Có ai còn vẽ truyền thần!?
Một buổi sáng cuối thu, tôi tỷ mẩn ngồi sắp xếp lại “gia tài” của mình- toàn sách là sách. Bỗng một tờ giấy gấp tư ố vàng rơi xuống. Tò mò mở ra xem, tôi nhận ra là bức vẽ truyền thần mà một người bạn vẽ tặng từ thời trai trẻ. Tôi lặng lẽ ngắm nhìn “tôi” mà lòng lan man nhớ lại những ngày rong ruổi ở các cửa hiệu vẽ truyền thần…
Nghề vẽ truyền thần không biết ra đời từ lúc nào, nhưng chắc chắn ra đời sau ngành nhiếp ảnh. Bởi họ vẽ lại chân dung nhân vật qua ảnh. Khác với tranh tả thực được họa sĩ vẽ trực tiếp chân dung nhân vật qua chắt lọc đường nét bố cục ánh sáng, màu sắc một cách sáng tạo.
Một số tài liệu cho rằng nghề vẽ truyền thần được du nhập vào Việt Nam khoảng đầu thập niên 50 và phát triển rực rỡ vào thập niên 60-70 của thế kỷ XX.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Hà Nội là cái nôi của nghề vẽ truyền thần. Khi ấy, các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, gần chợ Đồng Xuân nhan nhản các hiệu vẽ truyền thần, truyền từ đời này sang đời khác.
Trước năm 1975, nếu ai có dịp ghé thăm các thành phố lớn ở miền Nam cũng thấy có những dãy phố chuyên vẽ truyền thần.
Hồi còn học phổ thông, tôi vẫn thích ra phố Huỳnh Thúc Kháng và Phan Bội Châu - thành phố Huế vào các hiệu vẽ xem các họa sĩ vẽ truyền thần. Có lẽ ai có chút năng khiếu vẽ đều thích đến các hiệu vẽ xem một đôi lần như tôi vậy. Sau khi vào học trường mỹ thuật, các thầy bảo không nên vẽ theo lối truyền thần sẽ ảnh hưởng đến tư duy sáng tạo.
Đó là các thầy nói vậy và chúng tôi tin vậy, nhưng khi ra trường nghiệm lại cũng chẳng ảnh hưởng gì.
Chất liệu để làm nên một bức ảnh truyền thần rất đơn giản và không hiếm: giấy trô-ki (giấy xốp), hoặc giấy căng-xông, bột than (bột quát vẽ), bút vẽ, vài cây cọ làm bằng đầu tăm, chân hương, que diêm.
Ðể trở thành một người biết vẽ truyền thần cũng phải mất ít nhất từ ba đến bốn năm, còn để trở thành người lành nghề mất khoảng sáu đến tám năm, có người phải học hỏi cả đời.
Ðây là một nghề đòi hỏi lòng kiên trì, tính cần mẫn, mức độ tập trung cao, có một số kiến thức nhất định về hội họa và giải phẫu học cộng với kinh nghiệm lâu năm. Ðôi khi còn yêu cầu một chút tinh tường, cảm xúc và trí tưởng tượng. Một bức vẽ bình thường cỡ 18 x 24cm mất khoảng 4 - 5 giờ, nếu bức to cỡ 50 x 65cm cũng phải mất hai, ba ngày. Ðặc biệt những bức vẽ truyền thần này để được rất lâu, có gia đình để được 60 năm.
Chẳng có trường lớp chính quy nào dạy vẽ truyền thần cả. Ai muốn học cứ học, cứ tự đi tìm hiểu, mày mò lấy, đồng thời phải quan sát, làm quen công việc của những người đi trước.
Thông thường những người theo nghề truyền thần đều học từ khi còn bé, do cha truyền con nối, đến khi trưởng thành đứng ra mở cửa hàng vẽ.
