Giữ nghề đan lát truyền thống của người Ka Dong
Nặng tình với nghề truyền thống của người Ka Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng), những năm gần đây, nghệ nhân Y Tin (61 tuổi, thôn Đăk Vang, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi) tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân trong thôn Đăk Vang chung tay khôi phục nghề đan lát truyền thống tại địa phương.
Do tác động của quá trình phát triển kinh tế- xã hội, những vật dụng hiện đại, tiện dụng phục vụ đời sống xã hội ngày càng nhiều, đã lấn át một số ngành nghề truyền thống trong xã hội, bởi vậy, nghề đan lát truyền thống tại thôn Đăk Vang, xã Sa Loong dần bị mai một có nguy cơ thất truyền. Thêm vào đó, một số ít người biết đan lát truyền thống trong thôn Đăk Vang đã lớn tuổi, trong khi thế hệ trẻ không muốn học nên nghề đan lát truyền thống có nguy cơ thất truyền. Trước thực trạng này, nghệ nhân Y Tin mạnh dạn tuyên truyền, vận động những người lớn tuổi trong thôn cùng nhau khôi phục nghề truyền thống của cha ông để lại.
Với sự tâm huyết, tích cực của nghệ nhân Y Tin, cuối tháng 7/2024, Tổ đan lát truyền thống thôn Đăk Vang được thành lập với sự tham gia của 11 người cao tuổi (gồm 6 nữ và 5 nam). Theo sự phân công, phụ nữ trong tổ đảm nhiệm việc đan chiếu truyền thống, còn nam giới đan nia, rổ, rá, mẹt, gùi, nơm bắt cá.
|
Khi nghệ nhân Y Tin vận động khôi phục nghề đan lát truyền thống, ông A Chốt (74 tuổi) rất vui mừng và hưởng ứng nhiệt tình. Mỗi ngày, ông cùng với các thành viên trong tổ tìm kiếm nguyên liệu như cây giang, cây mây, dây rừng; sau đó mang về xử lý, cắt gọt rồi tiến hành đan lát.
Ông A Chốt chia sẻ: Để làm một cái rá theo đúng truyền thống của người Ka Dong, đòi hỏi rất nhiều công đoạn. Trước tiên, mọi người phải đi vào rừng để tìm nguyên liệu. Sau đó, uốn dây rừng theo hình tròn để làm đế; cây giang, cây mây tiến hành phơi khô, chẻ nhỏ rồi giọt mỏng, mịn, thuận tiện cho việc đan lát sản phẩm sau này. Thông thường, để hoàn thành mỗi chiếc rá phải mất 3 ngày công. Khách hàng rất thích mua rá về để sử dụng trong gia đình, bởi nó không chỉ là vật dụng cần thiết được sử dụng đời sống hằng ngày, mà còn rất bắt mắt với nhiều chi tiết sinh động.
Đến nay, Tổ đan lát truyền thống thôn Đăk Vang đã làm ra hàng trăm sản phẩm đan lát truyền thống, phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân trong thôn và xuất bán cho nhu cầu của thị trường trong, ngoài tỉnh.
Nghệ nhân Y Tin bộc bạch: Hiện tại, sản phẩm do thành viên trong tổ làm ra đều được tiêu thụ rất nhanh chóng. Tuỳ theo kích thước, độ tinh xảo, mỗi sản phẩm đan lát của tổ có giá từ 150.000 đồng đến 800.000 đồng. Không chỉ chung tay vào công tác bảo tồn nghề đan lát truyền thống, mà chính các sản phẩm truyền thống này đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập cho các thành viên trong tổ.
Không dừng lại ở đó, Tổ đan lát truyền thống thôn Đăk Vang phối hợp tổ chức truyền dạy nghề đan lát truyền thống cho các em học sinh bậc THCS trên địa bàn xã Sa Loong. Các buổi truyền dạy kỹ thuật đan lát của các thành viên trong tổ đã thu hút hàng trăm học sinh tham gia. Các em học sinh rất háo hức khi được tận tay làm ra những vật dụng truyền thống phục vụ đời sống sinh hoạt từ nghề truyền thống của các thế hệ cha ông để lại. Chính điều này, tạo tiền đề để các em thêm hứng thú, tham gia vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc.
|
Nghệ nhân Y Tin còn tích cực truyền dạy cho đội chiêng-xoang thanh thiếu nhi trong thôn Đăk Vang, góp phần vào việc bảo tồn không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên trong các thế hệ trẻ tại địa phương.
Ngoài ra, nghệ nhân Y Tin cũng bỏ thời gian để đến với các thôn, làng trên địa bàn huyện Ngọc Hồi để truyền dạy múa xoang truyền thống. Dưới sự ân cần, chu đáo và sự hướng dẫn nhiệt tình của nghệ nhân Y Tin, những điệu xoang đặc trưng của người Xơ Đăng như ru con, tỉa lúa, cõng gùi, chào mừng, vỗ tay được các đội nghệ nhân thể hiện rất sinh động.
Ông Phạm Khánh Quân- Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Ngọc Hồi nhận xét: Dù đã lớn tuổi, nghệ nhân Y Tin rất tâm huyết, nhiệt tình với công tác gìn giữ văn hoá truyền thống của dân tộc Xơ Đăng. Với sự truyền dạy của nghệ nhân Y Tin, nhiều thôn làng tại huyện Ngọc Hồi đã gìn giữ được nghề đan lát truyền thống, hình thành các đội cồng chiêng để trình diễn trong các lễ hội mừng lúa mới, mừng nhà rông mới, lễ bắc máng nước. Những năm qua, nghệ nhân Y Tin được các cấp khen thưởng vì có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn.
Tấn Lộc