Kon Rẫy: Vai trò của các nghệ nhân trong giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa
Huyện Kon Rẫy hiện có 16 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Những năm qua, các nghệ nhân ưu tú của huyện cùng với các nghệ nhân dân gian khác trên địa bàn đã góp phần quan trọng vào công tác gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn.
Đồng bào dân tộc Ba Na ở xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy) từ lâu đã có nghề làm gốm truyền thống nổi tiếng. Những năm gần đây, nghề làm gốm của dân tộc Ba Na trên địa bàn xã đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Người dân trên địa bàn hiện nay có thói quen và nhu cầu sử dụng các sản phẩm hiện đại (bởi giá rẻ, tiện lợi), các sản phẩm gốm truyền thống dần ít người mua. Vì vậy số người theo nghề, giữ nghề gốm truyền thống của người Ba Na cũng ít dần, cả xã chỉ còn lại vài người.
Thời gian gần đây, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và sự tâm huyết, nỗ lực của một số nghệ nhân đã giúp “hồi sinh” lại nghề làm gốm truyền thống của người Ba Na trên địa bàn xã Đăk Tờ Re, tránh khỏi nguy cơ thất truyền.
Nghệ nhân ưu tú Y Ber (75 tuổi) ở làng Kon Săm Lũ, xã Đăk Tờ Re là một trong những nghệ nhân tâm huyết và có công lớn trong việc giữ gìn nghề làm gốm truyền thống của người Ba Na trên địa bàn.
|
Tại chương trình "Trình diễn và trưng bày nghề thủ công truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum” được tổ chức vào tháng 12/2024 tại Bảo tàng tỉnh, chúng tôi được chứng kiến nhiều sản phẩm gốm truyền thống độc đáo của bà Y Ber được ngành Văn hóa thu mua, sưu tập và trưng bày đẹp mắt, thu hút người xem.
Tại khuôn viên của Bảo tàng tỉnh, nghệ nhân Y Ber rất phấn khởi và tự hào khi được tự tay hướng dẫn, thuyết minh các quy trình, công đoạn, bí kíp làm gốm truyền thống của dân tộc Ba Na cho khán giả. Từ khâu giã đất, nhào nước, nặn, tạo hình rồi nung trên bếp lửa đều được bà làm tỉ mỉ, chăm chút để tạo ra sản phẩm ưng ý nhất.
Nghệ nhân Y Ber chia sẻ: Được biết các cấp, các ngành quan tâm động viên, hỗ trợ để chúng tôi giữ nghề gốm truyền thống của đồng bào dân tộc Ba Na, người dân ở xã Đăk Tờ Re vui lắm. Bởi nhờ đó người dân sẽ có thêm một phần thu nhập từ việc bán các sản phẩm gốm để trang trải cuộc sống và điều quan trọng nhất là giữ được nghề cổ truyền mà cha ông để lại.
Trong số 16 nghệ nhân ưu tú trên địa bàn huyện Kon Rẫy được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” thì có 8 nghệ nhân trong lĩnh vực “Nghệ thuật trình diễn dân gian”, 3 nghệ nhân trong lĩnh vực “Tri thức dân gian”, 4 nghệ nhân trong lĩnh vực “Ngữ văn dân gian” và 1 nghệ nhân trong lĩnh vực “Tập quán xã hội tín ngưỡng dân gian”. Bằng đam mê, tài hoa vốn có, các nghệ nhân luôn cố gắng giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình để truyền cho thế hệ mai sau.
Từ lâu, người dân thôn 5, thị trấn Đăk Rve (huyện Kon Rẫy) không còn xa lạ với cái tên Y Triêng (57 tuổi)- nữ nghệ nhân đa tài, am hiểu nhiều loại hình văn hóa truyền thống. Đặc biệt, kể từ khi được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” vào năm 2022, bà Y Triêng lấy đó làm niềm vinh dự, tự hào và coi đó là động lực để cố gắng giữ nghề, đem hết tâm huyết truyền nghề cho thế hệ trẻ trong làng. Bà còn thường xuyên vận động các bà, các mẹ trong làng truyền dạy lại những bài hát dân ca cho con cháu.
Nghệ nhân Y Triêng chia sẻ: Sở trường của tôi là hát dân ca. Bên cạnh đó tôi còn am hiểu nhiều loại nhạc cụ tre nứa, cồng chiêng và đặc biệt là múa xoang của dân tộc Ba Na. Càng biết nhiều, hiểu nhiều, tôi càng thấy mình phải có trách nhiệm lưu giữ, truyền dạy lại cho thế hệ trẻ để không phụ lòng cha ông. Qua đó giúp các em thêm yêu quý và đam mê với văn hóa dân tộc.
|
Nhờ sự góp sức của đội ngũ nghệ nhân tại các thôn làng, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Kon Rẫy đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Huyện Kon Rẫy đã khôi phục và duy trì được nhiều nét đặc sắc trong sinh hoạt lễ hội, tín ngưỡng dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc tiêu biểu của các DTTS trên địa bàn.
Theo đó, huyện Kon Rẫy hiện có 9 nghề truyền thống được gìn giữ và phát huy; có tổng số 153 bộ cồng chiêng; 100% thôn, làng DTTS có cồng chiêng. Ngoài ra, đã khôi phục được nhiều lễ hội truyền thống như mừng lúa mới, mừng nhà rông mới của dân tộc Ba Na, dân tộc Xơ Đăng; duy trì một số loại hình trò chơi dân gian, văn học dân gian, các nhạc cụ gõ, nhạc cụ hơi, nghệ thuật cồng chiêng. Đặc biệt, nghề dệt thủ công truyền thống của người Ba Na tại huyện Kon Rẫy đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Những năm qua, huyện Kon Rẫy thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn để giao lưu văn hóa giữa các dân tộc như: các hội thi dệt thổ cẩm, cồng chiêng, múa xoang, trình diễn trang phục truyền thống, nhạc cụ truyền thống. Qua đó tạo môi trường, động lực để các lớp nghệ nhân trên địa bàn duy trì và phát triển các loại hình văn hóa truyền thống đang nắm giữ, góp phần vào công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn, đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội của huyện Kon Rẫy.
Hoàng Thanh