Giữ nghề đan lát nơi đại ngàn
Khoác trên mình bộ thổ cẩm, bà Y Kle (61 tuổi, thôn Đăk Blò, xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông) thoăn thoắt đôi tay chẻ lạt, vót nan tạo ra những sản phẩm bằng tre, bằng nứa. Với bà Y Kle, đan lát như một công việc hằng ngày, như người bầu bạn lúc vui, lúc buồn.
Nghe có khách đến xem, chụp hình các sản phẩm đan lát, bà Y Kle cười ngại ngùng: Có gì đâu mà chụp hình. Cái nong, cái nia tôi đan cũng như họ bán ngoài chợ thôi. Nó cũng không đẹp như họ làm đâu.
Thấy chúng tôi năn nỉ mãi, bà Y Kle mềm lòng rồi mở cửa mời chúng tôi vào nhà. Trong căn nhà vách ván, bà Y Kle dành một khoảnh trống ngay cửa để đón ánh sáng thuận tiện cho việc đan lát. Những dụng cụ đan lát cùng các sản phẩm được bà treo ngay ngắn, gọn gàng.
“Nhà thì nhỏ mà mình để bừa bộn thì không có chỗ để ngồi ăn cơm, không có chỗ cho cháu học bài” - bà Y Kle tâm sự.
Kể về việc học đan lát, bà Y Kle chỉ nhớ lại, bà không học từ ba mẹ, mà từ anh trai mình. Bởi ngày còn nhỏ, ba mẹ bà hay lên rẫy, phần lớn thời gian bà theo người anh trai. Bà Y Kle theo anh ra suối, theo anh đến trường và cùng anh chặt tre, chặt nứa, đan gùi.
|
Bà Y Kle kể, ngày xưa, với đàn ông Xơ Đăng, chiếc gùi như vật bất ly thân. Từ sáng sớm, khi thức giấc, chiếc gùi theo chân anh trai lên rẫy. Gùi đựng cơm, đựng nước. Gùi mang cá, mang rau về nhà.
Những lúc rảnh rỗi hay những đêm sáng trăng, anh trai của bà lại ngồi chẻ lạt, vót nan, miệt mài đan gùi. Khi ấy, bà Y Kle cũng mon men lại ngồi gần, chăm chú dõi theo đôi tay người anh. Y Kle nhanh nhẹn, sáng dạ, xem vài lần có thể học cơ bản cách đan gùi.
Năm lên 10 tuổi, Y Kle đã thoăn thoắt đôi tay ngồi vót nan cho anh trai. Những lúc anh đi vắng, Y Kle mon men ngồi vào tập đan. Sau vài lần, Y Kle đã có thể tự đan cho chính mình một chiếc gùi đi rẫy mà không cần sự trợ giúp của anh. Một thời gian sau, Y Kle thấy ngoài chiếc gùi, người Xơ Đăng còn có thể làm ra nhiều sản phẩm khác từ tre, nứa để phục vụ đời sống như nong, nia, các dụng cụ đánh bắt cá.
Y Kle tìm đến những người già trong làng để học cách đan nong, đan nia. Bà Y Kle nhận ra, đan lát không cần dùng nhiều sức lực mà đòi hỏi sự uyển chuyển, khéo léo của đôi tay, sự tinh ý, nhanh nhẹn của đôi mắt và hơn hết là sự tinh tế khi vót nan. Đan lát càng lâu năm, người thợ càng có khả năng cảm nhận sợi nan khi cầm, biết được độ mỏng đủ để đan được hay chưa.
“Lúc mới đan nong, tôi đã đan hỏng nhiều chiếc. Chiếc thì bị méo, chiếc thì nan không đều. Mãi đến khi lấy chồng thì mới đan đều và đẹp, nhà chồng ai cũng ngợi khen”- bà Y Kle tâm sự.
|
Sau khi lập gia đình, Y Kle tiếp tục miệt mài tạo ra những chiếc gùi, chiếc nia để mang đổi gà, đổi gạo phục vụ đời sống hằng ngày. Cùng với đó, bà cũng đan ra nhiều dụng cụ bằng tre để biếu cho người thân sử dụng.
Giờ đây, khi đời sống nâng cao, nhiều dụng cụ bằng nhựa thay thế nong, nia, gùi. Thế nhưng, bà Y Kle vẫn gắn bó với nghề đan lát, bà xem đây là một công việc mưu sinh hằng ngày. Trung bình một tháng bà Y Kle đan khoảng 15 chiếc nong, nia các loại. Tùy theo kích thước, chiếc nia nhỏ có giá 40.000- 100.000 đồng, những chiếc lớn hơn có giá từ 120.000- 200.000 đồng.
Với giá bán phải chăng, nhiều người tìm đến bà Y Kle hỏi mua sản phẩm bằng tre, nứa. Trung bình một tháng bà có thêm thu nhập từ 500.000- 1.500.000 đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày.
Bà Mai Thị Luận- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Ông cho biết: Bà Y Kle là một trong những người đang bảo tồn và phát huy nghề đan lát truyền thống của người Xơ Đăng. Những sản phẩm bà làm ra rất sắc sảo, bắt mắt nên được nhiều người yêu thích, ủng hộ. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền những người biết đan lát tiếp tục phát huy, truyền dạy cho thế hệ trẻ để nghề này được giữ gìn và bảo tồn; đồng thời làm cầu nối tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm giúp bà Y Kle nói riêng và người dân nói chung trên địa bàn.
Văn Tùng