Độc đáo rượu nếp than vắt của người Ba Na
Đến với thôn Kon Tu Dốp 2, xã Pô Kô (huyện Đăk Tô), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về nỗ lực gìn giữ hương vị rượu nếp than vắt độc đáo của gia đình chị Y Lang (sinh năm 1983, dân tộc Ba Na).
Giới thiệu với chúng tôi về sản phẩm rượu nếp than vắt được đóng chai thủy tinh cùng nhãn mác bắt mắt, chị Y Lang chia sẻ: Sản phẩm rượu nếp than vắt được hình thành là niềm tự hào của bản thân tôi, bởi sản phẩm này đã được người dân Ba Na tại xã Pô Kô gìn giữ, lưu truyền và sử dụng nhiều thế hệ. Nay, gia đình tôi góp phần giới thiệu với khách hàng gần xa về thức uống mang hương vị truyền thống của dân tộc Ba Na, nên tôi rất vui.
“Từ khi còn bé, tôi và người dân ở thôn Kon Tu Dốp 2, xã Pô Kô được thưởng thức rượu nếp than vắt do các bậc cha ông làm ra nhân các dịp lễ hội lớn trong làng như mừng lúa mới, mừng nhà rông mới. Được thưởng thức hương vị thơm ngon, ngọt dịu của loại rượu truyền thống của dân tộc mình, khiến tôi luôn có suy nghĩ làm sao để đưa sản phẩm này đến với đông đảo khách hàng, tạo thành sản phẩm hàng hoá mang lại thu nhập cho gia đình và bà con trồng nếp than. Và, giờ thì tôi đã làm được điều mình mong muốn đó”- chị Y Lang bộc bạch.
|
Năm 2018, chị Y Lang bắt tay vào việc nấu rượu nếp than vắt để sử dụng trong gia đình, tiếp đãi khách quý và tặng cho bạn bè. Thông qua đó, chị Y Lang nhận được nhiều lời động viên để triển khai sản xuất rượu với quy mô lớn hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Trên cơ sở đó, từ năm 2020 đến nay, chị Y Lang đầu tư phát triển sản xuất, không ngừng cải tiến máy móc, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm sản xuất rượu nếp than vắt với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hiện nay, quy trình nấu nếp than được gia đình chị Y Lang sử dụng bếp điện thay cho bếp củi; khâu vắt rượu được sử dụng bằng máy móc chuyên dụng thay cho vắt bằng tay; rượu nếp than vắt được chứa trong chai thủy tinh có nắp đậy thay thế cho chai nhựa, đảm bảo lưu giữ được hương vị độc đáo của sản phẩm trong thời gian lâu.
Hiện tại, nguyên liệu nếp than được chị Y Lang thu mua của hộ gia đình trồng nếp than tại xã Pô Kô với quy mô sản xuất là 1,5ha. Quy trình sản xuất rượu nếp than vắt được chia làm nhiều công đoạn. Đầu tiên, nếp than được nấu chín trong nồi điện, đảm bảo độ mềm dẻo; nếu khô quá hay nhão quá sẽ ảnh hưởng không tốt đến hương vị của sản phẩm.
Nếp than nấu chín, làm nguội, trộn đều với men truyền thống được làm từ các loại cây rừng theo tỷ lệ nhất định. Sau đó, nguyên liệu được đưa vào các lu, ghè, thùng có nắp đậy để tiến hành ủ lên men. Quá trình này kéo dài khoảng 10 ngày đến 30 ngày, yêu cầu phải đậy kín, không để nguyên liệu tiếp xúc với ánh nắng và không khí bên ngoài.
Tiếp đó, đưa nguyên liệu vào máy vắt lọc lấy rượu nguyên chất, đổ vào các chai thuỷ tinh rồi đóng nắp, dán nhãn và vào hộp.
|
Trong năm 2023, sản phẩm rượu nếp than vắt của chị Y Lang xuất bán ra thị trường đạt trên 300 lít, chủ yếu tại địa bàn các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Phước. Vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, việc sản xuất rượu nếp than vắt của gia đình chị không đủ để cung ứng cho nhu cầu của thị trường và khách hàng.
Chi Y Lang cho biết: Thời gian đến, gia đình tôi sẽ liên kết với người dân tại xã Pô Kô để mở rộng vùng trồng nếp than lên 4,5ha. Đồng thời, tiếp tục đổi mới quy trình sản xuất, sử dụng máy móc có công suất lớn hơn để làm ra nhiều sản phẩm hơn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Sản phẩm hiện đang hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục về nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, giấy phép sản xuất, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm để tham gia sản phẩm OCOP, qua đó khẳng định thương hiệu, củng cố uy tín với khách hàng.
Tấn Lộc