Ðể gây chú ý, uy tín đối với khách hàng, tạo phong cách riêng cho mình, người vẽ phải mất hàng chục năm lăn lộn trong nghề. Chỉ cần một ánh mắt, một khóe môi, một nụ cười hay một nếp nhăn của người trong ảnh khi được truyền lại dưới bàn tay của người thợ điêu luyện ta có thể cảm nhận được cái hồn trong từng bức vẽ. Nghĩa là bức vẽ đó rất sinh động, nó gần như hoàn chỉnh cả về màu sắc, bố cục, ánh sáng.
Ở Gia Lai và Kon Tum, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nghề vẽ truyền thần vẫn còn thịnh lắm. Tôi quen nhiều với các hiệu vẽ truyền thần nổi tiếng. Ở Gia Lai có hiệu vẽ Long, Sống, Bằng. Ở Kon Tum có hiệu vẽ Tây Nguyên, Phú và Khanh Vẽ.
Bước sang thập niên 90, nghề vẽ truyền thần trên cả nước đã dần rơi vào quên lãng khi sự phát triển của công nghệ, nhất là sự ra đời của nhiếp ảnh kỹ thuật số, kỹ thuật đồ họa photoshop. Ở Kon Tum cũng không là ngoại lệ, hay đúng hơn, sự quên lãng diễn ra nhanh chóng hơn.
Tuy vậy, hiện nay ở Kon Tum vẫn còn sót lại một người vẫn đang ngày đêm lặng lẽ gìn giữ nghề vẽ truyền thần. Đó là họa sĩ Phan Châu Khanh ở hiệu KHANH VẼ, số 139 đường Phan Chu Trinh, thành phố Kon Tum.
Trò chuyện với anh, có thể cảm nhận được sự đam mê, yêu nghề xen lẫn tự hào vì vẫn tồn tại, vẫn gắn bó với nghề qua bao thăng trầm của cuộc sống.
|
Ở phố núi nhỏ bé này, cái tên Phan Châu Khanh có thể còn hơi xa lạ, nhưng tên KHANH VẼ thì rất nhiều người biết, không chỉ là dân trong nghề.
Ở phòng vẽ chỉ với vài ba dụng cụ thô sơ tự tay anh làm như : Que tre, bông gòn, lông thỏ, muội than, và kính lúp, giấy Croquis, thước phác hình Fantograp mà bao năm qua anh đã truyền lại hồn cốt, thần thái của rất nhiều người; phục dựng chân dung cho rất nhiều người quá cố để gia đình họ đem về trân trọng đặt lên bàn thờ để cúng bái.
Thông thường, khách đến để truyền thần những bức ảnh thờ hoặc phục chế ảnh cũ của gia đình... Mỗi bức ảnh dù cũ, nhàu nát, ố vàng khi được các họa sĩ truyền thần chỉ vẽ bằng hai mầu đen trắng trông sẽ hoàn toàn mới và thật. Ðiều đặc biệt những đường nét trên khuôn mặt của bức ảnh cũ ấy dù có bị phai mờ hoặc lệch lạc, anh sẽ điều chỉnh lại được như thật, như có hồn trong đó.
Và đặc biệt, anh đã vẽ nhiều, rất nhiều chân dung Hồ Chủ tịch cho các trường học và công sở trong suốt mấy chục năm qua. Không chỉ vậy, anh còn có đam mê vẽ chân dung của những bậc tiền nhân, các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như các nhà thơ Hoàng Cầm, Quang Dũng, Hàn Mặc Tử; các nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh công Sơn... Thậm chí là danh ca Evis Presley, nữ minh tinh màn bạc nổi tiếng Marilyn Monroe.
Trong thời buổi kinh tế thị trường, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, ít ai ngờ rằng, ở một góc phố yên bình, vẫn có một KHANH VẼ đang cần mẫn, siêng năng, cặm cụi vẽ để mưu sinh, và cũng để thỏa niềm đam mê.
Khi đến thăm xưởng vẽ chật chội của anh, tôi đã buột miệng hỏi: Có ai còn vẽ truyền thần? Anh cười: Còn chứ! Những cái mới, cái ồn ào rồi sẽ nhanh chóng lắng lại. Nghề vẽ truyền thần đã tồn tại qua bao thăng trầm, thì nó sẽ tiếp tục tồn tại…
Phùng Sơn