Giữ “trái tim” của làng
Chưa hết thiếu thốn, khó khăn, song người làng vẫn chung tay dựng lại nhà rông, như giữ lấy trái tim của mỗi người không khi nào ngừng đập.
Mấy hôm rồi mưa lớn quá. Nằm trong nhà nghe tiếng nước rầm rĩ trên mái tôn, tiếng gió vút ào trên những cành cây cổ thụ, già Rưnh nóng lòng khó ngủ. Trời vừa ngớt, già đã trở dậy, với chiếc áo cũ sờn khoác lên vai, lặng lẽ rảo bước trên đoạn đường mờ đất. Nhẹ nhàng tra chìa vào ổ khóa, già nheo mắt trông theo ánh đèn pin loang loáng lướt qua từng mảng phên nhà rông nâu nâu.
“Già làng đó ha? Ra làm gì sớm vậy?”- tiếng Trưởng thôn A Nhưk khiến già ngoảnh đầu lại. “Ừ, à...”- cái tẩu thuốc nhỏ trong tay rít nhẹ một hơi.
Họ dừng ở góc trái nhà rông, hướng từ cửa lớn đi vào. Trên cao, một khoảng thưa trống chừng hơn bàn tay hiện ra dưới ánh đèn soi chiếu. Dưới sàn gỗ, chỗ sẫm nước như đã loang rộng hơn. Sau khi đã kiểm tra kỹ và chắc chắn rằng chỉ có một góc phần hông nhà rông bị dột, hai ông cháu quay ra, ngồi xuống nơi đầu mái chồ.
|
Mới đó mà đã 4 năm, kể từ ngày “trái tim” làng được phục dựng, bề thế và đẹp đẽ khiến ai cũng lâng lâng vui sướng. Đã qua gần 80 mùa rẫy, già A Rưnh là một trong số phụ lão có thâm niên và kinh nghiệm làm nhà rông trực tiếp “chỉ huy” và tự tay tham gia vào những công đoạn khó. Lớp con cháu, mà đứng đầu là Trưởng thôn A Nhưk thì tuy còn phải học hỏi nhiều, song luôn tự tin vào sức vóc và sự nhanh nhạy.
Người làng ai cũng ưng cái bụng khi nhắc lại rằng, trải qua bao nhiêu biến cố, đổi thay của cuộc sống, mọi người vẫn chung sức đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ cùng ý nguyện gìn giữ và làm sống mãi các giá trị văn hóa truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng. “Trái tim” của làng luôn được hiện diện làm nơi gặp gỡ, hội họp, giao lưu, trao đổi chính nhờ lẽ ấy.
Lần gần nhất cũng chừng hơn 4 năm rồi, nhà rông mới được dựng lại trên nền đất đẹp và thuận lợi nhất, gần nơi nhà rông cũ đã đến hồi mục hư, tróc hỏng. Vì đã sống với dân làng đến trên 20 năm theo mô hình nhà sàn dài khiêm nhường mà ấm áp và trải qua nhiều lần lợp lại mái, sửa lại vách, sàn, nên “trái tim” cần được hồi sinh cho trẻ trung, mạnh mẽ.
Chung tay dựng lại nhà rông theo lối kiến trúc truyền thống chính là ý nguyện, cũng là quyết tâm của hơn 150 hộ dân. Tuy nhiên, trong lần đầu tiên dốc sức dốc lòng làm lại trái tim với quy mô lớn nhất từ nguyên mẫu thời ông bà mà khá lâu rồi vẫn chưa có dịp, nên các già làng đã phải tận tình góp trí góp công rất nhiều.
Theo già A Rưnh, chính tính tỉ mỉ, kỹ lưỡng của các bậc cao niên cùng sự nhanh nhạy, tháo vát của lớp trẻ ở làng được gắn kết như nhựa cây chuối cây sung đã mang đến sự suôn sẻ, trôi chảy như suối như khe trong hơn 3 tháng ròng phục dựng.
Khâu chuẩn bị lá tranh lợp mái tưởng đơn giản nhất cũng không hề dễ dàng vì phải vào tận rừng sâu rừng xa, mà không phải cứ muốn chỗ nào cũng đều sẵn có. Tuy vậy, một khi huyết mạch đã cần, mỗi người mỗi nhà quản gì lặn lội. Đảm bảo mỗi hộ góp đủ 5-7 bó tranh (mỗi bó đường kính 1m) trước khi bắt tay khởi công, là đã nhóm lên cả niềm kỳ vọng.
|
Khó nhất với phần dựng khung, lợp mái, rồi cũng dần qua. Khung thì có chính có phụ, đường thẳng, đường chéo, cùng nhiều rui dọc, rui ngang. Nóc nhà rông cao 16 mét thì phải làm khung tre 17-18m mét để trèo lên mà dựng mà buộc. Mái càng lên, càng cao chót vót. Người vững vàng, dạn dĩ mới dám trèo dám leo.
Mới đó mà đã 4 năm, kể từ ngày “trái tim” của làng được hồi sinh, tràn đầy sinh lực. Nhà rông “đúng chất” Ba Na, không hề cần bản vẽ, cây đinh, mà vẫn cân đối, hài hòa trong tổng thể uy nghi và hình dáng đẹp. Điều này, A Nhưk rút ra, là nhờ tính toán có “bí kíp” riêng, kết cấu đảm bảo tỷ lệ giữa các bộ phận cấu thành nhà rông và sức nặng công trình hoàn tất.
Vẫn theo già Rưnh, dù được làm chủ yếu bằng nguyên liệu sẵn trong tự nhiên, song ngoài mây lá tranh tre có thể lấy ở núi xa rừng sâu, thì nan giải, khó khăn là cây gỗ lớn gỗ to không còn sẵn như trước. Tự giác chấp hành quy định giữ rừng, nên chỉ với lõi cây bằng lăng cất dành lâu năm, thì thợ làng dùng cách bồi vào xi măng để thành trụ vững trụ cao, lại thêm đế hộp cột khung, đủ phần chắc chắn.
Mừng lắm, vui hơn, vì lúc ban đầu, vẫn cứ băn khoăn, e “không làm nổi”. Đó là tâm trạng chung của không ít hộ dân làng. Riêng với các già A Rưnh, A Thoách, A Khem, thì việc dựng lại nhà rông khang trang càng mang thêm ý nghĩa. “Người già làm được thì lũ trẻ làm được, lũ trẻ làm được thì tụi nhỏ sau này cũng ráng làm theo”- già Rưnh khà khà nhắc lại.
Nắng đã lên sau những ngày mưa dài. Chỗ bị dột đã được “vá” lại. Người làng gửi gắm vào đây tâm thành và ý nguyện giữ lấy “trái tim” cùng khát vọng vươn lên bằng sức mạnh cộng đồng.
Thanh Như