Những cách làm hay để Kon Plông thu hút du khách
Những năm qua, Măng Đen là một trong những điểm đến “hot” trên bản đồ du lịch Việt Nam và là địa chỉ cần tìm đến khi du khách đặt chân tới tỉnh Kon Tum. Chính những cách làm hay trong phát triển du lịch của các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành chức năng của huyện Kon Plông đã “bắt mạch” đúng nhu cầu du khách, tạo nên sức hút đối với du khách khắp nơi.
Đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông có 132 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú (resort, khách sạn, homestay, nhà nghỉ); trong đó thị trấn Măng Đen có 103 cơ sở, xã Măng Cành 16 cơ sở, xã Hiếu 2 cơ sở, xã Đăk Tăng có Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo với 11 hộ gia đình kinh doanh phòng nghỉ với tổng số 1.250 phòng, đảm bảo phục vụ trên 5.000 khách lưu trú, nghỉ dưỡng mỗi ngày.
Công suất sử dụng phòng bình quân đạt 65-70%; các ngày lễ, tết đạt trên 90%. Tổng lượt khách trong 9 tháng năm 2024 đạt 1.025.700 lượt khách; trong đó khách nội địa 1.022.357 lượt, khách quốc tế 3.443 lượt.
Bên cạnh đó, huyện Kon Plông quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động một cách bài bản, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã mở được 16 lớp du lịch cộng đồng với 434 học viên tham gia, kết quả xét công nhận tốt nghiệp cho 396 học viên; mở được 41 lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang với 1.340 người tham gia, phục vụ hoạt động du lịch.
|
Đồng thời, huyện Kon Plông thu hút được 7 dự án đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ du lịch với diện tích đất 170,8ha, vốn đầu tư 465,5 tỷ đồng. Địa phương chú trọng khai thác, sử dụng các điểm, khu du lịch; đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch. Đồng thời, UBND huyện Kon Plông chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cải tạo các hồ, thác gắn với truyền thuyết ”7 hồ 3 thác”; thác Pa Sỹ, thác Đăk Ke, thác Pne và các điểm du lịch để phục vụ khách du lịch. Hiện nay, huyện Kon Plông có 7 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận.
Các hoạt động văn hóa- văn nghệ, vui chơi giải trí, khu hàng trưng bày sản phẩm địa phương phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần và việc mua sắm của du khách, các điểm du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh cũng được huyện Kon Plông quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương của huyện từng bước đầu tư xây dựng, tổ chức hoạt động, tạo nên “sức hút” và sự vừa lòng của du khách khi đến với huyện.
Theo đó, huyện Kon Plông quan tâm đẩy mạnh các hoạt động tham quan, cắm trại, dã ngoại đồng cỏ, săn mây, trekking, đi bộ, xe đạp. Phối hợp với đơn vị chuyên môn tổ chức Giải chạy địa hình “Ultra Trail Du Măng Đen 2024”; thực hiện thí điểm “Mô hình cắm trại du lịch” nhằm đáp ứng nhu cầu của khách. Phát triển loại hình du lịch tâm linh tại chùa Khánh Lâm, Tượng đài chiến thắng Măng Đen, Tượng Đức mẹ Măng Đen gắn với các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Kết hợp du lịch với mua sắm các sản phẩm đặc trưng với 68 sản phẩm OCOP; trong đó có 63 sản phẩm đạt 3 sao cấp huyện, 5 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh.
Đầu tư xây dựng Chợ phiên Măng Đen phục vụ du khách; Vườn nghệ thuật Măng Đen. Không gian Chợ phiên Măng Đen trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm do chính người dân làm ra; kết hợp trình diễn văn hóa truyền thống đồng bào DTTS đã tạo ra một sản phẩm du lịch mới hết sức độc đáo, được du khách đánh giá cao.
|
Đặc biệt, để thu hút du khách, huyện Kon Plông quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng tạo hiệu quả trong quảng bá du lịch.
Cụ thể, huyện phối hợp với công ty truyền thông xây dựng clip quảng bá thu hút đầu tư ”Măng Đen điểm hẹn của các nhà đầu tư”. Lắp đặt các biển quảng cáo du lịch tại các điểm, ngõ vào địa bàn tỉnh; đèo Măng Đen, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông. Hoàn thành xây dựng tích xanh cho fanpage Du lịch Măng Đen; thiết kế maket, truyền thông các hoạt động VH-TT-DL năm 2024 trên fanpage, website du lịch.
Ông Đặng Quang Hà- Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Xác định du lịch là ngành kinh tế chủ lực của địa phương, thời gian qua, Huyện uỷ, UBND huyện Kon Plông chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, quan tâm tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đảm bảo vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp; cam kết không tăng giá phòng, các mặt hàng, thực phẩm dịp lễ, tết; niêm yết giá công khai các mặt hàng lưu niệm, không cưỡng ép khách mua hàng.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nâng cấp cảnh quan khuôn viên, phòng nghỉ, giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện nghiêm túc bộ quy tắc ứng xử, có thái độ thân thiện đối với du khách. Tạo điều kiện cho người dân tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch, phát triển du lịch cộng đồng.
Quang Định