệp cao; chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế; chưa có nhà đầu tư đẳng cấp để khai thác dịch vụ ngành công nghiệp văn hoá;
Điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho các hoạt động, dịch vụ công nghiệp văn hóa chưa được phát triển, nâng cấp đầy đủ. Công tác gìn giữ, tôn tạo và phát triển môi trường cảnh quan chưa tương xứng với tốc độ đô thị hóa trong những năm vừa qua;
Chất lượng các sản phẩm dịch vụ văn hóa, du lịch chưa được đổi mới nên tính cạnh tranh chưa cao. Nhiều sản phẩm du lịch văn hóa còn đơn điệu, trùng lắp chưa đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân và thị trường khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế;
Ngành du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt sự chênh lệch nhau quá lớn giữa các tỉnh trong vùng, điển hình năm 2023 số lượt du khách đến các tỉnh Tây Nguyên: Lâm Đồng: 8,650 triệu; Kon Tum: 711 ngàn; Gia Lai: 1,150 triệu; Đắc Lắc: 1.160 triệu; Đắk Nông: 679 ngàn (chênh lệch nhau số lượt khách giữa tỉnh cao nhất và thấp nhất là 12,8 lần) nếu du lịch chưa phát triển mạnh thì cũng đồng nghĩa công nghiệp văn hoá chưa mạnh, do đó chưa tạo đột phá khai thác tiềm năng lợi thế công nghiệp văn hoá vùng Tây Nguyên;
Những giải pháp phát triển công nghiệp văn hoá Tây Nguyên trong xu thế hội nhập quốc tế
Một là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân trong trỉnh và du khách về Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có xây dựng nền văn hoá Tây Nguyên tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và công nghiệp văn hoá để mọi tầng lớp nhân dân hiểu và thực hiện đồng bộ và hiệu quả;
Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho văn hóa như là một phần chiến lược kinh doanh và thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.
Hai là hoàn thiện cơ chế, chính sách sát thực tiễn
Hoàn thiện khung thể chế, chính sách, tháo gỡ kịp thời những rào cản, vướng mắc, khó khăn, hình thành khung khổ pháp lý, thể chế nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho công nghiệp văn hóa phát triển theo hướng đáp ứng yêu cầu thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế; các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sỹ, các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghiệp văn hoá;
Xây dựng và ban hành các chính sách, bổ sung các cơ chế đặc thù để phát huy các nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp văn hoá theo hướng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó tập trung các ưu đãi về thuế, đất đai cho các doanh nghiệp đầu tư vào các dịch vụ công nghiệp văn hoá.
Ba là tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ
Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa.
Đổi mới và phát triển các ngành sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa truyền thống như: In ấn, xuất bản, phát hành, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, giải trí, quảng cáo, triển lãm. Tăng cường hợp tác, tranh thủ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển;
Phát triển công nghiệp văn hoá theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng 4.0; kết hợp hài hoà giữa yếu tố truyền thống với công nghệ hiện đại, giữa kinh tế với văn hoá, đảm bảo yếu tố văn hoá và con người phát triển song hành với kinh tế, thực hiện chuyển đổi số trong quá trình xản xuất và nghệ thuật biểu diễn.
Bốn là đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực
Qua khảo sát thực tế cho thấy nguồn nhân lực có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hoá ở Tây Nguyên còn quá thấp so với các vùng kinh tế khác, do đó các địa phương trong vùng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy trao đổi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp văn hóa. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực và cải thiện kỹ năng quản lý, kỹ năng kinh doanh trong các ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường liên kết, hợp tác để các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu tham gia có hiệu quả vào phát triển nguồn nhân lực nói riêng cũng như phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói chung;
Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan; thường xuyên tập huấn chuyên môn, hình thành đội ngũ chuyên gia trong các ngành công nghiệp văn hóa;
Có chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm chuyên môn từ các nước có trình độ phát triển cao về công nghiệp văn hóa đến Tây Nguyên làm việc, cống hiến. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực sáng tạo và tạo môi trường sáng tạo văn hoá nghệ thuật phù hợp cho các nghệ sĩ, tài năng trẻ về văn hoá thoả sức phát triển, sáng tạo; khuyến khích kết hợp các ý tưởng, sáng tạo hiện đại với văn hoá dân tộc bản địa.
Năm là thu hút và hỗ trợ đầu tư thiết thực đối với công nghiệp văn hoá
Xây dựng các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mà địa phương có lợi thế, đặc biệt thực hiện nguyên tắc: Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn” nhằm khai thác hiệu quả các di sản văn hoá và di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận ở Tây Nguyên nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực truyền thông, giải trí, âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật biễu diễn, phát thanh và truyền hình, phần mềm và các trò chơi trực tuyến,…
Sáu là mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế
Tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế tại các tỉnh Tây Nguyên trở thành các sự kiện thường niên, có uy tín khu vực và thế giới, thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa nghệ thuật có uy tín, được đông đảo công chúng quan tâm.
Xây dựng và triển khai các chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thương hiệu doanh nghiệp văn hóa Tây Nguyên, các tài năng tiêu biểu về văn hóa của đất nước tại các liên hoan quốc tế; lồng ghép các chương trình quảng bá phát triển công nghiệp văn hóa gắn với các sự kiện ngoại giao ở Tây Nguyên.
Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, mở rộng giao lưu, trao đổi văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới; xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa, Tăng cường họp tác giao lưu văn hoá và nghệ thuật biểu diễn giữa các tỉnh Tây Nguyên và các quốc gia họp tác song phương nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Qua phân tích nêu trên cho thấy Tây Nguyên có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp văn hoá, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau trong thời gian qua chưa khai thác tương xứng với tiềm năng. Do đó trong thời gian tới công nghiệp văn hóa cần xác định là một trong những ngành kinh tế xanh, bền vững của địa phương; việc phát triển thị trường công nghiệp văn hóa được xây dựng đặt ngang với các lĩnh vực kinh tế khác và có đóng góp lớn vào kinh tế chung sẽ là cơ hội, động lực phát triển để nâng cao vị thế các ngành của các tỉnh Tây Nguyên cùng phát triển với công nghiệp văn hóa của đất nước, phát triển bền vững chủ động hội nhập quốc tế./.
TS. Phạm S - P. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng