Chủ thể của du lịch cộng đồng
Mới đây, trong cuộc làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông, Đảng ủy thị trấn Măng Đen và Đảng ủy xã Măng Cành (ngày 18/2), vấn đề được nêu ra và bàn bạc, thảo luận nhiều nhất là làm sao để thu hút, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong phát triển du lịch cộng đồng. Bởi đúng như tên gọi của nó, sản phẩm du lịch cộng đồng là phải lấy người dân, cộng đồng dân cư làm trung tâm. Bởi họ là người thực hiện và cũng chính là người hưởng thụ các lợi ích mà du lịch mang lại.
Tỉnh ta có thiên nhiên đa dạng, phong phú với danh lam, thắng cảnh đẹp, có nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng. Tỉnh ta có 43 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, có 7 DTTS tại chỗ với nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo còn được lưu giữ, tạo nên bức tranh sinh hoạt cộng đồng đa dạng, độc đáo. Đây là tiềm năng, lợi thế để tỉnh ta phát triển du lịch cộng đồng.
Tuy nhiên, đây mới là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ cho du lịch cộng đồng phát triển. Để phát triển du lịch cộng đồng bền vững thì người dân phải đóng vai trò trung tâm, là chủ thể, Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ. Vì chỉ khi người dân nhận thấy được giá trị, lợi ích mà du lịch cộng đồng mang lại sẽ chủ động, tự giác bảo tồn, gìn giữ và khai thác giá trị văn hóa, thiên nhiên một cách phù hợp, hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Thời gian qua, du lịch cộng đồng đang dần phát triển trên địa bàn tỉnh ta. Trên thực tế, có nhiều mô hình du lịch cộng đồng thành công khi phát huy được vai trò chủ thể, trung tâm là người dân, cộng đồng trong khai thác, tổ chức các hoạt động du lịch.
|
Làng Kon Chênh (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) là một điển hình. Mấy năm trước, khi nhận thấy khách du lịch quan tâm, đến tham quan, trải nghiệm tại làng, người dân đã từng bước nắm bắt cơ hội làm du lịch. Mỗi năm, Kon Chênh đón khoảng 3.900 lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 1.600 lượt khách lưu trú, hoặc đặt hàng dịch vụ ẩm thực, trải nghiệm văn hóa tại làng. Năm 2024 và gần 2 tháng đầu năm nay, lợi nhuận từ làm du lịch của làng Kon Chênh đạt khoảng 850 triệu đồng.
Để có được kết quả này, Nhà nước đã hỗ trợ đầu tư đường giao thông từ Tỉnh lộ 676 vào làng; định hướng người dân bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ làm du lịch cho người dân, quảng bá nét đẹp của làng. Người dân tích cực chủ động tham gia đầu tư, cải tạo nhà cửa làm homestay phục vụ nhu cầu lưu trú; chỉnh trang khuôn viên làng, xóm xanh- sạch, duy trì phát triển các nghề truyền thống, phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp với làm du lịch, lấy cây cà phê làm điểm nhấn để thu hút du khách.
Trong quá trình đó, mỗi gia đình, mỗi người dân trực tiếp hay gián tiếp đều có cơ hội tham gia vào các công đoạn, hoạt động phục vụ du khách như biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, hướng dẫn trải nghiệm nấu rượu ghè, đan lát các dụng cụ lao động, làm nông nghiệp, cung cấp các thực phẩm được khai thác từ tự nhiên hoặc do người dân làm ra. Từ đó, mang lại thu nhập thiết thực và tạo được sự hào hứng, đồng thuận tham gia làm du lịch trong người dân địa phương.
|
Du lịch cộng đồng là quá trình trải nghiệm và khám phá văn hóa, lịch sử vùng đất mới của khách du lịch. Ở đó, mỗi người dân là một “hướng dẫn viên” bằng vốn sống, sự hiểu biết sâu sắc về nơi họ sinh ra, lớn lên giới thiệu, quảng bá đến du khách về thiên nhiên, văn hóa, những nét đặc sắc của làng quê. Thế nên, dù có thể họ làm du lịch chưa thực sự bài bản, chuyên nghiệp, nhưng chính sự thân thiện, mộc mạc và môi trường sống xanh - sạch sẽ hấp dẫn du khách.
Và, khi du lịch cộng đồng phát triển, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, đồng thời, tạo động lực để bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan sinh thái, môi trường tự nhiên, xây dựng nếp sống hợp vệ sinh.
Trong Đề án Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, một trong những mục tiêu quan trọng được tỉnh ta đặt ra đó là tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia làm du lịch, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây chính là giải pháp hiệu quả để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Thiên Hương