Đăk Hà: “Đánh thức” tiềm năng du lịch
Những năm gần đây, huyện Đăk Hà tích cực khai thác, phát huy các giá trị về quang cảnh thiên nhiên và văn hóa để góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Đăk Hà là vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, có 2 di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh là Khu căn cứ kháng chiến Đăk Ui-Đăk Pxi và Điểm cao 601, 1 di tích lịch sử - văn hóa là Công trình thủy lợi đập Đăk Ui (đập Mùa Xuân). Địa phương có gần 30 dân tộc anh em từ khắp mọi miền của đất nước hội tụ về sinh sống, lao động sản xuất, tạo nên sự đa dạng về văn hóa. Huyện Đăk Hà cũng nằm trong lưu vực sông Pô Kô, nơi có công trình thủy điện Plei Krông, có rừng đặc dụng Đăk Uy với quy mô 659,5ha và nhiều hồ chứa nước ngọt, sông suối.
Đây là những là điều kiện thuận lợi để địa phương khai thác, phát triển du lịch, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân.
|
Để từng bước nâng cao tỷ trọng ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế của địa phương, Đảng bộ, chính quyền huyện Đăk Hà tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa chủ trương phát triển du lịch bằng các nghị quyết chuyên đề, các chương trình, kế hoạch, đề án. Các ngành và các địa phương của huyện tích cực truyên truyền, vận động nhân dân, nhất là đồng bào DTTS tại chỗ giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc trong sinh hoạt cộng đồng, hộ gia đình như làm rượu cần, dệt thổ cẩm, đan lát dụng cụ phục vụ sản xuất, sinh hoạt gia đình (gùi, giỏ…); chế biến các món ăn truyền thống, duy trì cồng chiêng, múa xoang, các lễ hội mang đặc trưng riêng để phát triển du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, huyện Đăk Hà ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm du lịch trọng điểm, trong đó, tập trung xây dựng và hình thành Làng Du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà). Hiện, tại điểm du lịch cộng đồng đã xây dựng được 2 tổ hợp tác du lịch, 4 tổ nhóm ngành nghề, 13 homestay, hơn 35 hộ tham gia làm du lịch, đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách từ lưu trí, ăn uống, tham gia các hoạt động trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng. Qua đó, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân và tạo động lực để người dân gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống.
Để tạo sức hút cho du lịch của địa phương, huyện Đăk Hà đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; nâng cao chất lượng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, mang bản sắc riêng của địa phương như du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với tham quan, trải nghiệm các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, mua sắm sản phẩm OCOP. Kết nối các tour du lịch với các địa phương có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như thành phố Kon Tum, các huyện Kon Plông, Ngọc Hồi, Đăk Glei.
|
Đặc biệt, tại khu vực rừng đặc dụng Đăk Uy (xã Đăk Mar), huyện Đăk Hà xây dựng không gian “Đăk Hà ngày mùa” và duy trì tổ chức các hoạt động như phiên chợ nông nghiệp sạch, tái hiện các lễ hội truyền thống, trình diễn trang phục thổ cẩm, thi ẩm thực, triển lãm và quảng bá các sản phẩm đan lát, chế tác và biểu diễn nhạc cụ dân tộc, biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng- xoang của đồng bào các DTTS trên địa bàn. Qua đó, góp phần tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hình ảnh vùng đất, con người Đăk Hà, những tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế, giá trị văn hóa truyền thống, di sản đặc sắc của các DTTS trên địa bàn huyện.
Chỉ tính riêng trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, huyện Đăk Hà đã thu hút khoảng 10.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Theo kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn huyện Đăk Hà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; huyện Đăk Hà phấn đấu từ nay đến năm 2025, mỗi năm địa phương đón từ 10.000 - 20.000 lượt khách du lịch; từ năm 2025- 2030, thu hút từ 20.000 - 30.000 lượt khách/năm đến tham quan, trải nghiệm.
Nhằm hiện thực hóa tiêu đã đề ra, huyện Đăk Hà đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy ngành du lịch của địa phương phát triển tương xứng với tiền năng, lợi thế sẵn có. Trong đó, chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; tiếp tục đầu tư tôn tạo, nâng cấp, sửa chữa, trùng tu các điểm di tích lịch sử cách mạng; ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại Làng du lịch văn hóa cộng đồng Kon Trang Long Loi, từng bước xây dựng và hình thành điểm du lịch cộng đồng tại làng Kon Gung và làng Đăk Mút (xã Đăk Mar); tiếp tục khai thác hiệu quả các dự án, sản phẩm du lịch đã đi vào hoạt động; thu hút các doanh nghiệp đến khai thác, xây dựng một số mô hình du lịch cộng đồng (homestay) gắn với khai thác các hoạt động giải trí khu vực lòng hồ thủy điện Plei Krông; nâng cao chất lượng, quy mô, mạng lưới dịch vụ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách.
Thùy Hương