Chiếc gùi của người Hà Lăng
Cũng như các DTTS khác ở Kon Tum, chiếc gùi rất gần gũi trong đời sống sinh hoạt và trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Hà Lăng (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) ở xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy.
Đã từ lâu người Hà Lăng đã biết tận dụng các loại tre, nứa, mây, lồ ô làm những vật dụng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Trong đó, gùi là một trong những đồ dùng không thể thiếu.
Theo ông A Bui (83 tuổi, ở làng Kram), gùi vốn đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt từ bao đời nay và được người Hà Lăng lưu truyền, gìn giữ qua các thế hệ. Nếu như nghề dệt thổ cẩm, làm rượu cần do người phụ nữ đảm nhiệm, thì việc đan gùi luôn dành cho người đàn ông. Một chiếc gùi đẹp và bền chắc luôn được nhiều người yêu thích, ngưỡng mộ nên đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo, tỷ mỷ, đúng kỹ thuật trong từng khâu đan của người đàn ông.
Gùi của người Hà Lăng có nhiều loại như Reng, Hkak, Rô, Hnom. Mỗi loại đều có công dụng khác nhau. Cụ thể như gùi Reng - gùi thân tròn, đan dày một lớp thường được sử dụng để đựng cơm, nước khi lên rẫy; gùi Hkak cũng giống gùi Reng nhưng có kích cỡ lớn hơn, để đựng lúa, gạo, bắp; gùi Rô được đan thưa một lớp, dùng đựng củi, rau, măng, bình nước; gùi Hnom là gùi thân tròn, đan dày hai lớp, có nắp và đựng váy, áo, khố, chăn, màn, trang sức.
|
Để làm nên một chiếc gùi, với người Hà Lăng không chỉ tốn thời gian mà cần cả sự khéo léo, tỉ mẩn của những bàn tay tài hoa. Bởi mỗi chiếc gùi làm ra không chỉ để sử dụng lâu bền mà cần phải đẹp đẽ. Trước đây, chàng trai nào khéo tay, giỏi giang thường lọt vào “mắt xanh” của các thiếu nữ Hà Lăng trong làng.
Tuy có nhiều loại gùi, nhưng các gùi đều có 4 bộ phận chính: Đế gùi, thân gùi, miệng gùi, quai gùi. Phần đế gùi cao hơn một ngón tay được làm từ thân cây taopang, đây là loài cây dai và dẻo. Để làm được đế gùi, thân cây taopang được chẻ mỏng, ngâm nước 3 ngày, sau đó vớt lên rồi uốn thành hình vuông. Còn thân gùi được đan bởi các thanh ngang và dọc. Thanh ngang làm từ cây nứa, thanh dọc làm từ cây lồ ô. Ngoài ra, thân gùi còn được cố định bằng 4 trụ; các trụ này làm từ cây tre già và được đan bao quanh bằng sợi nan của cây nứa.
Miệng gùi làm từ phần vỏ của cây lồ ô. Miệng gùi hình tròn nên để uốn và tạo hình cho vỏ cây lồ ô, người đan gùi phải rất tinh mắt và khéo tay. Quai gùi đan bằng nứa và được xỏ, buộc vào thân gùi. Phần phụ của gùi là hai dây đeo làm từ cây mây. Hai dây đeo được đan giống như tết tóc của phụ nữ nhưng phức tạp hơn. Cũng là một phần phụ của gùi, nắp đậy làm từ cây nứa, đan theo hình chóp.
“Đan gùi rất khó, cần nhiều công sức và phải đúng thứ tự. Việc đan gùi được thực hiện theo thứ tự như sau: Đan phần đáy, phần trên đáy, phần thân gùi, phần đỡ miệng gùi, phần miệng gùi, làm đế gùi, đan quai gùi, đan 2 dây đeo, đan nắp đậy và cuối cùng là đan nối các bộ phận lại với nhau”- ông A Bui cho hay.
|
Đối với người Hà Lăng, chiếc gùi không chỉ là vật dụng quen thuộc phục vụ trong đời sống hằng ngày mà đây còn là món quà quý mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc cho con cháu trong gia đình.
Theo ông A Đeng (81 tuổi, ở làng Rờ Kơi), chiếc gùi cũng là tặng phẩm quý dành cho các thành viên trong gia đình, thể hiện tình yêu thương, chăm sóc của cha mẹ đối với con cái. Đã thành thông lệ từ xưa đến nay, người đàn ông sau mùa rẫy lại cặm cụi vót nan, đan chiếc gùi Hnom (hoặc mua, trao đổi từ người thợ khéo tay trong làng) để tặng cho con gái trước khi đi lấy chồng.
“Tất cả gùi của người thân trong gia đình từ trước đến nay đều một tay tôi đảm nhận làm để tặng cho con cháu với mong muốn các cháu siêng năng, biết vun đắp cho gia đình về sau”- ông A Đeng chia sẻ.
Không chỉ đơn thuần là món quà tinh thần, thông qua hình ảnh chiếc gùi, những người lớn tuổi trong cộng đồng người Hà Lăng còn mong muốn giáo dục chị em phụ nữ, con cháu trong gia đình truyền thống của mình khi trưởng thành sẽ học hỏi những điều hay lẽ phải, báo hiếu ông bà, cha mẹ.
Cũng theo ông A Đeng, ngoài sử dụng trong cuộc sống hằng ngày và làm quà tặng cho con cháu, gùi còn là vật dụng không thể thiếu trong các dịp lễ hội của người Hà Lăng. Mỗi khi làm lễ cúng lúa mới, cúng cầu an, già làng thường đặt một chiếc gùi Reng ở gần bàn cúng để đựng đồ cúng gồm thịt heo, gà, tấm thổ cẩm. Ngoài ra, trong lễ cúng cầu an sẽ có chị em phụ nữ mang gùi Reng múa tượng trưng bên cạnh bàn cúng.
Ngày nay, tuy nhiều gia đình người Hà Lăng đã hòa nhập với nhịp sống của xã hội hiện đại, thế nhưng chiếc gùi vẫn là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây. Nó không chỉ là vật dụng thiết yếu mà còn là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Mai Vàng