Người Rơ Ngao giữ gìn nghề đan lát truyền thống
Nghề đan lát đã gắn bó với người Rơ Ngao ở làng Đăk Tiêng Ktu (xã Đăk La, huyện Đăk Hà) từ bao đời nay. Cứ cha truyền con nối, đời trước dạy cho đời sau, nên hiện nghề đan lát đang tiếp tục được đồng bào Rơ Ngao nơi đây duy trì, gìn giữ.
Ở làng Đăk Tiêng Ktu, người dân đã quen với hình ảnh ông A Wôih (sinh năm 1955) ngồi trước hiên nhà, miệt mài đan gùi. Hễ dăm bữa nửa tháng, ông A Wôih không đan, lũ trẻ con trong làng, người già lại thấy thiếu vắng.
Ông A Wôih kể: Từ nhỏ ông đã được cha chỉ dạy cho các bước làm ra chiếc gùi, từ cách chọn nguyên liệu đến chuốt nan, tạo hình sản phẩm. Theo thời gian, nghề đan lát đã ngấm vào máu và gắn bó với cuộc sống của ông cho đến nay.
“Để có được một chiếc gùi đẹp và chất lượng phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm phải thật cẩn thận, tỉ mỉ. Đặc biệt trong khâu chuẩn bị nguyên liệu, phải chọn được loại tre, mây có bề ngoài sần sùi, bạc màu, nằm sâu trong bụi. Đó là những cây có độ dẻo dai, thích hợp để đan gùi. Người làm cũng cần chú ý đến việc chẻ, chuốt các sợi nan sao cho đạt tỉ lệ hợp lý, kết hợp với kỹ thuật đan, cài bằng tay sẽ tạo cho sản phẩm có độ hoàn hảo hơn” - ông A Wôih nói.
|
Theo ông A Wôih, cách đây nhiều năm, khi nguyên liệu mây, tre còn nhiều, nhu cầu về các sản phẩm đan lát còn cao, ông A Wôih cùng bà con trong làng nhận đặt hàng số lượng lớn từ thương lái rồi cùng làm, tạo ra nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống. Hiện tại, nhu cầu về các sản phẩm đã ít đi, nhưng trong một ngày, nếu rảnh rỗi ông có thể đan 1-2 chiếc gùi, bán với giá từ 100-300 nghìn đồng/cái (tùy kích cỡ).
Ông A Wôih cho hay, việc đan gùi không chỉ tạo ra thu nhập mà còn để tập tính cần mẫn, tìm nguồn an vui. Để nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình không bị mai một, những năm gần đây, ông A Wôih đã tận tình chỉ dạy cho con cháu và nhiều người trẻ trong làng cách đan lát.
Chiều muộn, đến thăm nhà, chúng tôi vẫn thấy ông A Vững (66 tuổi) miệt mài đan gùi. Ông A Vững nói rằng, nghề đan lát tuy không kiếm được nhiều tiền, nhưng giúp ông thỏa niềm đam mê, phù hợp với sức khỏe của mình và cũng là cách để ông giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc Rơ Ngao.
Tỉ mẩn chuốt từng sợi nan, ông A Vững trầm tư nói: Ngày trước, đàn ông Rơ Ngao ai cũng học đan và biết đan. Theo truyền thống, đàn ông đan lát, săn bắn, cày bừa, vào rừng sâu hái thuốc; đàn bà dệt vải, trồng trọt, nuôi con. Chính vì vậy, từ thời niên thiếu, cũng như bạn bè cùng trang lứa, ông thường cùng cha mình vượt các triền đồi để tìm nguyên liệu về đan lát. Nhờ vậy, khi đến tuổi trưởng thành ông đã thành thạo việc đan lát.
|
Giá bán các sản phẩm do ông A Vững đan thường không cao nên được người dân trong và ngoài làng đặt làm. “Giá bán bình quân 250 nghìn đồng/cái gùi; 200 nghìn đồng/cái nong, nia; 150 nghìn đồng/cái rổ. Mỗi tháng, tôi kiếm thêm được hơn 1 triệu đồng từ đan lát”- ông A Vững nói.
Theo ông A Vững, trong thôn chỉ còn khoảng 13 người còn giữ được nghề đan. Tuy nhiên, một số người thỉnh thoảng mới thấy đan, chủ yếu cho gia đình dùng, ít có nhu cầu trao đổi, mua bán.
“Thế hệ trẻ bây giờ không mặn mà với nghề đan lát thì cần phải tuyên truyền, vận động. Nghề gì cũng phải học và nghề đan cũng vậy. Nếu không truyền dạy, không giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, sợ mai này trong làng Đăk Tiêng Ktu sẽ không còn ai biết đan lát”- ông A Vững trải lòng.
Ông Trần Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk La cho hay: Địa phương thường xuyên phân công cán bộ đến làng Đăk Tiêng Ktu để tuyên truyền và khuyến khích người dân giữ gìn nghề đan lát truyền thống. Đồng thời, vận động những người có kinh nghiệm trong làng tích cực truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ để góp phần bảo tồn và phát huy nghề truyền thống này.
Thu Hiền