Không để cồng chiêng tiếp tục "chảy máu"
Trước tình trạng văn hóa cồng chiêng đang có nguy cơ mai một tại một số làng ĐBDTTS, những năm qua, ngành VHTT&DL, các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của nhân loại, để tiếng cồng, chiêng mãi ngân vang.
|
Thiếu cồng chiêng, lễ hội mất đi phần “hồn”
2 năm nay, kể từ khi bộ chiêng hội của làng Kon Jơ Ri, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà “không cánh mà bay” cũng là lúc tiếng cồng chiêng trong làng “im hơi, lặng tiếng”. Theo đó, các đấng mày râu cũng hiếm có cơ hội để thể hiện sự khỏe khoắn, điêu luyện trong các giai điệu núi rừng; đàn bà, con gái cũng không có dịp để thể hiện sự nhuần nhuyễn trong các điệu múa xoang. “Thiếu tiếng cồng chiêng, các lễ hội như mất đi phần “hồn” rồi” – ông A Ngok (53 tuổi) - Trưởng thôn Kon Jơ Ri cho biết.
Thiếu cồng chiêng, không có dụng cụ để tập luyện nên làng Kon Sờ Tiu II, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà cũng không còn mấy ai biết đánh cồng chiêng. Chính vì thế, mỗi lần có hội, già làng A Hriu lại phải mượn chiêng lẫn đội đánh chiêng – múa xoang từ làng bạn về biểu diễn. “Không có tiếng cồng chiêng, cái làng mình buồn lắm! Cứ cái đà này thì làng mình tiếp tục “mù” cồng chiêng thôi” – già làng A Hriu ngậm ngùi chia sẻ.
Còn tại làng Kon Tum Kờ Nâm (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum), từ lâu người dân nơi đây cũng mong ước có được 1 bộ cồng chiêng. Thế nhưng, vì điều ước ấy chưa thành hiện thực nên mỗi khi trong làng chuẩn bị có lễ hội, trưởng thôn, già làng lại phải ngậm ngùi đi mượn cồng chiêng từ các làng khác. “Những lúc không mượn được, làng mình đành phải tổ chức lễ hội “chay” thôi. Không có cồng chiêng, người dân không còn hứng thú với các lễ hội, với đà này, không chỉ có cồng chiêng mà văn hóa Ba Na trong làng cũng mai một mất thôi”- bà Y Giut - Thôn trưởng thôn Kon Tum Kờ Nâm trầm ngâm buồn.
Theo số liệu thống kê của Sở VHTT&DL, tính đến tháng 10/2011, toàn tỉnh chỉ có 243/588 thôn, làng ĐBDTTS có cồng chiêng, chiếm 41,3%. Như tại huyện Kon Rẫy, chỉ có 25/45 thôn, làng có cồng chiêng. Đặc biệt, tại xã Đăk Côi, có đến 10/13 thôn, làng “trắng” cồng chiêng. Hay như huyện Đăk Glei, tại xã Đăk Pét, Đăk Môn, mỗi xã đều có 9 thôn, làng mong ước có cồng chiêng...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do trước đây, nhận thức của bà con còn thấp, nhiều người đã đem bán cồng chiêng cho các thương lái hoặc bị mất nên số lượng cồng chiêng giảm dần. “Trong thời gian gần đây, cồng chiêng chủ yếu được lưu chuyển từ người này sang người khác, làng này sang làng khác trên địa bàn tỉnh nên số lượng vẫn ổn định” – anh Trần Văn Lâm - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở VHTT&DL cho biết.
Để ngưng “chảy máu” cồng chiêng
Trước tình trạng vẫn còn nhiều thôn, làng thiếu cồng chiêng, Sở VHTT&DL, các huyện, thành phố đã triển khai nhiều biện pháp như: tặng cồng chiêng, gây quỹ mua cồng chiêng, mở lớp dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ... nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng.
Cụ thể như ở huyện Sa Thầy, năm 2005, UBND huyện đã trích ngân sách mua 31 bộ cồng chiêng tặng cho các thôn, làng. Nhờ đó, tất cả các thôn, làng của huyện Sa Thầy đều có cồng chiêng, đặc biệt, ở các xã như Rờ Kơi, Mô Rai, người dân còn giữ nhiều bộ cồng chiêng quý với trị giá cả chục con trâu, bò.
