Kon Plông: Phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch
Cộng đồng các DTTS trên địa bàn huyện Kon Plông còn gìn giữ nhiều nghề truyền thống độc đáo, có thể phát triển thành những sản phẩm hàng hóa chứa đựng giá trị văn hóa đặc sắc, vừa góp phần mang lại thu nhập cho người dân, vừa “kích cầu” du lịch phát triển.
Huyện Kon Plông hiện có nhiều điểm, làng du lịch cộng đồng nổi tiếng, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Khai thác và phát triển ngành “công nghiệp không khói”, đem lại thu nhập cho người dân, đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
“Lợi ích kép” mà các điểm, làng du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Kon Plông- nếu được khai thác, phát triển- sẽ đem lại cho địa phương là vừa góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa đặc sắc, vừa tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách đến với địa phương, nhất là những du khách thích khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu về văn hóa. Trong đó, các sản phẩm nghề truyền thống mang nhiều nét văn hóa đặc trưng được nhiều du khách biết đến, tạo điều kiện thuận lợi để gắn kết với phát triển du lịch.
Theo thống kê, trong cộng đồng các DTTS huyện Kon Plông đang lưu giữ 8 nghề truyền thống đặc sắc. Trong đó có 6 nghề truyền thống có nhiều nghệ nhân đang hoạt động, góp phần giữ gìn nhằm phục vụ nhu cầu đời sống gia đình và cộng đồng dân cư, như dệt thổ cẩm, đan lát, nấu rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống, rèn, làm nỏ.
|
Huyện Kon Plông hiện có 9 nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân tiêu biểu trong lĩnh vực nghề truyền thống, trong đó xã Măng Bút có 1 nghệ nhân; xã Măng Cành có 6 nghệ nhân; xã Ngọk Tem có 1 nghệ nhân; thị trấn Măng Đen có 1 nghệ nhân.
Thời gian qua, huyện Kon Plông tích cực kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch cộng đồng gắn với quảng bá, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nghề truyền thống của đồng bào DTTS. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, mở lớp tập huấn về khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống; hỗ trợ công cụ, dụng cụ nghề, hình thành các điểm trưng bày, bán sản phẩm nghề truyền thống tại các điểm du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa của địa phương và tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đến nay, huyện Kon Plông có 3 sản phẩm truyền thống được đầu tư phát triển hiệu quả, thường xuyên được mua bán, ký gửi tại các quầy trưng bày (rượu cần truyền thống, sản phẩm đan lát và dệt thổ cẩm). Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm truyền thống khác thường xuyên được quảng bá, kết nối với người tiêu dùng thông qua các hoạt động tại các dịp lễ hội, hội thi, hội nghị, chợ phiên (các nghề: chế tác nỏ, tạc tượng, chế tác âm nhạc truyền thống, nghề rèn).
Nhiều điểm, khu du lịch tại thị trấn Măng Đen, xã Măng Cành, xã Đăk Tăng đã làm tốt việc quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm truyền thống gắn với du lịch. Ngoài ra, một số địa phương như xã Hiếu, Pờ Ê, Măng Bút đang tích cực vận động tuyên truyền, từng bước khôi phục, phát triển các nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một.
Ông Huỳnh Xuân Hậu- Chủ tịch UBND xã Măng Bút cho biết, thời gian qua, UBND xã tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân trên địa bàn phát triển một số nghề truyền thống nhiều tiềm năng của địa phương như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, làm nhạc cụ, đàn bầu. Trong đó đặt hàng các nghệ nhân làm ra các bộ sản phẩm với mẫu mã đẹp mắt để trưng bày, quảng bá, trao đổi mua bán tại các quầy trưng bày, điểm du lịch; huy động nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày các sản phẩm truyền thống tại địa phương, kết hợp với tuyên truyền, vận động để bà con nâng cao nhận thức trong bảo tồn và phát triển các nghề của cha ông để lại.
|
Bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển nghề truyền thống trên địa bàn huyện Kon Plông vẫn gặp một số khó khăn nhất định như nghệ nhân làm nghề truyền thống chủ yếu để phục vụ gia đình, chỉ có một số ít nghệ nhân làm nghề có ý thức phát triển thành sản phẩm hàng hóa như tiến hành trao đổi, ký gửi sản phẩm tại các quầy trưng bày; sản phẩm làm bằng phương pháp thủ công mất rất nhiều thời gian, giá thành cao nên gặp khó khăn trong tiêu thụ; số người biết làm nghề truyền thống hầu hết đã lớn tuổi, sức khỏe yếu; nghệ nhân có tay nghề giỏi ít; một bộ phận lớp trẻ chưa mặn mà với việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống.
Thời gian tới, huyện Kon Plông tiếp tục bám sát các nghị quyết, chương trình của Trung ương, tỉnh và chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào cho người dân trên địa bàn với văn hóa truyền thống, các nghề dân gian để tích cực gìn giữ và phát huy. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác kết nối, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm từ nghề truyền thống thông qua các hội nghị, hội chợ triển lãm do các ngành, các cấp tổ chức. Đồng thời, vận động người dân chăm sóc bảo vệ vùng nguyên liệu như rừng tre, nứa để cung cấp cho nghề đan lát và chế tác nhạc cụ; hỗ trợ kinh phí để quảng bá, xây dựng kênh bán hàng trên trang thương mại điện tử và mạng xã hội.
Hoàng Thanh