Đăk Tô: Gìn giữ “nhịp chiêng xoang” ở vùng đồng bào DTTS
Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các DTTS trên địa bàn huyện Đăk Tô được chính quyền địa phương và người dân chú trọng thực hiện. Tiếng cồng chiêng và nhịp múa xoang độc đáo của các thế hệ cha ông đang tiếp tục được trình diễn trong các ngày hội, tạo thành nét đẹp văn hóa và niềm tự hào của đồng bào DTTS nơi đây.
Trước đây, do tác động của quá trình hiện đại hoá và hội nhập, không gian văn hoá cồng chiêng của đồng bào Xơ Đăng tại xã Đăk Trăm đứng trước nguy cơ mai một. Một số thôn không có bộ cồng chiêng để luyện tập và trình diễn, vì thế việc truyền dạy cồng chiêng cho các thế hệ trẻ cũng gặp nhiều khó khăn.
Chính vì thế, những năm gần đây, xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của người dân, xã Đăk Trăm được các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ 5 bộ cồng chiêng, qua đó đảm bảo 7/7 thôn của xã có bộ cồng chiêng. Nhờ thế, tại các thôn, việc luyện tập và trình diễn cồng chiêng được duy trì thường xuyên; các nghệ nhân tích cực chỉ dạy cho con cháu cách sử dụng nhạc cụ truyền thống độc đáo này.
|
Triển khai công tác bảo tồn, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào DTTS tại chỗ trên địa bàn, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương của huyện Đăk Tô thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn đến với người dân, đặc biệt là thông qua đội ngũ già làng, người có uy tín trong cộng đồng.
Năm 2021 đến nay, UBND huyện Đăk Tô chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn huy động các nguồn lực để cấp 17 bộ cồng chiêng cho các thôn đồng bào DTTS chưa có cồng chiêng, nâng tổng số bộ cồng chiêng trên địa bàn huyện Đăk Tô lên 59 bộ. Bên cạnh đó, Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với UBND các xã tổ chức 5 lớp truyền dạy cồng chiêng-múa xoang cho trên 120 học viên thuộc các xã Kon Đào, Pô Kô, Đăk Trăm; tổ chức 1 lớp dạy chỉnh chiêng cho 8 nghệ nhân là đồng bào DTTS ở các xã.
Tại một số lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Xơ Đăng, Ba Na như lễ bắc máng nước, lễ mừng lúa mới, việc biểu diễn cồng chiêng- múa xoang của các nghệ nhân tiếp tục được duy trì và phát huy.
Ngoài ra, huyện Đăk Tô tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng thông qua như ngày hội văn hóa các dân tộc; hội thi cồng chiêng- múa xoang cấp huyện và cấp xã; các chương trình nghệ thuật, văn nghệ quần chúng.
|
Tại Hội thi cồng chiêng- xoang các DTTS huyện Đăk Tô lần thứ II- năm 2024 mới được tổ chức, gần 300 nghệ nhân đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện trình diễn nhiều tiết mục đặc sắc, thu hút đông đảo người dân đến xem và cổ vũ. Đây là dịp để các nghệ nhân giao lưu, học hỏi kỹ năng biểu diễn; chia sẻ các giải pháp để thực hiện tốt việc truyền dạy cồng chiêng- múa xoang cho các thế hệ con cháu sau này.
Là thành viên nhỏ tuổi nhất tham gia Hội thi, em Y Lâm Huy (9 tuổi), ở thôn 5, xã Diên Bình chia sẻ: Em rất thích âm thanh ngân vang của cồng chiêng. Do vậy, em nhờ các nghệ nhân trong thôn chỉ dạy cách đánh cồng, đánh chiêng. Em cảm thấy rất vui vì đã có thể đánh được cồng chiêng, mang lại cho mọi người nhiều tiết mục ý nghĩa.
Ông Sa Phương- Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô cho biết: Thời gian đến, UBND huyện Đăk Tô chỉ đạo Phòng Văn hoá và Thông tin, UBND các xã, thị trấn tiếp tục tập trung nguồn lực của Trung ương và địa phương để thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy không gian văn hoá cồng chiêng tại các thôn đồng bào DTTS trên địa bàn. Trong đó, trọng tâm là hỗ trợ cồng chiêng cho các thôn khó khăn, phấn đấu đạt mục tiêu 100% thôn đồng bào DTTS có bộ cồng chiêng. Duy trì các lớp truyền dạy cồng chiêng- múa xoang hàng năm, tạo môi trường bổ ích, lý thú cho các thế hệ trẻ tìm hiểu, học hỏi và đam mê hơn với văn hoá cồng chiêng của dân tộc mình; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho việc duy trì và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống đồng bào các DTTS trên địa bàn.
Tấn Lộc