Gìn giữ nghề dệt thổ cẩm ở Măng Bút
Nhằm bảo tồn, giữ gìn, phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Xơ Đăng, một số nghệ nhân tại xã Măng Bút (huyện Kon Plông) đã cùng nhau tham gia vào nhóm phụ nữ dệt thổ cẩm. Không chỉ phục vụ cho đời sống sinh hoạt hằng ngày của bà con nhân dân, các sản phẩm thổ cẩm tại xã Măng Bút còn đáp ứng nhu cầu của đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Xơ Đăng đã có từ lâu đời. Trước đây, bà con tự trồng bông để thu hoạch và kéo sợi. Sau đó, sợi được ngâm ủ cùng các loại cây rừng để tạo ra màu sắc đa dạng như đỏ, vàng, chàm, đen. Thông qua việc dệt thủ công trên khung cửi, các sản phẩm truyền thống của người Xơ Đăng được hình thành, tiêu biểu như váy của phụ nữ, khố, áo của đàn ông, khăn choàng đầu, chăn đắp.
Do tác động của quá trình hiện đại hoá và hội nhập, các sản phẩm dệt công nghiệp giá rẻ dần chiếm lĩnh thị trường, vì thế, nghề dệt thổ cẩm truyền thống trên địa bàn huyện Kon Plông đứng trước nguy cơ bị mai một. Trước thực trạng này, Hội LHPN huyện Kon Plông đã đứng ra vận động và thành lập nhóm phụ nữ dệt thổ cẩm thôn Đăk Lanh, xã Măng Bút vào tháng 5/2024. Tham gia vào nhóm, 10 nghệ nhân tại thôn được hỗ trợ khung cửi, sợi dệt; các nghệ nhân cùng nhau chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm để làm ra các sản phẩm dệt thổ cẩm chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
|
Bà Y Hình- Chủ tịch Hội LHPN xã Măng Bút chia sẻ: Việc thành lập nhóm phụ nữ dệt thổ cẩm được sự đón nhận rất nồng nhiệt của các nghệ nhân và đông đảo bà con nhân dân. Sau khi thành lập, các nghệ nhân tranh thủ thời gian lao động nông nhàn để dệt thổ cẩm ngay tại nhà. Các sản phẩm hoàn thiện được nhóm phụ nữ dệt thổ cẩm thu gom để bán cho khách du lịch.
Khác với trước đây, nghề dệt thổ cẩm của người Xơ Đăng có nhiều thay đổi đáng kể. Các nghệ nhân sử dụng các sợi chỉ, sợi len đa dạng màu sắc được bán ở ngoài thị trường để thay thế các sợi tự làm thủ công. Các màu sắc, hoạ tiết, hoa văn trên các vật dụng, trang phục của phụ nữ, nam giới được cách tân để phù hợp với thị hiếu của khách hàng và nhu cầu của thị trường.
Sau gần 7 tháng triển khai, đến nay, nhóm phụ nữ dệt thổ cẩm thôn Đăk Lanh, xã Măng Bút đã cung ứng ra thị trường hàng trăm sản phẩm, góp phần làm đa dạng sản phẩm lưu niệm truyền thống của đồng bào các DTTS gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Kon Plông.
|
Không chỉ tại thôn Đăk Lanh, nghề dệt thổ cẩm hiện đang tiếp tục được duy trì tại một số thôn của xã Măng Bút. Với mong muốn lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc Xơ Đăng, nghệ nhân Y Doa (59 tuổi, thôn Đăk Niêng) dành nhiều thời gian làm ra các sản phẩm dệt để phục vụ cho nhu cầu của gia đình và bán ra thị trường.
Theo nghệ nhân Y Doa, để làm ra các sản phẩm dệt thổ cẩm đẹp, đòi hỏi người dệt phải chịu khó, khéo léo, tỉ mỉ trong từng chi tiết. Các hoa văn phải đảm bảo màu sắc hài hoà, bố trí hợp lý để tôn lên vẻ đẹp tự nhiên của thổ cẩm.
Bà Ngô Thị Na- Chủ tịch Hội LHPN huyện Kon Plông cho biết: Nhằm chung tay vào công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các DTTS, trong thời gian đến, Hội LHPN huyện sẽ đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã để bao tiêu sản phẩm dệt thổ cẩm cho bà con nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp truyền dạy cho phụ nữ tại các xã, thị trấn, góp phần để nghề dệt thổ cẩm truyền thống trên địa bàn huyện Kon Plông được duy trì và không bị mai một theo thời gian.
Tấn Lộc