“Đổi mới nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa, nhiệm vụ xây dựng con người”
Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Với điều kiện đặc thù của tỉnh thì đâu là giải pháp, là khâu đột phá để nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống? PV Báo Kon Tum đã có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Thị Thanh Vân- Giám đốc Sở VHTT&DL để hiểu hơn về vấn đề này.
Thưa đồng chí, từ khi NQ 33-NQ/TW ban hành đến nay, ngành VH-TT&DL tỉnh đã tham mưu gì cho Tỉnh ủy-HĐND-UBND để lãnh đạo triển khai thực hiện NQ trên địa bàn tỉnh?
Hiện nay, cấp ủy các cấp đã và đang tổ chức các hội nghị triển khai học tập và thực hiện NQ Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI), trong đó có NQ 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Ngày 12/9/2014, Sở VH-TT&DL đã tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các Kết luận, NQ Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI), trong đó có NQ 33-NQ/TW. Hội nghị đã quán triệt các yêu cầu cơ bản, lâu dài, những ưu tiên tập trung cho những nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, trọng điểm trước mắt đến năm 2016 và những năm tiếp theo.
|
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Sở VH-TT&DL đã xây dựng và lấy ý kiến góp ý của các ngành, UBND các cấp về xây dựng Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện NQ số 33-NQ/TW; tham mưu, đề xuất nội dung dự thảo Chương trình hành động thực hiện NQ và đề xuất triển khai các nội dung trên tinh thần bám sát mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể, 5 quan điểm, 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
NQ 33-NQ/TW là sự kế thừa và phát triển của NQ Trung ương 5 (khóa VIII), vậy có những điểm gì mới?
NQ đã đưa ra 5 quan điểm, 6 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp, trong đó phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Trọng tâm của quá trình xây dựng và phát triển văn hóa là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Nêu cao vai trò của gia đình, cộng đồng trong xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa và xác định xây dựng văn hóa là sự nghiệp của toàn dân.
6 nhiệm vụ đó là: xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
4 nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện- mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, đó là: tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa và tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa.
NQ số 33-NQ/TW, Đảng ta đã kế thừa những giá trị của các văn kiện trước và khẳng định: Văn hóa phải gắn với con người. Điều đó được thể hiện ngay ở tiêu đề văn kiện là “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, khẳng định yếu tố con người đối với vấn đề phát triển bền vững của đất nước với đầy đủ những yêu cầu về phẩm chất, năng lực cần có của con người thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Đây là điểm mới nổi bật của NQ 33, tinh thần cơ bản của NQ là “dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học”.
Mục tiêu của NQ 33 - NQ/TW là “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, vậy xin bà cho biết với điều kiện đặc thù của tỉnh Kon Tum, ngành VH-TT&DL lựa chọn những khâu nào (giải pháp) mang tính đột phá để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả, thiết thực và nhanh chóng đưa NQ vào thực tiễn của cuộc sống?
Kon Tum có trên 30 thành phần dân tộc; trong đó có 6 dân tộc bản địa là Ba Na, Ja Rai, Xê Đăng, Jẻ - Triêng, Brâu, Rơ Măm. Mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa rất riêng, phong phú và đa dạng. Mặc dù mặt bằng kinh tế, cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa của tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng Kon Tum rất tự hào về truyền thống văn hóa đặc sắc của mình. 15 năm thực hiện Chương trình hành động 67/CTr-TU ngày 7/10/1998 về thực hiện NQ TW5 (khoá VIII), công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, ngành và nhiều nhà khoa học, nghiên cứu về văn hóa ghi nhận.
Trong các giải pháp góp phần đưa NQ 33 vào thực tiễn cuộc sống, ngành VH-TT&DL sẽ tham mưu Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp chỉ đạo về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, đổi mới nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò, vị trí của văn hóa, nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống. Chú trọng giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách, ý thức tự trọng, tự chủ vươn lên. Xây dựng và phát huy lối sống “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa. Khắc phục tư tưởng dựa dẫm, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong một bộ phận nhân dân trong quá trình thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Đẩy mạnh thực hiện và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng cộng đồng thôn, làng, tổ dân phố văn hóa góp phần tăng cường “tình làng, nghĩa xóm”, tương trợ giúp nhau cùng tiến bộ.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, bản sắc văn hóa các DTTS, gắn kết công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn Nghệ thuật tỉnh, các đội tuyên truyền lưu động, đội chiếu phim lưu động, tăng số buổi biểu diễn nghệ thuật. Đa dạng hóa các loại hình thư viện, tủ sách, kết nối các hoạt động thư viện tỉnh với thư viện huyện, thư viện trường học và tủ sách pháp luật cơ sở, tủ sách các cơ quan; xây dựng hệ thống thư viện điện tử.
Mở rộng giao lưu, hợp tác, quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương ra bên ngoài; đặc biệt tăng cường giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống với cán bộ, nhân dân các tỉnh giáp biên giới như tỉnh Nattarakiri-Campuchia và các tỉnh Attapư, Sê Kông –Lào...
Quang Định (thực hiện)