Kon Plông: Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch
Từ bao đời nay, đồng bào các DTTS của huyện Kon Plông luôn coi trọng việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Hiện nay, nhiều cộng đồng đồng bào DTTS còn biết tận dụng lợi thế, tích cực quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương để phát triển du lịch cộng đồng, mang lại thu nhập cho người dân.
Nghệ nhân ưu tú Y Lim (thôn Kon Pring, thị trấn Măng Đen) chia sẻ, người dân ở làng Kon Pring đều coi trọng việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của người Mơ Nâm nơi đây. Hiện nay, bà con dân làng vẫn giữ nghề đan lát để làm các vật dụng phục vụ sinh hoạt và sản xuất; giữ thói quen sinh hoạt cồng chiêng, múa xoang, tổ chức các lễ hội truyền thống, như mừng lúa mới, làm chuồng trâu tại nhà rông của làng.
Đội cồng chiêng, múa xoang của làng Kon Pring hiện có 25 thành viên, trong đó, có 3 trẻ em và 14 phụ nữ. Trong số thành viên nữ, có 2 người đánh cồng chiêng, còn lại những người khác múa xoang.
“Nhờ sự chung tay của bà con dân làng, bản sắc văn hóa của người Mơ Nâm luôn được giữ gìn. Làng Kon Pring đến nay phát triển được 5 homestay và ngày càng có nhiều người đến tham quan, lưu trú”- nghệ nhân ưu tú Y Lim nói.
|
Tại xã Măng Cành, trong những năm qua, UBND xã thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền, quán triệt sâu rộng đến cán bộ và nhân dân vai trò, trách nhiệm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, UBND xã tổ chức kiểm tra định kỳ các loại hình văn hóa, xây dựng kế hoạch bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đưa 4 đội nghệ nhân của xã tham gia các hội thi, sự kiện văn hóa quan trọng, phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức 2 lớp tập huấn về du lịch cộng đồng thu hút hơn 60 người tham gia và tổ chức nhiều đợt hướng dẫn, tập luyện cho các đội cồng chiêng, múa xoang các thôn. UBND xã Măng Cành cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai phục dựng lại lễ mừng lúa mới và lễ làm chuồng trâu tại thôn Kon Chênh để phục vụ, phát triển du lịch tại thôn.
Toàn xã Măng Cành hiện có 6 nghệ nhân ưu tú, 28 bộ cồng chiêng của người Mơ Nâm và tất cả 9 thôn trên địa bàn xã đều có nhà văn hóa cộng đồng, 1 đội cồng chiêng, múa xoang cùng 1 bộ cồng chiêng chung của thôn. Đặc biệt, tại Trường PTDTBT THCS xã Măng Cành có 1 đội cồng chiêng, múa xoang với thành viên là học sinh DTTS đang theo học tại trường.
Lãnh đạo UBND xã Măng Cành cho biết, các lễ hội truyền thống, diễn xướng, trò chơi dân gian, phong tục, tập quán, nếp sống tốt đẹp của cộng đồng các DTTS trên địa bàn xã đã và đang được chính quyền địa phương nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục, bảo vệ để không bị mai một.
Trên địa bàn huyện Kon Plông, đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ 86,63% trong tổng số nhân khẩu thường trú trên địa bàn, chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng (nhánh Mơ Nâm và nhánh Ka Dong) và dân tộc Hrê; ngoài ra còn có một số ít DTTS khác (như Thái, Ba Na, Mường, Nùng, Tày, Gia Rai).
|
Theo số liệu thống kê, từ năm 2021 đến nay, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kon Plông phối hợp với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn mở 24 lớp truyền dạy cồng chiêng với 1.060 người tham gia. Ngoài ra, đơn vị còn tham mưu UBND huyện Kon Plông cấp 9 bộ cồng chiêng và sửa chữa, làm mới 14 nhà văn hóa cùng 3 sân thể thao cho các thôn và tổ dân phố, trang bị 10 bộ cồng chiêng cho 10 đơn vị trường học, thành lập 2 câu lạc bộ văn nghệ truyền thống và hỗ trợ hoạt động cho 6 câu lạc bộ văn nghệ truyền thống. Tổng kinh phí UBND huyện Kon Plông triển khai hỗ trợ các hoạt động trên là hơn 6,6 tỷ đồng; nguồn kinh phí này được trích từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa.
Ông Đinh Tạm- Phó trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kon Plông cho biết, nhờ sự chung tay các ngành, đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn, hiện nay, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống của cộng đồng các DTTS ở huyện Kon Plông được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Toàn huyện có 12 nghệ nhân ưu tú về nghề rèn, tạc tượng, chỉnh cồng chiêng và chế tác nhạc cụ, 487 bộ cồng chiêng thuộc sở hữu của các hộ dân; 9/9 xã, thị trấn trên địa bàn đều có đội cồng chiêng, múa xoang; 72/72 thôn có cồng chiêng phục vụ sinh hoạt và đời sống tinh thần người dân. Huyện còn có 8 đội cồng chiêng, múa xoang thường xuyên tham gia hoạt động quảng bá văn hóa-du lịch.
Thời gian tới, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kon Plông tiếp tục phối hợp với các đơn vị và các địa phương của huyện triển khai thực hiện các nội dung bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch theo kế hoạch đã xây dựng; trọng tâm là tổ chức thành công Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS huyện lần thứ II, năm 2024.
Đức Thành