Ngọc Hồi: Quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng
Thời gian qua, huyện Ngọc Hồi quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền và người dân các địa phương chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản “không gian văn hóa cồng chiêng” trên địa bàn.
Cộng đồng các DTTS trên địa bàn huyện Ngọc Hồi sở hữu nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc đang được giữ gìn, phát huy trong đời sống, sinh hoạt của người dân ở địa phương cơ sở. Trong đó có những hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào DTTS tại chỗ như cồng chiêng, múa xoang và hệ thống các nghi lễ, âm nhạc, ẩm thực phong phú gắn liền với việc diễn tấu cồng chiêng, xoang.
Để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, thời gian qua, huyện Ngọc Hồi chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương của huyện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả để nâng cao nhận thức trong cộng đồng trên địa bàn.
Theo đó, ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn huyện Ngọc Hồi triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức truyền thông đa dạng, hiệu quả thông qua tuyên truyền trực quan (băng rôn, khẩu hiệu…), hệ thống truyền thanh cơ sở, Đài Truyền thanh- Truyền hình huyện; thành lập và quản lý 1 tài khoản facebook "Đài Ngọc Hồi", 2 trang fanpage “Truyền thông Ngọc Hồi" và "Du lịch Ngọc Hồi" thường xuyên đăng tải các hình ảnh, video về các hoạt động gắn liền với cồng chiêng, múa xoang trên địa bàn (như: ngày hội trưng bày, quảng bá các hiện vật văn hóa, sản vật truyền thống, OCOP địa phương).
|
Bên cạnh đó, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa gắn với hoạt động “không gian văn hóa cồng chiêng” như tổ chức hội thi chế tác tượng gỗ dân gian và nhạc cụ truyền thống; hội thi cồng chiêng, xoang; hội thi tái hiện lễ hội truyền thống và diễn xướng dân ca các dân tộc.
Huyện Ngọc Hồi quan tâm lồng ghép nguồn lực hỗ trợ, bảo tồn không gian văn hóa, môi trường diễn xướng cồng chiêng gắn với hệ thống các nghi lễ, lễ hội, hoạt động văn hóa văn nghệ, du lịch trên địa bàn. Địa phương đã dành kinh phí hỗ trợ, cấp cồng chiêng cho các thôn, làng đồng bào DTTS; thành lập và duy trì tập luyện, biểu diễn của các câu lạc bộ, đội, nhóm cồng, chiêng, văn nghệ quần chúng; thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với các đội cồng chiêng có thành tích tiêu biểu.
Huyện Ngọc Hồi chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn duy trì tập luyện đội nghệ nhân cồng chiêng, múa xoang tại tất cả thôn làng đồng bào DTTS tại chỗ. Trong đó: xã Đăk Xú có 2 câu lạc bộ văn hoá dân gian; xã Pờ Y có 1 câu lạc bộ chèo, 1 đội văn nghệ dân gian; xã Đăk Dục có 1 đội văn nghệ dân gian, 1 CLB văn hóa dân gian; xã Đăk Nông có 1 CLB văn hóa dân gian; xã Sa Loong có 1 mô hình sinh hoạt văn hóa dân gian.
Huyện còn tổ chức 20 lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang trong cộng đồng các DTTS; phối hợp với các cấp, ngành tổ chức các lớp chỉnh chiêng, phục dựng được nhiều lễ hội truyền thống, tiêu biểu như lễ hội Cha cha (Ăn than) của dân tộc Gié- Triêng ở thôn Đăk Răng (xã Đăk Dục); Lễ hội cúng tỉa lúa của dân tộc Brâu; Lễ hội mừng lúa mới dân tộc Xơ Đăng tại làng Đăk Giá 1 (xã Đăk Ang).
Huyện Ngọc Hồi đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác văn hóa các cấp trên địa bàn tham gia tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo, du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng; chú trọng đưa di sản không gian văn hóa cồng chiêng vào giáo dục trong trường học, thường xuyên tổ chức các hội thi cồng chiêng, xoang tại các trường có con em đồng bào DTTS.
Với việc huyện Ngọc Hồi quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư, các giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng cộng đồng các DTTS trên địa bàn huyện dần được phát huy, bảo tồn, trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch phục vụ hiệu quả du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
|
Hiện tại, huyện Ngọc Hồi đang đẩy mạnh đầu tư, xây dựng làng Đăk Răng (xã Đăk Dục) trở thành điểm du lịch cấp tỉnh về du lịch văn hóa, cộng đồng. Huyện đã từng bước đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đón tiếp khách du lịch như nhà rông văn hóa, nhà trưng bày các sản phẩm truyền thống, sân khấu biểu diễn nghệ thuật, nhà vệ sinh. Trong đó, đã đầu tư xây dựng 1 nhà trưng bày các sản phẩm truyền thống của đồng bào Gié- Triêng; cải tạo 1 sân biểu diễn văn nghệ, đốt lửa trại; vận động, hướng dẫn 5 hộ gia đình đăng ký xây dựng, cải tạo không gian nhà ở thành nhà lưu trú homestay.
Phối hợp với các cấp, ngành xây dựng lại nhà rông truyền thống của dân tộc B’Râu tại thôn Đăk Mế (xã Pờ Y) nhằm đảm bảo không gian rộng rãi, thoáng mát, sạch đẹp phục vụ các hoạt động du lịch, trình diễn nghệ thuật truyền thống.
Bên cạnh đó, quan tâm phối hợp, tổ chức các chương trình Famtrip khảo sát, giới thiệu đầu tư, xây dựng tour, tuyến du lịch do một số đơn vị, hiệp hội du lịch tổ chức. Đồng thời tăng cường quảng bá văn hóa cồng chiêng của các dân tộc tại chỗ tại những sự kiện văn hóa trong tỉnh và khu vực như: Ngày hội văn hóa các dân tộc; Liên hoan cồng chiêng, xoang ở các cấp; Liên hoan đàn và hát dân ca, biểu diễn trang phục truyền thống, tái hiện lễ hội.
Với sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành, các giá trị văn hóa cồng chiêng của các DTTS trên địa bàn huyện Ngọc Hồi từng bước được bảo tồn, phát huy hiệu quả. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung; thực hiện hiệu quả Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021- 2025” tại huyện Ngọc Hồi.
Hoàng Thanh