Cũng giống như huyện Sa Thầy, vấn đề khôi phục và giữ gìn văn hóa cồng chiêng đã trở thành nỗi trăn trở của những người có trách nhiệm ở huyện Đăk Hà. Phòng VHTT huyện và chính quyền các xã luôn khuyến khích, thu hút các chương trình, dự án để đầu tư cồng chiêng cho dân làng. Năm 2013, được sự tài trợ của dự án Dự án Flitch, xã Đăk Psi đã tìm mua được 4 bộ chiêng ưng ý nhất để về phục vụ sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho bà con. Còn tại thôn Kon Kế, xã Ngọc Wang, người dân đã tự quyên góp và mua lại một bộ cồng chiêng mới, hay như làng Kon Jơ Ri, người dân đang cùng nhau làm mỳ để gây quỹ mua lại cồng chiêng cho làng.
Nhận thấy bảo tồn bản sắc văn hóa cồng chiêng không đơn thuần là việc giữ gìn những bộ cồng chiêng có giá trị mà còn thể hiện ở việc truyền dạy cho thế hệ mai sau nên các huyện, các xã đã chú trọng đến công tác truyền dạy. Từ năm 2010 đến nay, huyện Sa Thầy đã mở được 5 lớp truyền dạy kĩ năng diễn tấu cồng chiêng và các làn điệu dân ca thu hút 138 nghệ nhân và 626 học viên.
Ông Trần Văn Tiên – Trưởng Phòng VHTT huyện Sa Thầy cho biết: Nếu để lớp trẻ thờ ơ, hờ hững với cồng chiêng thì khi những nghệ nhân “gạo cội” chết đi, văn hóa cồng chiêng khó lòng mà khôi phục được. Do đó, chúng tôi chú trọng công tác truyền dạy. Qua các lớp truyền dạy, ý thức về giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc ở lứa tuổi thanh thiếu niên đã có sự chuyển biến rất đáng mừng.
Tại huyện Kon Plông, huyện Đăk Hà, chính quyền cũng đã tổ chức truyền dạy các giai điệu, tiết tấu và nhịp xoang của cồng chiêng cho các thanh thiếu niên người DTTS, để giữ được sự tinh túy trong bản sắc của dân tộc.
Để thanh âm cồng chiêng mãi ngân vang, ngân xa, Sở VHTT&DL đã tổ chức phục dựng một số lễ hội truyền thống của ĐBDTTS liên quan đến văn hóa cồng chiêng, đồng thời chú trọng quảng bá hình ảnh cồng chiêng đến với các nước trên thế giới. “Nhìn chung hoạt động cồng chiêng tại cộng đồng làng khá dày. Trong những năm qua, các đội cồng chiêng ở tỉnh đã đi trình diễn trên 8 nước. Mới đây nhất, đoàn nghệ nhân cồng chiêng xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy tham gia Lễ hội nhiệt đới và liên hoan Gannat tại Pháp và đã để lại những ấn tượng mạnh với người dân Pari” – anh Lâm phấn khởi cho biết.
Với chương trình hành động thiết thực: sưu tầm, bảo tồn gắn với phục hồi, truyền dạy gắn với quảng bá..., nạn “chảy máu” cồng chiêng sẽ được “cầm", các làng “trắng” cồng chiêng sẽ có cồng chiêng; các làng đã có cồng chiêng sẽ tiếp tục giữ gìn, lưu truyền, đưa tiếng cồng chiêng ngày càng ngân vang.
Hoài Tiến
Ông A Yui (81 tuổi) già làng Plei Weh, xã Ia Chim, TP Kon Tum: Từ trước đến nay làng tôi luôn duy trì, củng cố việc đánh cồng chiêng trong tất cả các lễ hội, từ đâm trâu, mừng lúa mới cho đến đám tang. Bây giờ chúng tôi cũng đang hướng dẫn, tập cho thế hệ thiếu nhi đánh cồng chiêng để tiếp nối, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. H.T |
---|