Gìn giữ nghề dệt thổ cẩm của người Thái trên vùng quê mới
Nghề dệt thổ cẩm của người Thái đã có từ lâu đời, được coi là một trong những tiêu chuẩn đánh giá sự khéo léo người con gái. Lập nghiệp trên vùng quê mới (xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai), nhiều hộ gia đình người Thái vẫn nỗ lực giữ gìn nghề dệt.
Năm nay 60 tuổi, nhưng đôi tay của bà Vi Thị Tăm (60 tuổi, dân tộc Thái, ở xã Ia Dom) vẫn thoăn thoắt xe những sợi chỉ màu lên khung cửi. Trò chuyện với chúng tôi, bà Tăm tâm sự: Quê tôi ở Thanh Hóa đi kinh tế mới vào đây từ năm 2010. Lập nghiệp trên vùng quê mới, tôi gửi niềm thương nỗi nhớ nơi “chôn nhau cắt rốn” vào khung dệt.
Những ngày đầu đến Ia Dom, thấy vợ buồn bã nhớ người thân, nhớ quê, chồng bà Tăm quyết định làm khung dệt cho vợ. Bên cạnh đó, ông tìm cách nuôi tằm lấy sợi và mua thêm len, chỉ cho vợ. Từ đó bà Tăm đã sử dụng toàn bộ thời gian rảnh để dệt và truyền dạy cách dệt cho con cháu.
|
Theo bà Tăm, tình yêu với thổ cẩm của người phụ nữ Thái được nuôi dưỡng từ những năm tháng tuổi thơ nhìn các bà, các mẹ ngồi bên khung cửi, miệt mài dệt vải để làm nên những tấm váy, chiếc khăn. Khi 8-9 tuổi, các cô bé sẽ được bà, mẹ dạy cách nhuộm vải, se tơ, thêu thùa, dệt vải. Và rồi những bàn tay khéo léo ấy đã làm ra váy, khăn, chăn, màn, gối, đệm. Đây cũng là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá sự khéo léo, chăm chỉ của người con gái Thái.
Cùng là người Thái, định cư ở xã Ia Dom, bà Lò Thị Thân (55 tuổi) chia sẻ: Tôi thường tranh thủ dệt vào những lúc rảnh rỗi, ban đêm hoặc là giữa trưa, lúc ấy không lên nương rẫy thì mình ngồi dệt. Cứ như thế, trong vòng 15 ngày tôi làm được 1 tấm thổ cẩm. Sau khi hoàn tất, tôi may thành những bộ trang phục truyền thống gồm váy, áo cóm, khăn piêu, dây thắt ngang bụng.
Khi có người đặt hàng, bà Thân sẽ dành trọn thời gian và tâm trí cho việc dệt. Tùy theo yêu cầu của khách, bà tự nghĩ cách kết hợp các họa tiết sao cho bộ trang phục trở nên độc đáo hơn. Càng nhiều chi tiết, giá của trang phục Thái càng cao, dao động từ 1 - 3 triệu đồng/bộ.
|
Đặc điểm của nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái là bà con tự làm tất cả, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, dệt vải, nhuộm màu, nhuộm chỉ, thêu may thành sản phẩm cuối cùng. Bà con cũng tự sáng tạo cách nhuộm màu rất tự nhiên cho thổ cẩm từ các loài cây rừng, qua tài năng pha trộn của người phụ nữ Thái mà tạo nên những màu sắc độc đáo khác nhau.
Có rất nhiều loại hoa văn, họa tiết được thể hiện sống động trên thổ cẩm Thái và được sử dụng linh hoạt phù hợp với từng loại sản phẩm khác nhau. Ví như hoa văn ở chân váy thêu chủ yếu là chim muông, cỏ cây, hoa, lá, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Thái khiến cỏ cây, hoa lá, chim muông cũng phải ngắm nhìn và theo bước họ. Trên những chiếc chăn thường thêu hình con thuồng luồng thể hiện tình cảm, ước mơ và lòng vị tha cao cả của người mẹ, người vợ luôn chung thủy, bao dung; với khăn piêu hoa văn trang trí khá đa dạng về màu sắc những vẫn sinh động và hài hòa.
Ngày nay, dù những phụ nữ trẻ thích mặc trang phục hiện đại hơn, bởi tính thông dụng của nó, tuy nhiên, trong các dịp quan trọng của người Thái, như ngày tết, lễ, bầu cử, ngày hội đại đoàn kết những người phụ nữ ở đây đều duyên dáng trong trang phục thổ cẩm.
Không chỉ bà Tăm, bà Thân, hầu hết chị em phụ nữ dân tộc Thái ở xã Ia Dom vẫn ngày đêm cần mẫn bên khung cửi dệt, thêu những tấm thổ cẩm truyền thống. Với mong muốn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình vừa tạo công ăn việc làm, cải thiện kinh tế gia đình, các chị em mong muốn các cấp, ngành quan tâm tạo điều kiện thành lập Làng nghề thổ cẩm dân tộc Thái.
Thanh Tú