Kon Plông: Đoàn kết giữ gìn bản sắc văn hóa
Người dân ở các thôn (làng) trên địa bàn huyện Kon Plông ra sức giữ gìn bản sắc văn hóa, chung sức thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Đã gần 5 năm kể từ ngày cả làng chung sức dựng nhà rông truyền thống, song, đến bây giờ, những ngày cùng vượt núi, băng rừng, cùng chẻ tre, đan lạt làm nhà rông vẫn in sâu trong tâm trí của người dân làng Vi Rơ Ngheo. “Đúng 3 tháng 10 ngày cả làng mình mới làm xong nhà rông. Nhà rông này là kết quả của tinh thần đoàn kết chứ tiền bạc biết bao nhiêu mà kể”- già làng A Chung - Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng nói.
Được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tuyên truyền, vận động triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, người dân làng Vi Rơ Ngheo tích cực hưởng ứng thực hiện. Không chỉ quyết tâm bảo tồn và phát huy giá trị nhà rông văn hóa, bà con còn chung sức giữ gìn văn hóa cồng chiêng.
|
Già A Chung kể rằng, trước đây, ở làng chỉ có duy nhất một đội cồng chiêng, sợ thế hệ gạo cội mất đi sẽ không lưu giữ được văn hóa cồng chiêng, qua công tác vận động, tuyên truyền, từ nhiều năm nay, những người già ở làng tập trung dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Nhờ đó, đến nay, cả làng có 3 đội cồng chiêng, trong đó có 2 đội cồng chiêng nhí.
Không riêng làng Vi Rơ Ngheo, tích cực triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đến nay, 6/6 thôn ở xã Đăk Tăng đều có cồng chiêng và có các đội cồng chiêng. Việc duy trì và sinh hoạt cồng chiêng tại các thôn (làng) được đảm bảo và phát huy hiệu quả. Nhất là vào các ngày lễ, tết hoặc các sự kiện của hộ gia đình, của thôn, của xã, huyện… tiếng cồng chiêng luôn ngân vang, tạo điểm nhấn cho các sự kiện.
Cùng với việc giữ gìn văn hóa cồng chiêng, ông Nguyễn Văn Bay - Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng cho biết, đến nay, tất cả các thôn (làng) ở xã đều có nhà sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, hầu hết các thôn (làng) trên địa bàn xã đều duy trì các lễ hội văn hóa, xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp; việc thực hiện nếp sống văn minh trong tiệc cưới, việc tang ngày càng được nâng cao. Người dân cũng đoàn kết thực hiện các phong trào thi đua, từng bước nâng cao đời sống kinh tế gia đình, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Câu chuyện đoàn kết giữ gìn bản sắc văn hóa trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã trở thành chuyện chung của tất cả các thôn (làng) trên địa bàn huyện Kon Plông. Như tại thôn Kong Vơng Kia, thị trấn Măng Đen, nhiều năm nay, các đội cồng chiêng luôn được duy trì. Hoạt động dệt thổ cẩm, đan lát vẫn hiện hữu trong đời sống hàng ngày của một số hộ gia đình.
|
Ông A Đruông - Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Kon Vơng Kia cho biết, qua công tác tuyên truyền, vận động, mỗi người dân đều nâng cao nhận thức về việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính việc giữ gìn bản sắc văn hóa đã giúp đời sống tinh thần của người dân phong phú hơn, mặt khác, còn giúp người dân thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại thôn.
Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kon Plông thường xuyên động viên, tuyên truyền, khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân tinh thần đoàn kết, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Bằng các hình thức khác nhau: tuyên truyền trên loa phát thanh, trên hệ thống đài phát thanh, tuyên truyền trong các buổi họp thôn… người dân đã nhận thức rõ nét hơn việc bảo tồn văn hóa trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động. Đến nay, 9/9 xã, thị trấn đều có đội cồng chiêng. Ngoài ra, mỗi thôn DTTS duy trì ổn định 1-2 đội xoang.
Ông A Reng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kon Plông nhấn mạnh, qua dòng chảy của thời gian, có những lúc, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện bị phai mờ. Song, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, sự phối hợp của các cấp, các ngành, MTTQ Việt Nam, công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống, chung sức thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được đẩy mạnh, người dân đã có những thay đổi rõ rệt. Không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, chính việc bảo tồn các giá trị văn hóa đã trở thành điểm nhấn thu hút du khách đến tham quan, du lịch.
“Từ các hiệu quả thiết thực, thời gian đến, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện sẽ tiếp tục phối hợp, tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” – ông Reng nói.
BÌNH AN